Nhật Bản tổ chức tập trận quy mô lớn đáp trả khẩu chiến của Trung Quốc

02/11/2013 14:50
Việt Dũng
(GDVN) - Đây là cuộc diễn tập nhằm phòng thủ các hòn đảo nhỏ phía tây nam, có nhiều điểm sáng đáng chú ý, như triển khai tên lửa chống hạm phong tỏa Hải quân TQ.
Nhật Bản tiến hành diễn tập "đoạt đảo" quy mô lớn từ ngày 1 đến ngày 18 tháng 11 năm 2013
Nhật Bản tiến hành diễn tập "đoạt đảo" quy mô lớn từ ngày 1 đến ngày 18 tháng 11 năm 2013

Nhật Bản tổ chức diễn tập đoạt đảo

Trang mạng "Tin tức Trung Quốc" ngày 1 tháng 11có bài viết tuyên truyền cho rằng, gần đây, Nhật Bản một mặt ra sức "thổi phồng" mối đe dọa từ bên ngoài, mặt khác tăng cường triển khai quân sự nhằm vào vùng biển đảo Senkaku, lời nói và hành động "khiêu khích" không ngừng leo thang.

Từ ngày 1 - 18 tháng 11 năm 2013, Nhật Bản lại tổ chức một cuộc diễn tập "đoạt đảo" lục, hải, không quân quy mô lớn với khoảng 34.000 quân, trong đó có đơn vị WAIR tinh nhuệ phụ trách phòng vệ đảo nhỏ với 100 quân. Hành động này của Nhật Bản có ý đồ "kiềm chế, khiêu khích Trung Quốc".

Về lực lượng diễn tập, một số tờ báo khác của Trung Quốc cho biết, tham gia cuộc diễn tập có 34.000 quân, 6 tàu chiến, 380 máy bay chiến đấu trong đó có máy bay chiến đấu F-2, khu vực diễn tập trung tâm là đảo Kyushu và Okinawa.

Ngoài ra, Nhật Bản lần đầu tiên triển khai tên lửa chống hạm Project 88 ở Okinawa và Miyako. Nhật Bản cũng tiến hành huấn luyện máy bay do thám không người lái ở đảo Kume, cách đảo Okinawa hơn 100 km; tiến hành diễn tập thiết bị thông tin ở đảo Ishigaki, cách đảo Okinawa hơn 400 km. Cuộc diễn tập này nhằm tăng cường năng lực phòng thủ tổng thể các hòn đảo tây nam Nhật Bản.

Theo bài báo, nội dung diễn tập là: Lực lượng Phòng vệ sẽ đưa lực lượng tác chiến từ trên biển vào đảo bị địch chiếm đóng, tiến hành đổ bộ tác chiến, đồng thời lần đầu tiên triển khai diễn tập phòng thủ đảo trong tình hình "bị tấn công". Mặc dù Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhấn mạnh, cuộc diễn tập không nhằm vào quốc gia cụ thể nào, nhưng thực chất, cuộc diễn tập này là nhằm vào đảo Senkaku.

Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản diễn tập bắn đạn thật ở Gotemba ngày 20 tháng 8 năm 2013 (ảnh minh họa)
Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản diễn tập bắn đạn thật ở Gotemba ngày 20 tháng 8 năm 2013 (ảnh minh họa)

Được biết, hoạt động huấn luyện tác chiến đổ bộ lần này lấy đảo Okidaito - thao trường ném bom của quân Mỹ, cách đảo Okinawa 400 km về phía đông nam - làm mục tiêu, tiến hành bắn pháo và máy bay ném bom, thực hiện một loạt quy trình trước khi Lực lượng Phòng vệ Mặt đất đổ bộ.

Quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, đảo Okidaito cách nhóm đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát tương đối xa. Ông nhấn mạnh, tàu khu trục và máy bay chiến đấu F-2 sẽ tiến hành diễn tập bắn đạn thật.

Những năm gần đây, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản độc lập tiến hành diễn tập quân sự đoạt đảo hoặc tiến hành diễn tập quân sự đoạt đảo với quân Mỹ đóng tại Nhật Bản tương đối dồn dập. So với đảo Senkaku, môi trường thực tế của đảo Okidaito phức tạp hơn, rủi ro cho tàu chiến đổ bộ cao, nên diễn tập lần này là thử thách sức chiến đấu đổ bộ của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

Ngoài ra, điều đáng chú ý là, cuộc diễn tập lần này là hoạt động diễn tập quy mô lớn nhất của Lực lượng Phòng vệ kể từ năm 2009 đến nay - năm 2009, Nhật Bản tiến hành "diễn tập phòng thủ đảo Kyushu và ngăn chặn đặc công địch xâm nhập".

Cuộc diễn tập lần này tập trung vào kiểm tra năng lực phản ứng nhanh và đoạt quyền kiểm soát trên không, trên biển cục bộ của ba "quân chủng" Lực lượng Phòng vệ, có tính chất chiến đấu thực tế rất mạnh. Ngoài ra, cuộc diễn tập quân sự lần này cũng lần đầu tiên tiến hành diễn tập tên lửa chống hạm trên vùng biển giữa đảo Okinawa và đảo Miyako.

Ngày 10 tháng 1 năm 2013, Lữ đoàn nhảy dù 1 của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản tiến hành diễn tập ở thao trường Narashino, tỉnh Chiba, Nhật Bản (ảnh minh họa).
Ngày 10 tháng 1 năm 2013, Lữ đoàn nhảy dù 1 của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản tiến hành diễn tập ở thao trường Narashino, tỉnh Chiba, Nhật Bản (ảnh minh họa).

Phạm vi diễn tập lần này của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ bao trùm toàn bộ các hòn đảo nhỏ tây nam của Nhật Bản, nội dung gồm có tác chiến đổ bộ, huấn luyện vận tải, là cuộc diễn tập đoạt đảo “tiêu chuẩn”. Chuyên gia quân sự Trung Quốc Đỗ Văn Long cho rằng, đối tượng nhằm vào của cuộc diễn tập lần này của Nhật Bản chính là đảo Senkaku.

Nhìn vào bổi cảnh diễn tập, đây là cuộc diễn tập liên hợp 3 "quân chủng" (Lực lượng Phòng vệ Mặt đất, Lực lượng Phòng vệ Biển, Lực lượng Phòng vệ Trên không), Nhật Bản tổ chức diễn tập quân sự ở hướng tây nam với quy mô lớn như vậy là lần đầu tiên.

Toàn bộ hoạt động diễn tập có các khâu cơ bản là đoạt lấy quyền kiểm soát biển, quyền kiểm soát trên không, yểm trợ cho Lực lượng Phòng vệ Mặt đất đổ bộ lên đảo, bảo vệ đảo. Trong tương lai một khi xảy ra sự cố bất trắc, hoạt động tác chiến của Nhật Bản trên hướng đảo Senkaku sẽ hoàn toàn tương đương với hoạt động diễn tập lần này.

Ngoài ra, trong cuộc diễn tập, Nhật Bản tiến hành triển khai tên lửa chống hạm Project 88 ở Okinawa và Miyako mới là hành động "giương đông kích tây", là một tiêu điểm quan tâm lớn. Theo chuyên gia quân sự Trung Quốc Đỗ Văn Long, tên lửa chống hạm Project 88 là một loại tên lửa chống hạm phóng cơ động, tầm phóng đạt 150 km, nếu triển khai ở đảo Miyako và Okinawa thì eo biển Miyako khoảng 303 km sẽ nằm trong phạm vi phong tỏa của Nhật Bản. Bất cứ hải quân nước nào đi qua eo biển Miyako sẽ đối mặt với rủi ro rất lớn.

Tên lửa chống hạm Project 88 (SSM-1) của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản.
Tên lửa chống hạm Project 88 (SSM-1) của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản.


Trong khi đó, Hải quân Trung Quốc nhiều lần tiến hành diễn tập ở biển xa, phải đi qua tuyến đường biển này. Điều này có nghĩa là, đã phong tỏa, kiểm soát cửa ra vào trên biển của Trung Quốc ở toàn bộ Tây Thái Bình Dương.

Theo bình luận viên quân sự Trung Quốc Tống Trung Bình, cuộc diễn tập lần này của Nhật Bản không chỉ có quy mô lớn, mà còn tận dụng cơ hội để triển khai tên lửa chống hạm Project 88, điều này có ý nghĩa tượng trưng, thể hiện tham vọng của Nhật Bản.

Theo chuyên gia này, đảo Senkaku là khởi đầu cho tham vọng của Nhật Bản, Nhật Bản có thể tận dụng cơ hội để sửa đổi Hiến pháp, ngăn chặn Trung Quốc. Ba mục tiêu lớn của Nhật Bản chính là: củng cố lợi ích đã có, ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy, mưu cầu "bá quyền" châu Á-Thái Bình Dương. Nhật Bản muốn trở thành một quốc gia bình thường, đó chính là một cường quốc quân sự, họ muốn mưu cầu "bá quyền khu vực", muốn làm lãnh đạo khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tống Trung Bình cho rằng, Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp đáp trả, đã 7 lần điều lực lượng quân sự ra Tây Thái Bình Dương, đã tiến hành cảnh cáo tàu chiến, máy bay quân sự của Nhật Bản. Trong chuẩn bị đấu tranh quân sự, Quân đội Trung Quốc vừa dựa vào lực lượng trên biển, vừa dựa vào lực lượng trên không, xây dựng hệ thống tác chiến nhất thể hóa trên không-trên biển. Lực lượng Pháo binh 2 có thể đối phó với tên lửa chống hạm Project 88 Nhật Bản.

Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản diễn tập đoạt đảo (ảnh minh họa)
Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản diễn tập đoạt đảo (ảnh minh họa)

Đối với cuộc diễn tập "đoạt đảo" lần này của Nhật Bản, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã phát biểu cho rằng: "Hy vọng bên liên quan làm nhiều việc có lợi cho tăng cường lòng tin chính trị, an ninh giữa các nước trong khu vực, bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực".

Có chuyên gia cho rằng, trước cuộc diễn tập lần này, khẩu chiến giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã đột ngột leo thang, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản đã coi Trung Quốc là mối đe dọa của hòa bình khu vực.

Theo bài báo, gần đây, Nhật Bản tích cực nhấn mạnh đến mối đe dọa từ Trung Quốc, lời nói và hành động "khiêu khích" liên tục leo thang. Ngày 27 tháng 10, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản tổ chức lễ duyệt binh quy mô lớn 4.000 quân, tổng cộng có 240 xe chiến đấu, 50 máy bay chiến đấu tham gia. Trong đó, đơn vị WAIR phụ trách phòng thủ đảo nhỏ cũng lần đầu tiên tham gia lễ duyệt binh. Đồng thời, xe tấn công đổ bộ do Mỹ chế tạo cũng lần đầu tiên xuất hiện tại lễ duyệt binh này.

Đối với hoạt động trên biển ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực đảo Senkaku, tại Lễ duyệt binh, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh "sẽ khẳng định ý chí quốc gia không cho phép làm thay đổi hiện trạng của Nhật Bản, đối với vấn đề này, phải tiến hành các hoạt động cảnh giới, theo dõi và thu thập tin tức tình báo".

Máy bay chiến đấu F-2A của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản
Máy bay chiến đấu F-2A của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản

Ông Shinzo Abe còn tuyên bố, để ứng phó với môi trường an ninh ngày càng nghiêm trọng, phải thành lập Hội đồng an ninh quốc gia và sửa đổi luật pháp để thúc đẩy thực hiện quyền tự vệ tập thể.

Trước đó, Nhật Bản còn nhiều lần tuyên bố, sẽ bắn rơi máy bay không người lái Trung Quốc, nếu chúng xâm phạm không phận Nhật Bản. Đồng thời Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đang cân nhắc nhập khẩu máy bay trinh sát không người lái MQ-8 của Mỹ nhằm tăng cường cảnh giới đảo Senkaku. Hoạt động diễn tập quân sự của Trung Quốc ở khu vực Tây Thái Bình Dương cũng bị Nhật Bản theo dõi chặt chẽ.

Theo bài báo, Nhật Bản ngoài việc muốn tăng cường tuần tra hàng ngày đảo Senkaku, còn có ý định tiến hành diễn tập liên hợp với quân Mỹ đóng ở Nhật Bản nhằm tăng cường năng lực tác chiến đảo. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera tiết lộ, Hội đồng an ninh quốc gia (có kế hoạch thành lập trong năm) sẽ phải thảo luận, làm thế nào để ứng phó với các vấn đề như tàu công vụ Trung Quốc xâm phạm đảo Senkaku.

Khi trả lời phỏng vấn tờ "Nhật báo Phố Wall" Mỹ, Thủ tướng Shinzo Abe nói rõ rằng, một đóng góp quan trọng của Nhật Bản chính là kiềm chế Trung Quốc ở châu Á. Ông nói, có người lo ngại Trung Quốc đang có ý đồ sử dụng vũ lực, chứ không phải dùng luật pháp để thay đổi hiện trạng, nhưng nếu Trung Quốc lựa chọn đi con đường đó, thì “không thể trỗi dậy hòa bình”.

Ông Abe nói thẳng rằng: "Nhật Bản phục hưng sẽ đóng vai trò lãnh đạo kiên định hơn ở châu Á, trở thành lực lượng kiềm chế Trung Quốc, phải để Tokyo trở thành nhà lãnh đạo của các nước trong khu vực này".

Tàu khu trục Aegis DDG178 Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản
Tàu khu trục Aegis DDG178 Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản

Tại cuộc họp báo ngày 28 tháng 10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng, nhà lãnh đạo Nhật Bản liên tục phát biểu mang tính "khiêu khích" đối với Tung Quốc tiếp tục cho thấy "sự ngạo mạn và thiếu tự tin, tự lừa dối mình" của chính khách Nhật Bản.

Bà Oánh tuyên truyền, Trung Quốc "kiên trì đi con đường phát triển hòa bình, đây là sự lựa chọn chiến lược của Trung Quốc theo trào lưu phát triển của thời đại và lợi ích căn bản của đất nước. Trung Quốc sẽ tiếp tục nỗ lực bảo vệ đại cục hòa bình, ổn định khu vực, tiếp tục dốc sức cho giải quyết các vấn đề có liên quan bằng con đường đối thoại, hiệp thương, đồng thời kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển".

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân lớn tiếng nhấn mạnh: Nhật Bản gần đây liên tiếp tuyên truyền "mối đe dọa quân sự Trung Quốc", mục đích là để lấy cớ tăng cường quân bị. Về lịch sử, Nhật Bản từng "bịa đặt, lừa dối" để phát triển sức mạnh quân sự, thậm chí phát động chiến tranh xâm lược đối với nước khác (Trung Quốc), đến nay vẫn không "thức tỉnh" sâu sắc. Các hành động của Nhật Bản "đáng để các nước láng giềng và cộng động quốc tế cảnh giác cao độ".

Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (ảnh minh họa)
Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (ảnh minh họa)

Dương Vũ Quân tiếp tục tuyên truyền: "Trung Quốc nhất quán đi con đường phát triển hòa bình, thực hiện chính sách quốc phòng mang tính phòng ngự, sẽ không bao giờ đi xâm lược nước khác, cũng sẽ không kích động tình hình căng thẳng khu vực.

Nhưng, Trung Quốc cũng có một câu nói cổ gọi là 'quên đi chiến tranh chắc chắn sẽ gặp nguy hiểm'. Trung Quốc sẽ không chủ động gây ra chiến tranh, nhưng cũng chưa từng sợ chiến tranh. Hy vọng bất cứ bên nào đều không nên đánh giá thấp quyết tâm, ý chí, năng lực và sự dũng cảm bảo vệ cái mà Bắc Kinh tuyên bố là chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia của Quân đội Trung Quốc".

Việt Dũng