Những người hùng thầm lặng!

27/02/2021 13:49
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Xin dành tặng những bông hoa đẹp nhất, những lời cảm ơn, biết ơn chân thành và sâu sắc nhất đến những y, bác sỹ và nhân viên ngành y tế.

Ngày 27/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi Hội nghị cán bộ y tế và từ đó ngày 27/2 trở thành Ngày Thầy thuốc Việt Nam.

Trong 66 năm qua, ngành y tế Việt Nam không chỉ nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe của nhân dân mà còn có đóng góp ngày càng tích cực vào sự phát triển của y học thế giới.

Các y bác sĩ, nhân viên ngành y tế là “lá chắn thép” trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản.

Các y bác sĩ, nhân viên ngành y tế là “lá chắn thép” trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản.

Những năm qua, mạng lưới y tế dự phòng, cơ sở khám chữa bệnh, sản xuất và cung ứng dược phẩm, bảo hiểm y tế, năng lực chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ Việt Nam đều có bước phát triển, tạo nên những kết quả khả quan.

Việt Nam được Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm sáng, là mẫu hình thành công trong lĩnh vực y tế với những thành tựu đặc biệt ấn tượng.

Thứ nhất, về mức độ hoàn thành mục tiêu, Việt Nam đạt, vượt 16/17 các chỉ tiêu đề ra, chỉ có 1 chỉ tiêu (tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi) gần đạt. Các chỉ tiêu của Việt Nam đạt được hầu hết tốt hơn, trong đó rất nhiều chỉ tiêu tốt hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu thực hiện.

Trao đổi cùng Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam khi nói đến thành tựu của ngành Y tế năm vừa qua, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đã đánh giá: “Chúng ta dành sự quan tâm rất lớn cho giáo dục và y tế, đặc biệt là những vấn đề về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã có những thành công rất lớn. Đối với bảo hiểm y tế, chúng ta vượt qua chỉ tiêu đặt ra, kiên trì định hướng bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, đây là vấn đề thách thức của nhiều năm trước đây”.

Điều đó cho thấy rằng, Việt Nam đã có những nỗ lực, bước đi dài, những lần trở mình mạnh mẽ trong lĩnh vực y tế khi đặt ra những mục tiêu lớn và hoàn thành, thậm chí vượt chỉ tiêu đã đề ra.

Thứ hai, Việt Nam hoàn thành các mục tiêu trong bối cảnh nguồn lực (tổng chi tiêu y tế tính trên đầu người) còn rất hạn chế.

Đó là các yếu tố: Môi trường chính sách thuận lợi (nỗ lực và quyết tâm chính trị cao, quốc gia hóa các mục tiêu MDGs thành các Mục tiêu phát triển Việt Nam; lồng ghép sâu rộng các mục tiêu này vào những kế hoạch, chiến lược, chính sách quan trọng, xây dựng các kế hoạch hành động cụ thể và bố trí ngân sách phù hợp để đạt được mục tiêu…) và có một hệ thống y tế hoạt động hiệu quả, công bảng, với nền tảng là mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp.

Một trong những thành tựu trong năm qua của Việt Nam gắn liền với sự xuất hiện của đại dịch Covid. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong số các quốc gia thành công nhất trong phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả với chi phí thấp.

Với chiến lược “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị”, Việt Nam đã thành công trong việc ngăn chặn sớm nguồn lây, phát hiện sớm ca bệnh, truy vết nhanh, khoanh vùng cách ly kịp thời cũng như quản lý, điều trị tốt ca bệnh.

Nhờ có chiến lược, đường lối đúng đắn, các tình huống về dịch bệnh Covid-19 như ca bệnh lẻ, chùm ca bệnh lây nhiễm cộng đồng, dịch lây lan hạn chế trong cơ sở y tế… đều được kiểm soát hiệu quả trong thời gian ngắn nhất.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn là một trong bốn quốc gia đầu tiên phân lập được virus corona chủng mới. Việt Nam đã chủ động sản xuất được máy thở, sinh phẩm chẩn đoán và bắt đầu thử nghiệm vắcxin ngừa Covid-19… chỉ trong một thời gian ngắn.

Để có những thành tựu mang lại nhiều dấu ấn trong năm qua trên trường quốc tế, là sự đúng đắn, sáng suốt trong đường lối của lãnh đạo cùng với sự hi sinh thầm lặng của toàn bộ các y, bác sỹ, nhân viên ngành Y tế.

Dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt… dường như những nơi hiểm nguy nhất, nơi đầu sóng ngọn gió thì chúng ta đều bắt gặp hình ảnh quen thuộc chính là màu áo trắng của các y, bác sĩ, nhân viên ngành y tế.

Những bữa cơm tạm, những giấc ngủ chớp nhoáng, những công việc riêng của gia đình tạm gác lại và có cả những cái Tết không được đoàn viên trọn vẹn… tất cả là những hi sinh thầm lặng không được gọi tên khi các y, bác sỹ, nhân viên ngành Y tế lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng, bảo vệ nhận dân, bảo vệ tổ quốc.

Covid là một mặt trận, cũng là một phép thử, nơi mà ngành y tế của Việt Nam đang oằn mình, vất vả cùng nhân dân chống dịch, nhưng cũng là nơi ngành Y tế khẳng định vai trò với những khó khăn dài hơi để vượt qua, để làm nên những thành tựu to lớn.

Hình ảnh những bác sỹ, nhân viên y tế tranh thủ chợp mắt ngay tại nơi làm việc khiến ai nấy không khỏi nao lòng và thêm trân trọng những công lao đóng góp của họ cho sức khỏe nhân dân. (Ảnh: TTXVN)

Hình ảnh những bác sỹ, nhân viên y tế tranh thủ chợp mắt ngay tại nơi làm việc khiến ai nấy không khỏi nao lòng và thêm trân trọng những công lao đóng góp của họ cho sức khỏe nhân dân. (Ảnh: TTXVN)

Trò chuyện với Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam đầu năm mới, Giáo sư Nguyễn Anh Trí (Đại biểu Quốc hội Khóa XIV) xúc động chia sẻ: “Dù là Tết đến, xuân về nhưng đội ngũ y, bác sỹ vẫn đang túc trực làm việc ngày đêm nơi tuyến đầu chống dịch. Đó là biểu hiện rõ ràng nhất cử lòng yêu nước, yêu đồng bào, chính là truyền thống quý báu của dân tộc ta”.

Những thành tựu to lớn mà ngành y tế đạt được, chính là dòng chảy của sự quyết tâm, niềm đam mê với nghề và hơn tất thảy là lòng yêu đất nước, yêu nhân dân. Những thành tựu đó được dựng, ghép bởi hàng nghìn, hàng vạn con tim nhiệt huyết của những người hùng thầm lặng.

Một ngày 27/2 nữa lại đến, 66 năm kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, xin dành tặng những bông hoa đẹp nhất, những lời cảm ơn, biết ơn chân thành và sâu sắc nhất đến những y, bác sỹ và nhân viên ngành Y tế. Chúc cho ngành Y tế tiếp tục đạt được nhiều thành tựu trên hành trình đầy vẻ vang, tự hào.

Cao Kim Anh