Những điều chưa biết về vị Phó Chủ tịch Tiên Lãng vừa bị cách chức

27/02/2012 06:52
Thảo Lăng
(GDVN) - Là người đầu tiên phản đối quyết định cưỡng chế từ 2010 nên việc ông Nguyễn Văn Khanh trở thành Trưởng ban cưỡng chế là điều băn khoăn của nhiều người.

Những ngày đầu tiên sau quyết định cách chức 2 ông Lê Văn Hiền – Chủ tịch UBND và ông Nguyễn Văn Khanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, người dân nơi đây bàn rất nhiều vấn đề xung quanh sự kiện này. Trong đó, câu chuyện về ông Nguyễn Văn Khanh có lẽ là câu chuyện khiến nhiều người cảm thấy tiếc nhất.

Ông Nguyễn Văn Khanh
Ông Nguyễn Văn Khanh

Theo lời anh N.V.T (Bắc Hưng, Tiên Lãng), một chủ đầm nuôi trồng thủy sản, ông Khanh là một trong những cán bộ được lòng dân nhất trong bộ máy chính quyền huyện. Đồng thời, đây cũng là vị cán bộ thường xuyên về các xã để theo dõi tình hình công việc và gần gũi, lắng nghe người dân nhất. Chính vì thế, khi biết ông Khanh trở thành Trưởng ban cưỡng chế đầm ông Vươn, ông T cảm thấy bất ngờ và buồn.

Tuy nhiên, theo lời ông Vũ Văn Luân, chuyện ông Khanh trở thành Trưởng ban cưỡng chế chắc hẳn phải có điều gì uẩn khúc. Bởi vì, là người từng tiếp xúc rất nhiều với ông Khanh, ông Luân nhận thấy đây là một người cán bộ mẫu mực. Ông kể, từ tháng 10/2010, khi UBND huyện có dự quyết định thu hồi một số diện tích đầm nuôi trồng thủy sản, ông Khanh cũng một số cán bộ đã trực tiếp tiến hành tiếp xúc, trao đổi và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của những thành viên Hội nuôi trồng thủy sản Tiên Lãng. Và cũng chính ông là người duy nhất đứng lên ủng hộ Hội này.

Ông Vũ Văn Luân, Thư ký Hội nuôi trồng thủy sản Tiên Lãng
Ông Vũ Văn Luân, Thư ký Hội nuôi trồng thủy sản Tiên Lãng

Trong Thông báo về kết luận của ông Nguyễn Văn Khanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng ghi rõ: “Hồi 15h ngày 18/10/2010, tại phòng họp số 1 trụ sở UBND huyện Tiên Lãng, sau khi làm việc và nghe ý kiến 2 hội viên của Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ là ông Đoàn Văn Vươn và Vũ Văn Luân, đại diện UBND huyện Tiên Lãng là ông Vũ Văn Khanh kết luận:

Một là: nhanh chóng, khẩn trương tiếp tục giao lại đất cho nhân dân để nhân dân sản xuất theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tình hình an ninh, chính trị của địa phương, chấm dứt tình trạng khiếu kiện về đất đai kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương.

Hai là: Việc thỏa thuận giữa UBND huyện Tiên Lãng với ông Luân và ông Vươn để giải quyết vụ án hành chính, nay UBND huyện Tiên Lãng sẽ tiếp tục cho các ông thuê đất theo quy định của pháp luật.

Một trong những văn bản cho thấy ông Khanh đã từng phản đối quyết định thu hồi đất ở Tiên Lãng.
Một trong những văn bản cho thấy ông Khanh đã từng phản đối quyết định thu hồi đất ở Tiên Lãng.

Ba là: Yêu cầu phòng Tài nguyên – Môi trường cung cấp mẫu đơn xin thuê đất theo đề án 30 cho ông Luân và ông Vươn đồng thời, hướng dẫn ông Luân và ông Vươn làm thủ tục xin thuê đất để trình Chủ tịch huyện Tiên Lãng, giải quyết theo Giám đốc thẩm.”

Điều này cho thấy, trước khi trở thành Trưởng ban cưỡng chế, ông Khanh đã phản đối và tỏ ra rất am hiểu Luật Đất đai. Tuy nhiên, việc một người cán bộ phản đối quyết định cưỡng chế ngay từ đầu bỗng dưng trở thành Trưởng ban cưỡng chế thì quả là điều khó hiểu.

Những ngày vừa qua, phóng viên báo Giáo dục Việt Nam nhiều lần tìm đến nhà vị Phó chủ tịch huyện này nhưng đều nhận được tin ông Khánh vắng nhà.

Thảo Lăng