Nóng sáng 24/4: Chủ tịch UBND TP Cần Thơ thua kiện nông dân

24/04/2012 09:44
Hải Phong (Tổng hợp)
(GDVN) - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ thua kiện nông dân; Thí điểm đổi mới tuyển chọn lãnh đạo... là những thông tin đáng chú ý sáng 24/4.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ thua kiện nông dân

Nguồn tin trên báo Tuổi Trẻ cho hay, ngày 23/4, Tòa án nhân dân TP Cần Thơ đã xử nông dân Lâm Văn Sáu (ngụ tại phường Long Tiền, Q.Bình Thủy) thắng kiện UBND TP Cần Thơ khi tuyên buộc hủy một phần quyết định của chủ tịch UBND TP Cần Thơ do không bồi thường, hỗ trợ ông Sáu khi thu hồi gần 2.200m2 đất nông nghiệp của ông.

Quốc lộ 91B ở Cần Thơ băng qua đồng ruộng, có nhiều đất dân bị ảnh hưởng. Ảnh: Internet.
Quốc lộ 91B ở Cần Thơ băng qua đồng ruộng, có nhiều đất dân bị ảnh hưởng. Ảnh: Internet.

Năm 2009 UBND TP Cần Thơ thu hồi diện tích đất trên để xây dựng quốc lộ 91B. Chính quyền đã ra quyết định phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng nhưng không hỗ trợ, bồi thường cho ông vì cho rằng phần đất đó nằm trên nền và mương lộ, thuộc Nhà nước quản lý.

Thí điểm đổi mới tuyển chọn lãnh đạo

Báo An ninh thủ đô đưa tin, hôm qua, 23/4, Bộ Nội vụ cho biết đang chủ trì xây dựng Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng”. 

Đề án nghiên cứu đổi mới tuyển chọn lãnh đạo giữ các chức danh, chức vụ quản lý như vụ trưởng, phó vụ trưởng, giám đốc sở, phó giám đốc sở, giám đốc trung tâm, phó giám đốc trung tâm; trưởng phòng, phó trưởng phòng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội thuộc hệ thống chính trị. 

Sẽ đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng. Ảnh: VGP/Mai Chi.
Sẽ đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng. Ảnh: VGP/Mai Chi.

Mục tiêu chính nhằm tuyển chọn được người có phẩm chất và năng lực giữ các chức danh lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng, góp phần đổi mới tư duy, cách làm, khắc phục yếu kém trong từng khâu của công tác cán bộ. Mặt khác, sẽ đề cao thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc giới thiệu, đề cử cấp phó; đảm bảo thu hút người có tài, có đức giữ chức danh lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng theo nguyên tắc cạnh tranh.
Truy tìm cây gỗ huê “trăm tỉ”
Nguồn tin trên Thanh Niên Online cho hay, ngày 23/4, lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) tập trung chốt chặn các cửa rừng và ráo riết truy tìm vị trí có cây gỗ huê trị giá “trăm tỉ” trong rừng sâu.

Trao đổi với phóng viên, ông Lưu Minh Thành, Giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, cho biết về phía cơ quan chức năng hiện vẫn chưa có ai thấy tận mắt cây gỗ huê đó và đang tiến hành xác minh sự việc.

Trước đó, khu vực Phong Nha rộ lên thông tin có một nhóm người ở xã Phúc Trạch (H.Bố Trạch) tìm thấy một cây huê cổ thụ rất to cao trong khuôn viên của vườn quốc gia. Nhóm người trên đã tiến hành đốn hạ cây rồi xẻ ra thành gỗ phách, sau đó về rao bán. Ngay lập tức có một số đầu nậu gỗ lậu tại địa phương đã đồng ý mua với giá gần 100 tỉ đồng. Liên quan đến sự việc trên, có nhiều mức giá “đồn” như 30 tỉ đồng hay 50 tỉ đồng, vậy nên thực hư sự việc không ai rõ nhưng có khá nhiều người đổ về Phong Nha - Kẻ Bàng để nghe ngóng và tìm kiếm huê.
Di dời nhà máy làm chết lúa của dân

Cũng thông tin trên báo Tuổi Trẻ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có công văn thống nhất việc di dời Nhà máy mì Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh - do Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm làm chủ đầu tư - ra khỏi vị trí hiện tại.

Ảnh minh họa: Internet.
Ảnh minh họa: Internet.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan hướng dẫn Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm khảo sát, đề xuất các phương án chọn vị trí di dời nhà máy, trong đó cần phân tích rõ mặt tích cực và dự lường trước những tác động tiêu cực về môi trường có thể xảy ra, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định trong năm 2012.

Mới đây, báo Tuổi Trẻ đã phản ánh về tình trạng xả thải của Nhà máy mì Tịnh Phong khiến lúa của người dân trong khu vực bị chết, hư hại nhiều năm liền.
Lãnh đạo TP.HCM thăm và tặng quà quân, dân Trường Sa
Cũng thông tin trên Thanh Niên Online, đoàn công tác thứ nhất của TP.HCM cùng lãnh đạo Bộ Tư lệnh Hải quân, Quân chủng Phòng không - Không quân, Cục Tác chiến thuộc Bộ Tổng tham mưu... do bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM) làm trưởng đoàn vừa hoàn thành chuyến thăm và tặng quà quân, dân Trường Sa và nhà giàn DK1 từ ngày 15 - 23/4.

Ảnh minh họa: Thanh Vũ/TTXVN.
Ảnh minh họa: Thanh Vũ/TTXVN.

 Đoàn đã đến thăm và tặng quà cho 9 đảo, gồm: Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, Phan Vinh, An Bang, Đá Lát, Đá Tây, Đá Đông, Tốc Tan, Thuyền Chài (tỉnh Khánh Hòa) và nhà giàn DK1-15 (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Tổng số quà đoàn trao tặng trị giá hơn 10 tỉ đồng, bao gồm 2 xuồng CQ, ti vi, đĩa nhạc, thực phẩm đông lạnh, hạt giống...
Ngư dân nước ngoài được cứu ở Trường Sa

Thông tin trên Dân Việt, sáng 23/4, Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa đã bàn giao anh Richard Bacunawa (người Philippines) cho Tùy viên Sứ quán nước này.

Trước đó, khoảng 18 giờ ngày 21/2, tàu cá của ông Nguyễn Duy Thanh (Quảng Ngãi) phát hiện và vớt được Bacunawa đang trôi dạt tại vùng biển phía Đông Nam đảo Song Tử Tây, thuộc huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa.

Ngày 25/2, tàu Vạn Hoa (Hải quân VN) tiếp nhận, đưa về đất liền, giao Biên phòng Khánh Hòa chăm sóc.

Bacunawa cho biết, ngày 18/2, một mình đánh cá trên biển thuộc Philippines, sóng to gió lớn đánh chìm thuyền. Rất may, anh nắm được hai can nước ngọt, lênh đênh mấy ngày liền.

Người Hà Lan bất mãn trước quyết định từ chức của Thủ tướng
VOV Online dẫn lại tin trích nguồn Reuters cho biết, nhiều người dân Hà Lan đã tỏ ra bất mãn trước quyết định từ chức của Thủ tướng Mark Rutte và sự bất đồng giữa các đảng lớn trong quốc hội Hà Lan nhằm giải quyết khủng hoảng nợ công ở nước này.

“Chúng tôi cảm thấy rất buồn về tình hình hiện nay của đất nước. Cái mà chúng tôi cần là một chính phủ vững mạnh song thật đáng tiếc là các đảng trong chính phủ cầm quyền đã không thể nhất trí được với nhau”, một người dân nói.

Thủ tướng Mark Rutte ra đi sau những bất đồng về khủng hoảng nợ công. Ảnh: Reuters.
Thủ tướng Mark Rutte ra đi sau những bất đồng về khủng hoảng nợ công. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó theo giới phân tích, Hà Lan hoàn toàn có thể tránh được nguy cơ chính phủ nước này sụp đổ và Thủ tướng phải tuyên bố từ chức nếu các đảng nhất trí được về kế hoạch ngân sách và thắt lưng buộc bụng nhằm giải quyết khủng hoảng nợ công ở nước này.

Ngày 23/4, Thủ tướng Mark Rutte và nội các của ông đã quyết định từ chức. Điều này đã tạo ra một khoảng trống về quyền lực của Hà Lan, đồng thời tạo ra áp lực không nhỏ tới mức tín nhiệm đối với trái phiếu chính phủ Hà Lan, vốn đang được xếp hạng AAA.
Hải Phong (Tổng hợp)