Nhóm nghiên cứu Mỹ: Ít nhất 2 đảo Philippines chốt giữ là của Việt Nam

13/11/2014 11:16
Hồng Thủy
(GDVN) - Ít nhất 2 đảo Thị Tứ và Loại Ta thuộc chủ quyền của Việt Nam, Philippines đang chiếm đóng bất hợp pháp, CNA kết luận.
Đảo Thị Tứ nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam hiện do Philippines kiểm soát bất hợp pháp.
Đảo Thị Tứ nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam hiện do Philippines kiểm soát bất hợp pháp.

Tờ Philstar ngày 12/11 dẫn kết quả nghiên cứu của một tổ chức tư vấn của chính phủ Mỹ cho biết, trong khi yêu sách của Philippines với bãi cạn Scarborough vượt trội hơn hẳn Trung Quốc thì nước này đang chiếm đóng bất hợp pháp ít nhất 2 đảo trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Các nhà nghiên cứu thuộc nhóm CNA có trụ sở tại Virginia cho rằng, "Philippines không thể khẳng định toàn bộ nhóm đảo Kalayaan (tên Philippines gọi một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam - PV) là thuộc chủ quyền hợp pháp của họ. Ít nhất 2 đảo trong nhóm này, bao gồm đảo Thị Tứ và đảo Loại Ta thuộc chủ quyền của Việt Nam và được ghi rõ trong các tài liệu hợp pháp mà Cộng hòa Pháp (với tư cách đại diện cho Việt Nam về đối ngoại thời kỳ trước 2/9/1945 - PV) quản lý và thực thi chủ quyền.

Báo cáo nghiên cứu của nhóm CNA khẳng định: "Việc sáp nhập hợp pháp (ít nhất 2 đảo này vào lãnh thổ Việt Nam trong thời kỳ thuộc địa) của Cộng hòa Pháp vào thời điểm đó là một phương pháp hợp pháp và sau đó (ít nhất 2 đảo này) được Pháp chuyển giao đầy đủ cho Việt Nam".

Việc Pháp "sáp nhập (ít nhất 2 đảo Thị Tứ và Loại Ta - PV) vào lãnh thổ Việt Nam được tiến hành bởi hoạt động hàng hải của Pháp trước khi nổ ra Chiến tranh Thế giới II cũng như những bằng chứng rằng Pháp (và Việt Nam - PV) không từ bỏ nó sau chiến tranh cho thấy, ít nhất 2 đảo Thị Tứ và Loại Ta thuộc chủ quyền của Việt Nam, Philippines đang chiếm đóng bất hợp pháp, CNA kết luận.

Ở đây cần nhấn mạnh rằng, Việt Nam có đủ tài liệu chứng minh Nhà nước Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền hòa bình, hợp pháp và liên tục ít nhất từ thế kỷ 17 đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa bao gồm các thực thể được đề cập trong nghiên cứu của nhóm học giả Mỹ - PV.

Kết quả nghiên cứu của CNA càng khẳng định thực tế rằng, trong các giai đoạn lịch sử khác nhau, Nhà nước Việt Nam luôn thực thi đầy đủ chủ quyền hợp pháp và hòa bình đối với 2 quần đảo này, mà thời kỳ Pháp thuộc, Pháp là đại diện cho Nhà nước Việt Nam về đối ngoại - PV.

Ngoài ra theo kết quả nghiên cứu của CNA, đảo Song Tử Đông mà Philippines đang chiếm đóng cũng là bất hợp pháp, tuy nhiên CNA còn "thiếu các bằng chứng cần thiết".

Nhóm nghiên cứu này được tài trợ một phần bởi Washington và công bố kết quả nghiên cứu trong tháng này để hỗ trợ cho chính sách đối ngoại của Mỹ ở Biển Đông. Nhóm cũng đánh giá tính pháp lý trong các yêu sách về chủ quyền, hàng hải và vùng chồng lấn giữa các nước Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia và Brunei.

Sân bay quân sự bất hợp pháp của Philippines trên đảo Thị Tứ.
Sân bay quân sự bất hợp pháp của Philippines trên đảo Thị Tứ.

Các nhà nghiên cứu Mỹ cho rằng, yêu sách của Philippines đối với một phần (lớn) quần đảo Trường Sa mà họ gọi là Kalayaan cũng tương tự như đường lưỡi bò Trung Quốc, mặt khác yêu sách này còn ra đời muộn hơn cả tuyên bố đường lưỡi bò Trung Quốc và Đài Loan, (chứ chưa nói tới - PV) Việt Nam.

Tuy nhiên Manila vẫn chủ trương rằng đảo Thị Tứ và 6 thực thể khác ở Trường Sa mà họ cất quân chiếm đóng trong giai đoạn 1968 - 1971 là "đất vô chủ" trước đó?! Tuyên bố của Philippines đòi chủ quyền ở phần lớn quần đảo Trường Sa lần đầu tiên được đưa ra bởi Tổng thống Ferdinand Marcos vào năm 1978 thông qua một nghị định tự đặt tên cho nhóm đảo này là Kalayaan và sáp nhập vào tỉnh Palawan.

Đảo Thị Tứ là đảo tự nhiên lớn thứ 2 trong quần đảo Trường Sa, chỉ sau đảo Ba Bình. Đảo này hiện có khoảng 200 người Philippines sinh sống (bất hợp pháp - PV) và có một số kiến trúc như hội trường, trung tâm y tế và 1 đường băng quân sự. Đảo Loại Ta trong khi đó đã có một số công trình phục vụ cho việc đóng quân đồn trú (bất hợp pháp) của Philippines.

Tuy nhiên theo Philstar, báo cáo của CNA lại cho rằng "yêu sách các đảo Bến Lạc, đá An Nhơn,  đảo Vĩnh Viễn và đảo Bình Nguyên (đều nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam - PV) nên được trao cho Việt Nam" với lý do phía Philippines khẳng định rằng họ là người đầu tiên "khám phá và hoạt động nghề nghiệp đánh bắt hiệu quả" ở 4 đảo này. Luận điểm này cần được các nhà khoa học nghiên cứu, trao đổi và làm rõ - PV.

Vụ Philippines khởi kiện đường lưỡi bò Trung Quốc chỉ áp dụng trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý mà Philippines tuyên bố chứ không liên quan đến chủ quyền với các đảo, đá, rặng san hô bị chiếm đóng trên Biển Đông. Các tác giả cũng lưu ý rằng nếu phản đối tuyên bố của Trung Quốc về "chủ quyền" trên Biển Đông sẽ không thể có phán quyết tất cả các thực thể trong quần đảo Trường Sa thuộc về hẳn một quốc gia nào trong số các bên tranh chấp.

Nhóm CNA cũng lưu ý, việc xác định yêu sách của bên nào ở Biển Đông có sức nặng và giá trị (pháp lý) hơn không phải là một quá trình dễ dàng, theo luật gia và là cựu sĩ quan hải quân Mỹ Mark Rosen.

Hồng Thủy