Obama mở rộng trừng phạt Nga vì đã hết kiên nhẫn với tình hình Ukraine

17/07/2014 14:49
Nguyễn Hường
(GDVN) - Obama trong những tuần gần đây dường như đã hết kiên nhẫn với tình hình xung đột ở Đông Ukraine khi nhiều lần đe dọa đưa ra các biện pháp trừng phạt mới chống

Tổng thống Barack Obama hôm 16/7 đã công bố gói trừng phạt kinh tế lớn nhất của Mỹ chống lại Moscow, trong đó nhắm mục tiêu vào các công ty năng lượng, tài chính, quốc phòng hàng đầu của Nga với nỗ lực thúc đẩy ông Putin gây sức ép lên lực lượng ly khai kiềm chế bạo lực ở Đông Ukraine. 

Các biện pháp trừng phạt mới được Tổng thống Obama đưa ra sau khi tham vấn chặt chẽ với các nhà lãnh đạo châu Âu, những người trước đó đã công bố các gói trừng phạt chống lại Nga nhưng ít cứng rắn hơn. 

Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Các đối tượng nằm trong danh sách trừng phạt mới của Mỹ gồm tập đoàn dầu khí hàng đầu Rosneft, tập đoàn công nghiệp dầu khí và tài chính Gazprombank, tập đoàn dầu khí lớn thứ hai nước Nga Novatek, ngân hàng quốc doanh hoạt động như đại lý thanh toán cho chính phủ Nga Vnesheconombank hoặc VEB, tám công ty vũ khí và một số quan chức cấp cao của chính phủ Moscow. 

Phản ứng trước động thái trên, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngay lập tức lên tiếng cho biết Nga sẽ tìm cách giảm thiểu tác động của lệnh trừng phạt và cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt này sẽ giống như một con dao hai lưỡi gây thiệt hại cho cả chính các công ty Mỹ, đưa quan hệ Washington-Moscow đến điểm kết thúc.

Nhà lãnh đạo Nga cũng nhấn mạnh rằng các nước đang đẩy trách nhiệm về sự đổ máu và tan rã của Ukraine lên vai người khác, hay chính là Moscow.

Trong một thông điệp trên Twitter, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin gọi các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với các doanh nghiệp quốc phòng hàng đầu của Nga là sự cạnh tranh không trung thực trên thị trường vũ khí.

Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin gọi các biện pháp trừng phạt của Mỹ là cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường vũ khí.
Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin gọi các biện pháp trừng phạt của Mỹ là cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường vũ khí. 


Ông cho rằng người Mỹ muốn ngăn cản chương trình tái vũ trang của quân đội Nga bằng cách làm suy yếu tiềm năng xuất khẩu quốc phòng của nước này.

Giám đốc điều hành Rosneft Igor Sechin cho biết, lệnh trừng phạt này sẽ không ảnh hưởng gì đến dự án hiện nay của Rosneft với đối tác Mỹ ExxonMobil và doanh số bán dầu, nhưng sẽ khiến cổ phần của nhiều tập đoàn của Mỹ hợp tác với Rosneft như BP bị ảnh hưởng nặng nề.

Trong khi đó, Reuters dẫn lời chuyên gia luật Douglas Jacobson của hãng luật Jacobson Burton ở Washington cho biết, phạm vi của các biện pháp trừng phạt mới vẫn còn hạn chế và sẽ không ảnh hưởng lớn tới doanh thu bán dầu khí của Nga. Do đó, nó giống như một sự nhắc nhở về một cuộc khẩu chiến hơn là những thứ khác. 

Giám đốc điều hành Rosneft Igor Sechin.
Giám đốc điều hành Rosneft Igor Sechin.

Obama trong những tuần gần đây dường như đã hết kiên nhẫn với tình hình xung đột ở Đông Ukraine khi nhiều lần đe dọa đưa ra các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga, Reuters cho biết.

Tuy nhiên, theo Reuters, những gì ông Obama công bố hôm 16/7 sẽ khó có thể khiến các nhà lập pháp đảng Cộng hòa hài lòng. Một số đã kêu gọi chính phủ nên áp dụng biện pháp trừng phạt đối với toàn bộ ngành công nghiệp Nga chứ không phải vài công ty cụ thể mới là cách tốt nhất để kiểm soát Putin.

Họ hoan nghênh các biện pháp bổ sung, nhưng yêu cầu Tổng thống cần có những động thái mạnh mẽ hơn, xa hơn. 

Trong khi đó, tờ The Wall Street Journal ngày 17/7 cho biết, Hiệp hội các nhà sản xuất Mỹ đã bày tỏ sự "thất vọng" đối với việc chính quyền Obama tiếp tục mở rộng lệnh trừng phạt chống lại Nga./.

Nguyễn Hường