Nước nào là siêu cường số 1 thế giới về xuất khẩu xe tăng?

22/12/2011 09:10
Trịnh Xuân Tuân (Theo vpk)
(GDVN) - Sau khi bị rơi vào tình trạng “bão hòa” trong những năm 90 của thế kỷ trước, hiện ngành công nghiệp xe tăng trên thế giới đang “bùng nổ” trở lại

Tầm quan trọng của việc sử dụng xe tăng trong chiến tranh hiện đại đã được thể hiện trong các hoạt động quân sự của lực lượng quân đội Mỹ tại chiến trường Kosovo (năm 1999), Apghanistan (năm 2001) và Iraq (năm 2003).

Tuy nhiên, các cuộc thảo luận về vị trí và vai trò của xe tăng chiến đấu chủ lực MBT (Main Battle Tanks) trong quân đội hiện đại vẫn tiếp tục được diễn ra, đặc biệt là tại Hoa Kỳ.

Trước đó, Mỹ đã lên kế hoạch đến năm 2030 sẽ cho Lữ đoàn bộ binh cơ giới Stryker “nghỉ hưu”. Lữ đoàn bộ binh cơ giới “Stryker” hiện được trang bị chủ yếu 10 kiểu loại xe: xe thiết giáp bánh lốp hệ Stryker, xe Hummer và xe tải chiến thuật hạng trung,…Đồng thời, Mỹ cũng đã đưa ra khái niệm lữ đoàn xe bọc thép “tấn công thế hệ mới” cho tương lai.

Một số nghị sĩ và chuyên gia quân sự Mỹ tin rằng nước này không cần thiết phải có một số lượng lớn các xe bọc thép hạng nặng như MBT.

Theo họ, không loại trừ khả năng phải đóng cửa các dây chuyền sản xuất lắp ráp xe tăng MBT M1A2 SEP Abrams để tiết kiệm ngân sách cho quốc phòng, bất chấp thực tế là MBT M1A2 SEP Abrams là một trong những “biểu tượng” sức mạnh của Lục quân Hoa Kỳ.

Theo Trung tâm Phân tích thị trường vũ khí toàn cầu (TSAMTO), quân đội Hoa Kỳ có thể sẽ ngừng sản xuất các xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 Abrams và sẽ tiếp tục chương trình hiện đại hóa MBT M1A3 đến năm 2050.

Nga là siêu cường số 1 thế giới về xuất khẩu xe tăng chủ lực

Theo bảng xếp hạng của TSAMTO về việc cung cấp MBT trong giai đoạn 2011 – 2014, Nga vượt xa các đối thủ cạnh tranh của mình và “chễm trệ” ở vị trí số 1 thế giới.

Trong thời gian này, Nga xuất khẩu 688 chiếc MBT với tổng trị giá lên tới 1.979 triệu đôla, trong đó chủ yếu là cấp giấy phép lắp ráp và sản xuất các MBT T-90S cho Ấn Độ.

Qua bảng xếp hạng, ta cũng thấy rằng thị phần xuất khẩu MBT của Nga trong 4 năm tới (2011 - 2014) cao hơn so với 4 năm vừa qua (2007 - 2010) khi mà nước này xuất khẩu 603 chiếc MBT với tổng giá trị 1.879 đôla.

Xét riêng năm nay (2011), Nga đã xuất khẩu 338 chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực trị giá 1.059 triệu đôla, vượt xa đối thủ xếp thứ 2 là Mỹ với 195 chiếc. Đức chỉ xuất khẩu được 61 chiếc và chấp nhận ở vị trí thứ 3.

Ấn Độ là khách hàng lớn nhất của MBT Nga

Nga đã ký kết chương trình dài hạn với Ấn Độ để sản xuất các MBT T-90S cho quân đội của quốc gia Nam Á này. Năm 2006, Nga đã đồng ý cấp phép sản xuất 1.000 chiếc MBT T-90S cho Ấn Độ tới năm 2019. Tổng giá trị của bản hợp đồng ước tính khoảng 2.500 triệu đôla.

Nga đã hoàn thành việc giao hàng cho Ấn Độ theo các thỏa thuận trong hợp đồng với 347 MBT T-90S vào năm 2007, cung cấp 24 MBT trong năm 2008, 80 chiếc năm 2009 và 20 chiếc trong năm 2010. Các xe tăng còn lại theo hợp đồng, sẽ được sản xuất theo giấy phép tại Ấn Độ.

Xe tăng chủ lực T-90 của Nga
Xe tăng chủ lực T-90 của Nga

Xe tăng T-90S sẽ dần thay thế các xe tăng cũ, bao gồm các biến thể T-55 và T-72. Tổng cộng, đến năm 2020 quân đội Ấn Độ đang có kế hoạch để có được 1.700 chiếc MBT T-90S.

Ngoài Ấn Độ, Azerbaijan, Algeria, Venezuela, Cyprus, Syria, Turkmenistan, và Uganda cũng là những khách hàng tiềm năng của MBT Nga. Trong tháng 9 năm 2009, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã công bố rằng tổng số MBT mua của Nga là 92 xe tăng T-72.

Trung Quốc xuất khẩu MBT đứng thứ 4 thế giới

Đáng chú ý trong giai đoạn 2007 – 2014, Trung Quốc đã vươn lên mạnh mẽ và có được vị trí đáng kể trên thị trường xuất khẩu xe tăng chiến đấu chủ lực. Trong khoảng thời gian này, Trung Quốc xuất khẩu 298 chiếc MBT với tổng trị giá 662,5 triệu đôla và xếp thứ 4 sau Đức.

MBT-2000 của Trung Quốc
MBT-2000 của Trung Quốc

Trong 4 năm (2007 - 2010), thị phần xuất khẩu MBT của Trung Quốc (298 chiếc) chỉ đứng thứ 2 sau Nga với 603 chiếc. Đây là một thành quả tuyệt vời từ những nỗ lực lớn lao của Trung Quốc trong việc hiện đại hóa quân đội của mình.

Hiện Trung Quốc đang tiếp tục tiến hành dự án hợp tác sản xuất xe tăng chủ lực MBT – 2000 cùng với quân đội Pakistan. MBT – 2000 cũng đã được đem cung cấp cho quân đội các nước Morocco và Myanmar với một số lượng lớn.

Pakistan trong vài năm tới cũng có kế hoạch trang bị cho Lục quân 300 chiếc MBT loại này.

Xét một cách toàn diện trong giai đoạn 2007 – 2014, Nga vẫn duy trì là siêu cường số 1 về xuất khẩu MBT với 1.291 chiếc. Con số này cao hơn rất nhiều so với Hoa Kỳ ở vị trí thứ 2 với 457 chiếc.

Cùng với việc cấp giấy phép sản xuất xe tăng Leopard 2 cho Hy Lạp và Tây Ban Nha, Đức xuất khẩu 348 chiếc MBT với tổng trị giá 3.487 triệu đôla và xếp ở vị trí thứ 3.

Ba Lan có được vị trí thứ 5 sau trung Quốc khi thực hiện bản hợp đồng cung cấp 38 MBT PT-91M Tvardy cho Malaysia trị giá 368 triệu đôla.

Xe tăng chủ lực Leopard 2A6 của Đức
Xe tăng chủ lực Leopard 2A6 của Đức

Khách hàng lớn nhất của MBT

Các quốc gia trên thế giới đang có những nỗ lực rất lớn để hiện đại hóa quân đội của mình. Trong đó có việc trang bị các xe tăng chiến đấu chủ lực, tăng cường sức mạnh cho Lục quân. Theo TSAMTO, Ả Rập Xê út, Ai Cập, Ethiopia, Bangladesh và Thái Lan được xem là những nước “bạo chi” nhất trong việc mua các MBT.

Đầu tháng Bảy năm nay, chính phủ Đức thông qua việc cung cấp 250 MBT Leopard 2 cho Saudi Arabia. Tổng giá trị của bản hợp đồng ước tính khoảng 4 tỷ đôla. Ngoài việc cung cấp các xe tăng, thỏa thuận còn bao gồm việc đào tạo cán bộ và các phương tiện dịch vụ.

Cũng trong đầu tháng 7/2011, Bộ Quốc phòng Ai Cập đã đặt mua ở Mỹ hàng loạt các linh kiện và bộ thiết bị cần thiết để sản xuất và lắp ráp 125 chiếc xe tăng. Cục Hợp tác quân sự (DSCA) của Lầu Năm Góc đã trình hợp đồng tiềm năng với trị giá khoảng 1,3 tỷ đôla này lên Hạ viện để xem xét và phê duyệt.

Theo báo cáo chưa được xác nhận, vào tháng 6 năm nay, Bộ Quốc phòng Ethiopia đã ký với GK Ukrspetsexport của Ukraine bản hợp đồng cung cấp 200 MBT T-72 trị giá tới 100 triệu đôla. Nếu bản hợp đồng này được thực hiện, Ukraine sẽ đánh bật Mỹ để giành lấy vị trí thứ 2 trên bảng xép hạng.

Cùng thời gian này, Chính phủ Bangladesh đã quyết định mua của Trung Quốc 44 chiếc MBT-2000 mới và 3 chiếc đã qua sử dụng. Tất cả đều nằm trong kế hoạch hiện đại hóa quân đội nước này.

Vào tháng 3 năm nay, Tư lệnh các lực lượng vũ trang của Thái Lan đã quyết định mua 200 MBT Hold của Ukraine. Tổng giá trị của bản hợp đồng lên tới 232 triệu đôla.

Như vậy, trong tương lai, Nga, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc sẽ là những quốc gia sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất các xe tăng chủ lực thế hệ mới. Mỹ, Pháp, Anh, Đức cũng sẽ thực hiện các chương trình để nâng cấp các MBT hiện đại nhất của mình.

Do đó, sẽ là quá sớm để nói về thời kỳ “hoàng hôn” của xe tăng chủ lực vì dù sao đi nữa xe tăng vẫn là “nắm đấm thép”, và là “biểu tượng” sức mạnh của Lục quân bất kỳ quốc gia nào.

Trịnh Xuân Tuân (Theo vpk)