"Nhật Bản xây dựng quân đội để chiến đấu với TQ, Bắc Triều Tiên"

02/06/2013 07:24
Việt Dũng
(GDVN) - Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ trang bị tên lửa hành trình và mục tiêu là các căn cứ tên lửa, hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc.
Tên lửa hành trình là vũ khí chủ lực của chiến tranh cục bộ công nghệ cao
Tên lửa hành trình là vũ khí chủ lực của chiến tranh cục bộ công nghệ cao

Ngày 30 tháng 5, Đảng Tự do Dân chủ (LDP) Nhật Bản đã phê chuẩn bản dự thảo kiến nghị "Đại cương kế hoạch phòng vệ" mới nhằm cải cách lực lượng vũ trang.

Bản dự thảo kiến nghị, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cần sở hữu năng lực  tấn công căn cứ quân sự của kẻ thù, thành lập lực lượng đổ bộ, cải thiện năng lực phòng thủ tên lửa. Đối với vấn đề này, ngày 30 tháng 5 đài phát thanh "Tiếng nói nước Nga" bình luận, Nhật Bản đang thực sự chuẩn bị cho chiến tranh với láng giềng (ám chỉ TQ).

Bài viết cho rằng, đảng cầm quyền Nhật Bản kiến nghị trang bị tên lửa hành trình cho Lực lượng Phòng vệ để có khả năng tiến hành tấn công đối với các căn cứ quân sự của kẻ thù. Căn cứ vào nội dung dự thảo thì mục tiêu đầu tiên cần chỉ ra ở đây là các căn cứ tên lửa và cơ sở hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Nhưng, Valery Kistanov, chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản, Viện nghiên cứu Viễn Đông, Viện khoa học Nga cho rằng, loại vũ khí mang tính tấn công bị Hiến pháp Nhật Bản cấm này cũng có thể nhằm vào quốc gia khác.

Ông nói: "Đúng, đương nhiên trước tiên là nhằm vào CHDCND Triều Tiên, thứ hai đương nhiên là nhằm vào Trung Quốc. Tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa trước hết là do Trung Quốc tăng cường răn đe tên lửa hạt nhân. Điều chúng tôi thường nói là CHDCND Triều Tiên, nhưng trên thực tế là nhằm vào Trung Quốc.

Tàu khu trục Aegis của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.
Tàu khu trục Aegis của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.

Nhật Bản sẽ phát triển thực lực quân sự của họ, điều này đã rất rõ ràng. Các nhân vật chính giới và chính trị gia Nhật Bản đều chứng thực, điều này trước tiên có liên quan đến 2 nhân tố - đối với Nhật Bản, tình hình bán đảo Triều Tiên rất nhạy cảm đã tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng; hơn nữa còn do thực lực quân sự của Trung Quốc tăng lên, Nhật Bản cũng coi đây là một mối đe dọa".

Bài viết còn cho rằng, cách đây không lâu, Nhật Bản tăng mạnh chi tiêu quân sự đã thu hút sự quan tâm của dư luận châu Á. Truyền thông Trung Quốc luôn miệng nói Nhật Bản tái vũ trang, quay trở về với chủ nghĩa quân phiệt.

Theo bài viết, nếu như các biện pháp cải cách quân sự do Đảng Tự do Dân chủ Nhật Bản đưa ra được Chính phủ và Quốc hội phê chuẩn, thì sẽ gây ra sự phỏng đoán mới cho dư luận. Ở đây, điều cần chỉ ra là, có khả năng bùng phát một cuộc chạy đua vũ trang mới ở châu Á. Bởi vì, bất kể là Trung Quốc hay là các nước khác từng bị Nhật Bản chiếm đóng trong Chiến tranh thế giới thứ hai đều sẽ quan tâm đến việc tái vũ trang của Nhật Bản.

Tuy nhiên, có chuyên gia cho rằng, Chiến tranh thế giới thứ hai đã qua từ lâu, tình hình thế giới hiện nay đã khác, Nhật Bản sửa đổi Hiến pháp hòa bình, xây dựng quân đội chính quy, xuất khẩu vũ khí cho các nước khác... là một việc làm hết sức bình thường, nhất là trong bối cảnh khu vực đang nhiều biến động và mất cân bằng sức mạnh quân sự hiện nay. Nhật Bản cùng với Ấn Độ sẽ là một nhân tố quan trọng tạo thế cân bằng mới trong khu vực.

Những cuộc đấu đá trên bàn cờ khu vực sẽ ngày càng nóng bỏng và trật tự khu vực cần được tái cấu trúc với sự tham gia tích cực của các nước để đảm bảo hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực, tránh để kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu, tránh để xảy ra chiến tranh, xung đột, bất ổn, gây tai họa cho nhân dân trong khu vực.

Máy bay chiến đấu F-15J của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản.
Máy bay chiến đấu F-15J của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản.

Đặc biệt, có nước đang tham vọng lãnh thổ, áp đặt chủ trương chủ quyền vô lý, bất hợp pháp trên biển Đông, tìm mọi thủ đoạn thâm độc nhất (như chiến lược bắp cải – mô hình bãi cạn Scarborough) xâm phạm lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế, các đảo, đá ngầm của các nước ven biển Đông, bất chấp Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển, không dám ra tòa trọng tài quốc tế với một nước yếu thế hơn mình rất nhiều.

Những nước có tham vọng và hành động bất hợp pháp như vậy không có tư cách răn dạy người khác. Vì vậy, các nước lớn như Nhật Bản can dự vào khu vực là một tất yếu và cần thiết để tạo sự cân bằng chiến lược mới, đem lại lợi ích cho tất cả các bên.

Việt Dũng