Nhật Bản xây chiến lược mới cùng các nước ở Mekong, không mở rộng với TQ

20/02/2015 09:44
Lê Cường
(GDVN) - Nhật Bản cho biết, Tokyo sẽ đóng góp vào sự phát triển bền vững của khu vực này sau năm 2015.

Truyền thông Nhật Bản đưa tin cho biết, ngày 19/2 một quan chức cấp cao Nhật Bản cho biết các nhà lãnh đạo của nước này và 5 quốc gia Đông Nam Á thuộc khu vực tiểu vùng sông Mekong (Greater Mekong Subregion- GMS) gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar có kế hoạch xây dựng một chiến lược mới vào tháng 7 tới đây.

Đồng bằng sông Mekong (minh họa)
Đồng bằng sông Mekong (minh họa)

Nhật Bản cho biết, Tokyo sẽ đóng góp vào sự phát triển bền vững của khu vực này sau năm 2015.

Khi phát biểu tại một diễn đàn ở Tokyo, Thứ trưởng Ngoại giao cấp cao Nhật Bản Minoru Kiuchi nói rằng các nhà lãnh đạo của Nhật Bản và các nước tiểu vùng sông Mekong sẽ nhóm họp để đề ra một chiến lược mới nối tiếp "Chiến lược Tokyo 2012 vì Hợp tác Mekong-Nhật Bản".

Theo quan chức Nhật, mục đích của chiến lược mới sẽ đề ra vào tháng 7 nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của Nhật Bản và khu vực sông Mekong, trong bối cảnh hai bên chuẩn bị bước vào một giai đoạn hợp tác mới.

Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Kiuchi có nhắc đến chiến lược mà các nhà lãnh đạo dự kiến thông qua tại hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-Mekong sẽ diễn ra vào ngày 4/7 tới tại Tokyo, trước khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được khởi động vào cuối năm.

Ông Kiuchi khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao để phục vụ sự tăng trưởng bền vững của khu vực sông Mekong.

Quan chức này đồng thời cam kết Tokyo sẽ "hợp tác phát triển" với tiểu vùng sông Mekong trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.

Trung Quốc và khu vực

Liên quan đến vấn đề sông Mekong, trước đó, ngày 20/12/2014, 6 quốc gia thuộc cơ chế Tiểu vùng Sông Mekong mở rộng (Greater Mekong Subregion- GMS) gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar và Trung Quốc cũng đã đưa ra 1 tuyên bố chung sau hai ngày họp.

Tại kỳ hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Tiểu Vùng Mekong mở rộng này, Trung Quốc thông báo cung cấp 3 tỷ USD tín dụng cho 5 nước Đông Nam Á với mục đích giúp cải thiện hệ thống hạ tầng cơ sở, nâng cao sản xuất và xóa đói giảm nghèo.

Việc TQ tham gia vào khu vực sông Mekong được một số chuyên gia phân tích chính trị lưu ý rằng "Trung Quốc chỗ nào có lợi thì tham dự, chỗ nào không thì không tham dự".

Trước đây, sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt Ủy ban Sông Mekong bị giải tán; sau đó lập Ủy ban Sông Mekong tạm thời. Sau đó Khi Campuchia trở lại thì thành lập Ủy hội Sông Mê kong. Khi thành lập, 4 quốc gia của ủy hội mời Trung Quốc vào nhưng Trung Quốc từ chối.

Lý do vì Trung Quốc xây những đập thủy điện trên thượng nguồn gây tác động bất lợi cho vùng hạ lưu. Nếu mời vào thì phải chịu trách nhiệm về những tác động tiêu cực do những đập mà Trung Quốc gây ra nên Bắc Kinh đã khước từ và nay thì ngược lại.

Tiến sĩ Huỳnh Long Vân thuộc Nhóm Nghiên cứu Văn hóa Đồng Nai- Cửu Long, người lâu nay quan tâm đến tình hình dòng sông Cửu Long khi trả lời phỏng vấn truyền thông quốc tế dẫn chứng cho biết:

"Đối với tiểu vùng sông Mê kong mở rộng, Trung Quốc có lợi gì? Trung Quốc có lợi về kinh tế, xã hội, chiến lược. Nói là Trung Quốc nhưng chỉ có hai tỉnh của Trung Quốc tham gia chiến lược phát triển GMS mà thôi, đó là Vân Nam và Quảng Tây.

Hai tỉnh này nằm trong góc kẹt của Trung Quốc và kinh tế không phát triển bằng các tỉnh ở miền đông, ven biển. Do đó dân chúng ở Vân Nam, Quảng Tây hay đi ra miền đông để kiếm công ăn việc làm. Đồng thời tại vùng Vân Nam, Quảng Tây có rất nhiều đồng bào sắc tộc và cuộc sống của họ cũng cách biệt với người Hoa- người Hán.

Do đó để tránh tình trạng người dân ở Vân Nam, Quảng Tây bỏ xứ ra đi, tránh tình trạng bất ổn xã hội, trong kế hoạch phát triển toàn quốc, Trung Quốc có kế hoạch phát triển Vân Nam và Quảng Tây. Họ muốn lợi dụng tài nguyên của khu vực để phát triển hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây.

Ngoài ra họ cũng muốn dùng Vân Nam như đầu cầu thương mại nối liền phía nam của Trung Quốc với nội địa vùng Đông Nam Á, Nam Á và biển Ấn Độ nữa. Khi thiết lập được đường thương mại trong nội địa này thì họ không phải đi qua đường hàng hải ở Biển Đông và eo Malacca.

Hơn nữa, Trung Quốc đã đồng ý với Miến Điện xây đường ống dẫn dầu từ Vịnh Bengal về Trung Quốc. Điều này có hai mối lợi cho Trung Quốc: nơi đó có thể tiếp nhận dầu từ các tàu của những xứ Bắc Phi, hay Trung Đông; không đi qua Biển Đông thì thời gian sẽ ngắn hơn, kinh phí nhẹ hơn.

Đồng thời, về mặt chiến lược nếu có xảy ra chiến tranh, Eo biển Malacca bị ngăn lại thì việc tiếp tế năng lượng cho Trung Quốc sẽ không bị gián đoạn.

Lê Cường