Những cuộc diễn tập quân sự gây chú ý nhất thế giới năm 2012

05/01/2013 09:14
Đông Bình
(GDVN) - Đây là những cuộc diễn tập có quy mô lớn, nhưng chủ yếu diễn ra ở khu vực châu Á, đáng chú ý như "Vành đai Thái Bình Dương-2012", "Cobra Gold-2012"...

Tân Hoa xã vừa có bài viết điểm lại những cuộc diễn tập quân sự lớn năm 2012 trên toàn thế giới.

1. Diễn tập quân sự liên hợp Cobra Gold

- Thời gian, địa điểm: Từ ngày 7/2 đến 17/2/2012, cuộc diễn tập quân sự liên hợp “Hổ mang vàng” (Cobra Gold) chính thức bắt đầu tại Nakhon Ratchasima, miền đông Thái Lan.

- Các nước tham gia: Tham gia cuộc diễn tập có 7 quốc gia gồm Mỹ, Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia và Malaysia đã tham gia cuộc diễn tập quân sự này. Ngoài ra, Australia, Pháp, Canada, Anh, Bangladesh, Italia, Ấn Độ, Nepal... cũng sẽ tham gia vào nhóm lập kế hoạch đa quốc gia của cuộc tập trận này.

Diễn tập "Cobra Gold-2012" tại Thái Lan
Diễn tập "Cobra Gold-2012" tại Thái Lan

- Quy mô: 7 nước tham gia diễn tập cử hơn 13.000 quân, trong đó có gần 9.000 quân đến từ Mỹ (Lực lượng viễn chinh lính thủy đánh bộ số 3), hơn 3.600 quân đến từ nước chủ nhà Thái Lan; còn là là của Singapore, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Malaysia.

Từ ngày 8-17/2/2012, lực lượng liên hợp đã lần lượt tiến hành các khoa mục diễn tập như tác chiến đổ bộ, diễn tập chống phóng xạ, diễn tập bắn đạn thật, cứu trợ nhân đạo.

Hổ mang Vàng là cuộc tập trận được tổ chức thường niên kể từ năm 1982, đầu tiên chỉ có lực lượng quân sự Mỹ và Thái tham gia, giờ quy mô đã mở rộng sang nhiều quốc gia khác như Mỹ, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Singapore và Malaysia, dưới sự quan sát của nhiều quốc gia khác.

Được biết, Myanmar đã bày tỏ mong muốn tham gia các cuộc tập trận thường niên này trong tương lai. Ngày 19/10/2012, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo, Quân đội Myanmar có thể được mời tham dự với tư cách quan sát viên cuộc diễn tập quân sự Cobra Gold năm 2013 ở Thái Lan. Đây là một bước tiến mới và có ý nghĩa lịch sử trong mối quan hệ song phương đã và đang được cải thiện giữa Mỹ với quốc gia Đông Nam Á này.

Diễn tập "Cobra Gold-2012" tại Thái Lan
Diễn tập "Cobra Gold-2012" tại Thái Lan

2. Diễn tập quân sự liên hợp trên biển Trung-Nga

- Thời gian, địa điểm: Cuộc diễn tập quân sự liên hợp trên biển Trung-Nga mang tên “Liên hợp trên biển-2012” đã diễn ra từ ngày 22-27/4/2012 tại vùng biển Thanh Đảo, Trung Quốc.

- Quy mô: Hải quân Nga và Trung Quốc cử tổng cộng hơn 20 tàu chiến và tàu hỗ trợ cùng các máy bay tham gia diễn tập quân sự liên hợp. Trong đó, phía Nga có sự tham gia của 3 tàu khu trục săn ngầm (trong đó có tàu tuần dương tên lửa Varyag), 1 tàu chở dầu và 2 tàu kéo.

Phía Trung Quốc cử 16 tàu nổi và 2 tàu ngầm, trong đó có 5 tàu khu trục tên lửa, 5 tàu hộ vệ tên lửa, 4 tàu tên lửa, 1 tàu hỗ trợ và 1 tàu y tế, 13 máy bay và 5 trực thăng, cộng với hơn 4.000 binh sĩ.

Căn cứ vào nhu cầu nhiệm vụ diễn tập, cuộc diễn tập liên hợp lần này được tiến hành theo phương thức đối kháng thực binh 2 cấp trên biển dưới sự phối hợp, chỉ huy thống nhất. Hai bên Trung-Nga đã thành lập Bộ đạo diễn liên hợp, Bộ chỉ huy liên hợp và Sở chỉ huy biên đội tàu chiến trên biển.

Diễn tập quân sự liên hợp trên biển Trung-Nga tháng 4/2012
Diễn tập quân sự liên hợp trên biển Trung-Nga tháng 4/2012

Cuộc diễn tập diễn ra trong 6 ngày, chủ đề của cuộc diễn tập là phòng thủ liên hợp trên biển và tác chiến bảo vệ tuyến đường giao thông trên biển, tiến hành diễn tập các nội dung như hộ tống liên hợp, phòng không liên hợp, săn ngầm liên hợp, chống cướp biển liên hợp, tìm kiếm cứu nạn liên hợp, tiếp tế liên hợp và bắn đạn thật đối hải, đối ngầm, đối không.

Được biết, mặc dù không phải là đồng minh quân sự, nhưng Trung-Nga đã nhiều lần tiến hành diễn tập quân sự liên hợp, và mục đích của cuộc diễn tập chung trên biển lần này là thực hành khả năng tác chiến liên hợp giữa hải quân hai nước Nga và Trung Quốc.

3. Diễn tập quân sự chống khủng bố liên hợp “Sứ mệnh hòa bình-2012”

- Thời gian, địa điểm: Cuộc diễn tập quân sự chống khủng bố liên hợp “Sứ mệnh hòa bình-2012” giữa Quân đội các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra từ ngày 8/6 đến ngày 14/6/2012 tại Tajikistan, dựa trên “Kế hoạch hợp tác giữa Bộ Quốc phòng các nước thành viên SCO năm 2012-2013”.

- Quy mô: Cuộc diễn tập có sự tham gia của hơn 2.000 quân đến từ các nước Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga và Tajikistan; trong đó riêng Trung Quốc cử 369 quân. Thành viên còn lại của SCO là Uzbekistan không tham gia cuộc diễn tập lần này.

Diễn tập hiệp đồng tác chiến xe tăng trong cuộc diễn tập "Sứ mệnh hòa bình-2012"
Diễn tập hiệp đồng tác chiến xe tăng trong cuộc diễn tập "Sứ mệnh hòa bình-2012"

Cuộc diễn tập lấy ứng phó với khủng hoảng khu vực do chủ nghĩa khủng bố gây ra làm bối cảnh, trọng điểm là diễn tập các nội dung như chuẩn bị và thực hiện các hành động chống khủng bố liên hợp trong điều kiện miền núi. Diễn tập được tiến hành theo 3 giai đoạn là: tham vấn chiến lược, chuẩn bị chiến dịch và triển khai chiến dịch.

Theo Tân Hoa xã, cuộc diễn tập lần này cũng góp phần tăng cường hợp tác quốc phòng sâu hơn giữa các thành viên, đồng thời cải thiện khả năng cùng đương đầu với các đe dọa và thách thức mới, chuẩn bị tốt hơn cho nhiệm vụ gìn giữ hòa bình và ổn định.

4. Diễn tập quân sự liên hợp đa quốc gia “Vành đai Thái Bình Dương-2012”

- Thời gian, địa điểm: Cuộc diễn tập quân sự liên hợp đa quốc gia “Vành đai Thái Bình Dương 2012” diễn ra từ ngày 29/6 đến ngày 3/8/2012 tại Hawaii và vùng biển xung quanh.

- Quy mô: Cuộc diễn tập có sự tham gia của 22 quốc gia, gồm Nga, Mỹ, Australia, Canada, Chile, Colombia, Pháp, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Hà Lan, New Zealand, Na Uy, Peru, Hàn Quốc, Philippines, Singapore, Thái Lan, Tonga, và Anh.

Diễn tập Vành đai Thái Bình Dương 2012 do Mỹ chủ trì, có 22 nước tham gia, không có Trung Quốc.
Diễn tập Vành đai Thái Bình Dương 2012 do Mỹ chủ trì, có 22 nước tham gia, không có Trung Quốc.

Cuộc diễn tập lần này được cho là có quy mô lớn nhất thế giới với tổng quân số tham gia là khoảng 25.000 binh sĩ, cùng với 42 tàu chiến mặt nước, 6 tàu ngầm và hơn 200 máy bay. Trong đó, Mỹ tham gia với số lượng nhiều nhất cả về tàu chiến và máy bay; còn Hải quân Nga cử 3 tàu chiến tham gia gồm tàu khu trục Đô đốc Panteleyev, tàu cứu hộ Fotiy Krykov và tàu chở dầu Boris Butoma.

Đây là cuộc diễn tập tìm kiếm tàu ngầm và tấn công cướp biển, đồng thời tiến hành diễn tập quét mìn, xử lý vật liệu nổ và cứu dân thường trong thiên tai. Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ là người tổ chức cuộc diễn tập quân sự khu vực Vành đai Thai Bình Dương lần này. Cuộc diễn tập này được tiến hành 2 năm 1 lần ở Hawaii và các vùng biển xung quanh.

Ngoài các khoa mục diễn tập khác, các nước tham gia diễn tập các nội dung như quét mìn, xử lý vật liệu nổ và cứu dân thường trong thiên tai.

Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Ciel Haney cho biết, thông qua cuộc diễn tập lần này, giúp các nước khác nhau làm tốt công tác chuẩn bị để ứng phó với tình trạng khẩn cấp.

Cuộc diễn tập năm 2012 diễn ra đúng vào thời điểm Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Diễn tập Vành đai Thái Bình Dương 2012
Diễn tập Vành đai Thái Bình Dương 2012

Ralph Cossa, người phụ trách diễn đàn Thái Bình Dương, Trung tâm nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế có trụ sở tại Honolulu cho rằng, cuộc diễn tập lần này cho thấy, tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta và Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ là nghiêm túc, trạng thái sẵn sàng chiến đấu của Thái Bình Dương sẽ không bị ảnh hưởng bởi cắt giảm chi tiêu quốc phòng.

Một điểm mới của cuộc diễn tập lần này là Mỹ sử dụng dầu ăn và tảo biển làm nhiên liệu hoạt động cho một số tàu chiến và máy bay tham diễn của họ. Hải quân Mỹ đã chi 12 triệu USD để mua 425.000 ga-lông nhiên liệu sinh học dùng cho diễn tập.

Đây là một phần nỗ lực của Hải quân Mỹ để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Từ lâu, Hải quân Mỹ đã đầu tư vốn lớn, khai thác công nghệ nhiên liệu sinh học, đặt mục tiêu đến năm 2020, nhiên liệu sinh học có thể đáp ứng một nửa nhu cầu nhiên liệu của họ.

Trung Quốc không được tham gia cuộc diễn tập này, nên tỏ ra lo ngại và cứ “nói ra nói vào”. Với một cử chỉ “thân thiện”, Mỹ đã mời Trung Quốc tham gia cuộc diễn tập Vành đai Thái Bình Dương lần sau.

5. Mỹ-Nhật lần đầu tiên tổ chức diễn tập quân sự đoạt đảo

- Thời gian, địa điểm: Cuộc diễn tập đoạt đảo liên hợp này được tổ chức từ ngày 21/8 đến ngày 26/9/2012 tại Guam và đảo Tinian thuộc quần đảo Northern Mariana của Mỹ.

- Lực lượng tham gia diễn tập: Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản đã cử 40 binh sĩ đến từ lữ đoàn 15 đóng ở thành phố Naha (chủ yếu phụ trách phòng thủ đảo) và liên đội WaiR đóng ở tỉnh Nagasaki. Còn phía Mỹ cử lực lượng viễn chinh 3 của Lính thủy đánh bộ có Bộ tư lệnh tại Okinawa tham gia diễn tập.

Nhật-Mỹ lần đầu tiên diễn tập đoạt đảo liên hợp.
Nhật-Mỹ lần đầu tiên diễn tập đoạt đảo liên hợp.

Trong cuộc diễn tập lần này, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản và Lính thủy đánh bộ Mỹ điều động nhiều loại vũ khí như máy bay trực thăng, tàu đổ bộ, tàu cao su, tổ chức diễn tập đoạt đảo với tình huống đảo nhỏ của Nhật Bản bị tấn công,

Đây là cuộc diễn tập quân sự liên hợp Nhật-Mỹ mô phỏng đoạt lại những hòn đảo do Nhật Bản kiểm soát; đồng thời là lần đầu tiên hai nước Nhật-Mỹ tiến hành diễn tập đoạt đảo.

Tháng 4/2012, trong văn kiện chung về điều chỉnh kế hoạch tái bố trí của quân Mỹ tại Nhật giữa chính phủ hai nước Nhật-Mỹ đã đề xuất “tăng cường hợp tác phòng vệ cơ động”, đồng thời mở rộng nội dung diễn tập quân sự liên hợp Nhật-Mỹ. Cuộc diễn tập liên hợp lần này là bước đi cụ thể thực hiện “hợp tác phòng vệ cơ động” Nhật-Mỹ.

6. Diễn tập quân sự vùng Vịnh

- Thời gian, địa điểm: Đây là cuộc diễn tập đa quốc gia diễn ra từ ngày 16/9 đến ngày 27/9/2012 (12 ngày), tại Vịnh Ba Tư.

- Quy mô: Tham gia diễn tập có tới 25 nước, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Mỹ dẫn đầu 25 nước diễn tập ở vùng Vịnh
Mỹ dẫn đầu 25 nước diễn tập ở vùng Vịnh

Phía Mỹ đã cử tới 3 biên đội tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ (gồm Enterprise và Dwight Eisenhower và John C. Stennis) cùng nhiều tàu tuần dương, tàu hộ vệ, tàu khu trục tham diễn.

Còn Anh cử 4 tàu quét mìn, 1 tàu tiếp tế, tàu khu trục Diamond, tàu sân bay HMS Illustrious (R06) có trang bị máy bay trực thăng tấn công Apache. Ngoài ra, Pháp và các nước khác cũng cử tàu chiến và lực lượng tham gia.

Cuộc diễn tập này mô phỏng phá vỡ sự phong tỏa eo biển Hormuz của Iran và tiêu diệt máy bay chiến đấu, tàu chiến và tháp phóng tên lửa bờ biển của Iran. Cuộc tập trận tập trung vào khoa mục quét ngư lôi trên biển.

Trong năm qua, Iran cũng nhiều lần cảnh báo phong tỏa eo biển Hormuz nếu như an  nninh của họ bị đe dọa; đồng thời Iran cũng tổ chức nhiều cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn để răn đe kẻ thù.

Mỹ dẫn đầu 25 nước diễn tập ở vùng Vịnh
Mỹ dẫn đầu 25 nước diễn tập ở vùng Vịnh

7. Iran tổ chức diễn tập quân sự quy mô lớn nhất trong lịch sử

- Thời gian, địa điểm: Cuộc diễn tập quân sự mang tên “Modafe'an-e Aseman-e Velayat 4” (hay còn gọi là: Những người bảo vệ các vùng trời Velayat 4)  đã diễn ra từ ngày 11/11 đến ngày 18/11/2012, tại miền đông Iran.

- Quy mô: Đây là cuộc diễn tập quy mô lớn nhất trong lịch sử Iran. Iran đã sử dụng các loại máy bay chiến đấu như F-4, F-5, F-7, F-14, Mirage, Sukhoi cùng với các loại máy bay ném bom, máy bay tiếp nhiên liệu, máy bay trinh sát, máy bay không người lái. Các loại máy bay này xuất phát từ các căn cứ không quân ở miền đông và miền nam Iran bay đến khu vực diễn tập.

Ngoài ra, Quân đội Iran còn triển khai các hệ thống tên lửa, hệ thống giám sát điện tử cố định, di động, hệ thống phòng không radar chiến thuật tầm xa và các hệ thống pháo binh tham gia diễn tập.

Phía Iran cho biết, cuộc diễn tập này nhằm kiểm tra khả năng phản ứng nhanh của các lực lượng tham diễn, đồng thời còn kiểm tra khả năng của các lực lượng như pháo, hệ thống tên lửa đối phó với máy bay không người lái. Trên cơ sở đó, tăng cường khả năng bảo vệ các đường biên giới của nước Cộng hòa Hồi giao Iran.

Phi đội máy bay chiến đấu F-14 Tomcat của Không quân Iran tham gia diễn tập, do Mỹ chế tạo.
Phi đội máy bay chiến đấu F-14 Tomcat của Không quân Iran tham gia diễn tập, do Mỹ chế tạo.

Chỉ huy căn cứ phòng không Khatam al-Anbia của Iran, ông Farzad Esmaili cho biết, cuộc diễn tập lần này được tổ chức trên một khu vực rộng hơn 850.000 km2 với một số lượng lớn binh sĩ tham gia. Esmaili khẳng định cuộc diễn tập này còn nhằm phô diễn sức mạnh đầy đủ và sự sẵn sàng của lực lượng phòng không Iran nhằm bảo vệ biên giới phía Đông nước này.

Tehran nhấn mạnh, cuộc tập trận của họ về bản chất chỉ mang tính phòng thủ và truyền đi thông điệp hòa bình và hữu nghị đối với các nước trong khu vực. Iran tuyên bố, sức mạnh quân sự của họ không tạo ra bất cứ mối đe dọa nào cho các nước láng giềng và học thuyết quốc phòng của nước này mang tính răn đe.

8. Quân đội Hàn Quốc diễn tập trên đảo Yeonpyeong

- Thời gian, địa điểm: Quân đội Hàn Quốc đã tổ chức cuộc diễn tập liên hợp giữa các lực lượng lính thủy đánh bộ, hải quân và không quân vào  23/11/2012 - ngày tròn 2 năm kỷ niệm CHDCND Triều Tiên bắn pháo vào đảo Yeonpyeong. Địa điểm diễn tập là đảo Yeonpyeong và vùng biển xung quanh.

- Quy mô: Đây là một cuộc diễn tập có quy mô lớn với sự tham gia của cả lính thủy đánh bộ, hải quân và không quân Hàn Quốc.

Lính thủy đánh bộ Hàn Quốc diễn tập trên đảo Yeonpyeong
Lính thủy đánh bộ Hàn Quốc diễn tập trên đảo Yeonpyeong

Cuộc diễn tập này chủ yếu mô phỏng CHDCND Triều Tiên phát động tấn công đối với Hàn Quốc.

Được biết, cuộc diễn tập lần này không bắn đạn thật, nhằm tránh kích động CHDCND Triều Tiên.

Ngày 23/11/2010, sự kiện nã pháo đảo Yeonpyeong đã khiến cho 2 binh sĩ và 2 dân thường Hàn Quốc bị thiệt mạng, là sự kiện biên giới nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh Triều Tiên đến nay. Sau đó, số quân đóng trên đảo Yeonpyeong đã tăng lên gấp 3 lần và thường tiến hành diễn tập cảnh báo tập kích đường không.

Đảo Yeonpyeong là một đảo nhỏ ở vùng biển phía tây bán đảo Triều Tiên, có diện tích 7 km2. Nó nằm ở gần “Giới tuyến phía bắc” tồn tại tranh chấp giữa hai miền Triều Tiên. CHDCND Triều Tiên tuyên bố có chủ quyền, nhưng hiện nay, về hành chính thuộc sự quản lý của thành phố Incheon, Hàn Quốc.

9. Biên đội tàu chiến của Hải quân Trung Quốc diễn tập ở Tây Thái Bình Dương

- Thời gian: Từ ngày 27/11 đến ngày 11/12/2012, Hải quân Trung Quốc đã tiến hành cuộc diễn tập quân sự trên biển ở vùng biển thuộc Tây Thái Bình Dương, phía đông Nhật Bản.

- Quy mô: Hải quân Trung Quốc đã điều động một biên đội huấn luyện biển xa của Hạm đội Đông Hải, gồm các tàu khu trục tên lửa như tàu Hàng Châu, tàu Ninh Ba, tàu hộ vệ tên lửa như tàu Châu Sơn, tàu Mã An Sơn, tàu tiếp tế tổng hợp Phàn Dương Hồ và máy bay trực thăng hải quân. Đây được cho là những tàu chiến chủ lực của Hải quân Trung Quốc, có khả năng tác chiến tổng hợp tương đối mạnh.

Biên đội tàu chiến Trung Quốc ra vùng biển Tây Thái Bình Dương diễn tập, khi quay trở về tiến hành tuần tra ở vùng biển gần đảo Senkaku.
Biên đội tàu chiến Trung Quốc ra vùng biển Tây Thái Bình Dương diễn tập, khi quay trở về tiến hành tuần tra ở vùng biển gần đảo Senkaku.

Biên đội tàu chiến này đã phân thành các nhóm, lần lượt đi xuyên qua eo biển Miyako, Nhật Bản, vươn ra vùng biển Tây Thái Bình Dương, tiến hành cuộc “diễn tập thường lệ”. Trong thời gian diễn tập, biên đội tàu chiến này tiến hành diễn tập các khoa mục gồm chạy liên tục và phòng thủ trong đêm, tiếp tế và tác chiến biển xa theo đội hình, hộ tống tàu nổi cỡ lớn, tìm kiếm cứu nạn liên hợp giữa tàu chiến và máy bay.

Theo chỉ huy biên đội, Phó Tư lệnh Hạm đội Đông Hải, Thiếu tướng Khâu Diên Bằng, đây là cuộc diễn tập thường lệ trong kế hoạch năm của Hạm đội  Đông Hải, cũng là hành động thực tế của hạm đội học tập, quán triệt tinh thần Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trong năm 2012, Hải quân Trung Quốc đã nhiều lần tổ chức biên đội tàu chiến ra Tây Thái Bình Dương diễn tập biển xa. Trung Quốc coi đây là một hoạt động bình thường và phù hợp với luật pháp quốc tế, nhưng các động thái này thực sự làm “nóng mặt” Nhật Bản, nhất là có những lúc biên đội tàu chiến đã xâm nhập vùng tiếp giáp lãnh hải Nhật Bản, khiến Nhật Bản khẩn cấp áp dụng các hành động đối phó.
Tàu hộ vệ tên lửa Châu Sơn và tàu hộ vệ tên lửa Mã An Sơn
Tàu hộ vệ tên lửa Châu Sơn và tàu hộ vệ tên lửa Mã An Sơn
Đông Bình