Những kỉ niệm không thể quên về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

26/08/2011 13:20
Hải Hà (tổng hợp)
(GDVN) –   Những kỉ niệm, những câu chuyện không thể quên về Đại tướng Võ Nguyên Giáp được những người đồng chí, thân cận, gần gũi của chính Đại tướng chia sẻ.

Nhớ mãi ngày Đại tướng về thăm Bắc Sơn

Trên báo Người cao tuổi trích bài viết của ông Hoàng Quang Hiểu, Nguyên Bí thư Huyện ủy Bắc Sơn, Lạng Sơn về những kỉ niệm ngày Đại tướng về thăm lại Bắc Sơn.

Các chiến sĩ Việt Bắc (Minh Ngọc, Trần Dực, Lê Minh Nghĩa, Hoàng Quyến
Các chiến sĩ Việt Bắc (Minh Ngọc, Trần Dực, Lê Minh Nghĩa, Hoàng Quyến

Trong chuyến trở về thăm lại Bắc Sơn năm 1995, Đại tướng nói chuyện với nhân dân. Bài nói của Đại tướng bị ngắt quãng nhiều lần bởi những tràng pháo tay kéo dài. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh:  “Lúc đó chưa có nhiều đảng viên như bây giờ, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng chỉ trong 10 tiếng đồng hồ mà vận động được trên 600 người với vài khẩu súng trường, ít súng kíp, còn lại là gậy gộc, giáo mác mà dám xông lên đồn giặc đánh giặc..Lúc bấy giờ chắc chắn họ không nghĩ đến cái chết, đến chức tước ghế ngồi, vai vế trong chính quyền hay trong quân đội sau khi đã chiến thắng, cái lợi ích mà họ cảm nhận là độc lập tự do, là dân tộc được giải phóng khỏi ách nô lệ của thực dân phong kiến. Động cơ, lợi ích ấy thật trong sáng đẹp đẽ và cao quý. Nó sẽ mãi mãi trường tồn như một giá trị tinh thần của “thế hệ khởi nghĩa Bắc Sơn” trao cho con cháu. Tôi mong Đảng bộ Bắc Sơn, nhân dân các dân tộc Bắc Sơn giữ gìn và nhân truyền thống Bắc Sơn lên gấp bội, với tinh thân “khởi nghĩa Bắc Sơn”' trong sự nghiệp “dân giàu, nước mạnh xã hội công bằng, văn minh”….

BẤM VÀO ĐÂY ĐỂ XEM CHÙM ẢNH: "ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP TRONG LÒNG QUÊ QUẢNG BÌNH

Ba tôi bảo ở đời quý nhất là cái tình

Ông Võ Hồng Nam, con trai út của đại tướng, chia sẻ với Pv Tuổi trẻ: “Ba tôi bảo ở đời quý nhất là cái tình, chính vì thế mà ngôi nhà của chúng tôi không bao giờ đóng cửa, nhất là với đồng bào vùng chiến khu xưa và các chiến sĩ. Trừ những khi quá mệt, bác sĩ không cho phép, chứ ba tôi không bao giờ từ chối tiếp các đoàn cựu chiến binh và đồng bào. 

Chắc chắn ông là vị tướng hạnh phúc nhất

Trong bài viết “vị tướng của lòng dân”, tờ Tuổi trẻ dẫn lời phát biểu của GS Phan Huy Lê trong buổi gặp mặt kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đại tướng: “Trong 10 thiên tài quân sự của thế kỷ và trong 50 thiên tài quân sự của cả lịch sử thế giới được công nhận, ông là vị tướng duy nhất không được đào tạo bài bản qua một trường quân sự chính quy nào, kiến thức quân sự của ông hoàn toàn là tự học, tự đào tạo”. Nhưng chắc chắn ông là vị tướng hạnh phúc nhất, vì ông hiểu được chiến thắng chỉ có nhờ những người dân tốt và tin yêu ông như thế, và ông đã giữ được tình yêu của những người dân ấy suốt đời.

Chân dung Đại tướng qua ký ức học trò

Cách đây 100 năm, những ngày tháng Tám mùa thu, tại làng An Xá (nay thuộc xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) có một con người chào đời mà nay tên tuổi ấy, cốt cách ấy “lừng lẫy khắp năm châu”. Đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, một trong những vị tướng tài ba trong lịch sử thế giới.

Trong dịp về thăm lại quê hương Đại tướng, Pv CATPHCM đã có dịp nghe chính những người thân, những người học trò gần gũi kể những kỉ niệm không thể quên về Võ Nguyên Giáp trong lòng quê Lệ Thủy.

Căn nhà của Đại tướng ở quê
Căn nhà của Đại tướng ở quê

BẤM VÀO ĐÂY ĐỂ XEM CHÙM ẢNH: "ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP TRONG LÒNG QUÊ QUẢNG BÌNH

Cụ Lê Thanh Châu (đại tá quân đội về hưu, học trò của Đại tướng) cho biết: “Cả gần trăm năm nay, người quê miềng (mình) chưa quên và truyền tụng mãi sự “thông minh quá” của gia đình Đại tướng”.

Thân sinh Đại tướng, cụ Võ Quang Nghiêm (cụ Nghiêm cửu phẩm), một nhà Nho, thầy giáo, thầy thuốc... sớm giác ngộ cách mạng, bị giặc Pháp bắt năm 1947 và hy sinh trong Nhà lao Thừa Phủ (Huế).

Thân mẫu của Đại tướng là bà Nguyễn Thị Kiên (quê Sơn Thủy - Lệ Thủy), một phụ nữ trung hậu, đảm đang. Cụ thân sinh của bà là một trong những thủ lĩnh Cần Vương nên anh em nhà Đại tướng cũng được thụ hưởng phần nào cốt cách gia đình bên ngoại.

Gia đình Đại tướng có sáu anh chị em, trước Đại tướng là anh đầu và hai chị, sau có một em trai và gái. Gia đình Đại tướng có tiếng thông minh hơn người.

Tuổi thơ Võ Nguyên Giáp ở quê nhà, suốt ngày cầm sách với niềm đam mê đọc, học. Cây khế hơn 110 năm tuổi ở sau nhà là nơi Đại tướng thường trèo lên đó nằm đọc sách. 

Cụ Châu kể những câu chuyện về Đại tướng mà ít sách báo đề cập. Đó là lần tổ chức tổ đọc sách báo tại chùa An Xá, thu hút thanh niên trí thức trong làng (như Võ Thuần Nho, Đào Viết Doãn, Lý Huy...), sau đó lan ra nhiều thôn, xã khác.

Từ đó “găm” phong trào yêu nước trong thanh niên, trí thức. Võ Nguyên Giáp đã tổ chức Trường học Thành Chung cũng ngay ở An Xá với gần 100 người (cụ Châu cũng là học trò của trường này), mượn nhà dân để học.

Tập hợp những người yêu nước làm giáo viên, ngoài việc dạy chữ còn là nơi tham gia phong trào yêu nước. Được hai năm, đốc học tỉnh cho đây là cơ sở cách mạng nên không cho mở trường. Sau khi ra Bắc hoạt động, hằng năm cụ gặp thanh niên yêu nước hướng dẫn hoạt động, tổ chức tuyên truyền, đấu tranh. Đại tướng chính là người có công gây dựng phong trào cách mạng tại Lệ Thủy sớm nhất, nhiều người trở thành cán bộ cốt cán của huyện, tỉnh.

Có được phong trào hoạt động và đội ngũ vững mạnh, tháng 2-1945 chùa An Xá được chọn làm nơi thành lập Ban vận động thống nhất tỉnh Quảng Bình.

Cây khế hơn 110 năm tuổi, nơi gắn bó với tuổi thơ Đại tướng
Cây khế hơn 110 năm tuổi, nơi gắn bó với tuổi thơ Đại tướng

Cốt cách mẫu mực

“Nhiều người nhìn nhận, trong con người Đại tướng ít thấy khuyết điểm, ít thấy cái tôi, người của tinh thần tập thể... đó là những phẩm chất cao quý. Đặc biệt chữ “Nhẫn” luôn xuyên suốt cuộc đời Đại tướng”, ông Võ Đại Hàm - cháu của Đại tướng, người đã từng ở nhà Đại tướng tại Hà Nội nhiều năm, nay về trông coi nhà Đại tướng ở làng An Xá - đúc rút lại. Ông Võ Đại Hàm khẳng định với Pv CA TPHCM: “Nhờ chữ “Nhẫn” mà hình ảnh của Đại tướng xứng tầm với lịch sử, với thế giới”.

BẤM VÀO ĐÂY ĐỂ XEM CHÙM ẢNH: "ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP TRONG LÒNG QUÊ QUẢNG BÌNH  

Bên cạnh chữ “Nhẫn”, sự liêm khiết, giản dị, chí công vô tư... là những đức tính trong con người Đại tướng. Theo ông Hàm, chuyện con cái, cháu chắt học xong, chưa bao giờ cụ gợi ý xin việc. Phân công ở đâu thì phải làm ở đó. Đại tướng từng nói: “Nếu ai cũng như thế thì không còn ai tu dưỡng, học hành, phấn đấu, liệu vào làm việc có được không?”.

Năm 1983, mộ cụ thân sinh Đại tướng được đưa từ Huế về Nghĩa trang Lệ Thủy. Có một khu đất ở phía trên dành cho các anh hùng. Mọi người định “đặt” cụ ở khu vực này. Xin ý kiến, Đại tướng can: “Bố tôi chỉ là liệt sĩ, phải đặt đúng chỗ”.

Năm 1993, khi đưa mộ thân mẫu của Đại tướng về quê, cơ quan chức năng có ý đưa cụ vào nghĩa trang để được gần cụ ông. Đại tướng nhất quyết: “Không được, mẹ tôi không phải là liệt sĩ nên không được “nằm” trong nghĩa trang, chuyện đưa về có gia đình chúng tôi lo là được rồi”.

Sau đó an táng mộ bà ở cạnh Nghĩa trang Lệ Thủy, vẫn được “gần ông”. Mọi người muốn mở cánh cửa phía gần mộ cụ bà để sang thắp hương cho tiện, Đại tướng nhất quyết: “Chỉ có gia đình chúng tôi đi, xin đừng bận tâm”. Thế là mỗi lần Đại tướng về thăm quê, vào thắp hương cho cha mẹ lại phải bắc gạch để đi.

Ông Hàm nhớ lại: “Mỗi lần về quê, điều đầu tiên là Đại tướng vào thắp hương cho cha mẹ, rồi cụ xuống bến sông quê vốc nước phả vào mặt, ngắm sông cho “đã thèm”. Có một điều đặc biệt, mỗi lần Đại tướng về quê, không bao giờ đi xe tới trước cổng nhà mà dừng ở ngoài xa, đi bộ, nắm tay thăm hỏi, ôm hôn bà con xóm làng sau những ngày xa cách.

Thăm quê, cụ thường căn dặn nhiều điều: Không nên thuần nông, khó giàu. Phải khôi phục các làng nghề, con cháu phải học hành, có kiến thức mới làm giàu được, phải “phở hoang” (mở đất) lên miền Tây... Cụ Trần Hàng nhớ lại: “Có lần Đại tướng về tập trung anh em ở “nhà giỏ” (nhà xóm). Tôi vừa phát biểu xong, Đại tướng đứng sau vỗ vai khuyên: Phải đoàn kết là then chốt, phải làm giàu bằng sức lao động của mình...”.

Những lời Đại tướng dặn dò, bây giờ người dân Lệ Thủy ai nấy khắc ghi. Các làng nghề đã được khôi phục, giàu lên; nghề chiếu cói An Xá nhờ Đại tướng khuyên phải làm chiếu hoa thì nay chiếu hoa đã xuất đi khắp mọi miền; hầu như xã nào cũng vươn lên miền Tây để khai hoang, làm giàu....

BẤM VÀO ĐÂY ĐỂ XEM CHÙM ẢNH: "ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP TRONG LÒNG QUÊ QUẢNG BÌNH

Tướng Giáp với “nghề tay trái”

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, giai đoạn những năm 1932 – 1939 có ít tài liệu ghi lại rõ ràng, đầy đủ. Trong giai đoạn này, ông sống tại Hà Nội, vừa dạy học môn lịch sử tại trường tư thục Thăng Long do Hoàng Minh Giám làm giám đốc, vừa học đại học Luật. Có một chi tiết thú vị ít người biết, trong những năm 1936 – 1939, Đại tướng dành phần lớn thời gian cho hoạt động báo chí. Chi tiết này đã đem đến một góc nhìn khác về vị tướng huyền thoại: Nhà báo Võ Nguyên Giáp. Tờ Đất Việt đưa tin.

Vừa học trường Luật, vừa dạy học, Võ Nguyên Giáp vừa viết bài cho các báo
Vừa học trường Luật, vừa dạy học, Võ Nguyên Giáp vừa viết bài cho các báo

Theo Trung tướng Phạm Hồng Cư, anh em đồng hao với Đại tướng, Võ Nguyên Giáp thực sự tập trung làm báo từ năm 1936 khi ông cùng với Đặng Thai Mai, Trần Huy Liệu, Hải Triều… mua lại và làm hồi sinh báo “Hồn Trẻ” đang ngừng xuất bản do thua lỗ. 

Trung tướng Phạm Hồng Cư cho biết thêm: “Thời gian này, anh Giáp làm việc rất hào hứng, mặc dù sức khỏe của anh không tốt cho lắm. Nghe tin có cuộc bãi công lớn của công nhân vùng mỏ, anh đã đạp xe 200km từ Hà Nội về tới Cẩm Phả để viết bài đăng báo.

Cuộc bãi công nổ ra ngày 13/11/1936 lúc đầu tại Cẩm Phả, với trên 10.000 thợ mỏ tham gia, sau một tuần lan ra khắp vùng mỏ với trên 50.000 người tham gia. Chính quyền thực dân Pháp điều động lính lê dương về vùng mỏ, uy hiếp tinh thần thợ bãi công.

Anh Giáp viết bài tố cáo đăng liên tiếp trên mấy số báo Le Travail. Những bài báo này đã gây được sự chú ý của dư luận trong nước và cả ở Pháp, tạo ra sự ủng hộ đối với cuộc đấu tranh của thợ mỏ. Le Travail tồn tại được 7 tháng với 30 số báo. Ngày 16/4/1937, nhà cầm quyền thực dân Pháp ra lệnh đóng cửa”.

BẤM VÀO ĐÂY ĐỂ XEM CHÙM ẢNH: "ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP TRONG LÒNG QUÊ QUẢNG BÌNH

Hải Hà (tổng hợp)