"Ông điện lực" có biết ở quê, điện chỉ sáng như con đom đóm?

22/12/2011 02:40
Thành Chung
(GDVN) - Thay vì dùng tiền của dân để trả lương 'khủng' cho nhân viên, EVN nên chuyển sang đầu tư nâng cao chất lượng điện và chia sẻ khó khăn với người dân.
Tăng giá điện, sức ép gánh nặng về kinh tế đối với người lao động Kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước mới công bố, thu nhập bình quân của cán bộ toàn công ty mẹ Tập đoàn Điện lực VN (EVN) trong năm 2010 là 13,7 triệu đồng một tháng. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân cơ quan văn phòng thuộc tập đoàn còn cao gấp hơn 2 lần thu nhập bình quân chung của công ty mẹ. Như vậy, lương cho một nhân viên văn phòng của EVN lên tới 30 triệu đồng/tháng.

Trong khi đời sống của người dân còn khó khăn thì thay vì dùng tiền của dân để trả lương "khủng" cho nhân viên, EVN nên giảm bớt để chia sẻ lại với chính người dân. (Ảnh minh họa. Ảnh : Vnexpress).
Trong khi đời sống của người dân còn khó khăn thì thay vì dùng tiền của dân để trả lương "khủng" cho nhân viên, EVN nên giảm bớt để chia sẻ lại với chính người dân. (Ảnh minh họa. Ảnh : Vnexpress).
Thống kê mức lương bình quân của nhân viên các ngành khác được Bộ LĐ - TB và XH đưa ra năm 2010, thì mức lương bình quân của nhân viên EVN đứng trong top đầu, thậm chí cao hơn nhiều các ngành có mức bình quân thu nhập cao nhất như mỏ, luyện kim, viễn thông, dầu khí... Trong khi thu nhập của nhân viên EVN "khủng" như vậy thì mức thu nhập, đời sống của nhiều người dân nghèo ở các vùng nông thôn, công chức bình thường ở các đô thị, người lao động, sinh viên... lại đang gặp vô vàn khó khăn. Giá cả nhiều mặt hàng, chi phí cuộc sống liên tục tăng cao suốt thời gian vừa qua, trong khi mức lương, thu nhập không được cải thiện đáng kể đã khiến không ít người dân luôn phải chịu cảnh cực nhọc, vất vả. Đặc biệt với sinh viên, nhóm đối tượng vẫn đang  phụ thuộc vào sự chu cấp từ gia đình, phải đi thuê nhà trọ thì vấn đề tăng giá phòng trọ, giá điện, nước thời gian qua luôn "đè nặng" lên vai.  Thế nên, việc EVN quyết định tăng thêm 5% giá điện từ ngày 20/12 đã khiến nhiều người dân thực sự "choáng". Bởi vào cuối năm, khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao, giá điện lại tăng đột ngột như vậy sẽ tác động đẩy giá nhiều mặt hàng, chi phí khác "leo thang". Mức thu nhập đã thấp, lại cộng thêm những tác động từ giá điện sẽ đẩy cuộc sống của nhiều người vào cảnh vất vả hơn. Với người dân ở thành phố thu nhập hàng tháng còn tương đối ổn định, trong khi những người dân ở vùng nông thôn, thu nhập chính vẫn trông vào xào ruộng, quanh năm 2 vụ, ngoài ra không có nghề phụ thì việc tăng giá điện sẽ càng gây sức ép lên cuộc sống của họ. Nhiều người đặt câu hỏi, liệu trong lúc cuộc sống của không ít người dân còn khó khăn, lại vào thời điểm cuối năm, thì việc tăng giá điện dù chỉ 5% có thực sự hợp lý?. Đời sống của một đại bộ phận người dân còn nhiều khó khăn, mà EVN lại dùng tiền của người dân để trả lương cao cho nhân viên của mình như vậy, có chấp nhận được không?. Một số ý kiến cho rằng, thay vì dành chi phí lớn để trả lương cao cho nhân viên, EVN nên giảm bớt chi phí đó và dành nguồn đó để chia sẻ bớt khó khăn với người dân.Ở nông thôn đèn điện chỉ sáng như con "đom đóm đực" Một thực tế đang làm người dân bức xúc. Đó là, dù người dân từ nông thôn đến một số khu vực của các đô thị, đang phải trả tiền điện với giá cao và giờ phải trả thêm 5%  nhưng chất lượng điện lại hoàn toàn ngược lại. Tình trạng điện yếu, không ổn định, hệ thống truyền tải xuống cấp, tổn hao lớn, máy biến áp không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng diễn ra ở nhiều nơi. Không ít vùng nông thôn ở các tỉnh đồng bằng, mặc dù đã có hệ thống cấp điện cách đây hàng chục năm nhưng hiện tại người dân lại phải sử dụng quạt tay thay cho quạt máy, sử dụng đèn dầu, đèn chạy bình ắc - qui thay cho bóng đèn điện chỉ như "con đom đóm đực".

EVN nên bớt lương "khủng" của nhân viên để dành đầu tư nâng cao chất lượng điện. (Ảnh minh họa. Ảnh: Tuổi trẻ).
EVN nên bớt lương "khủng" của nhân viên để dành đầu tư nâng cao chất lượng điện. (Ảnh minh họa. Ảnh: Tuổi trẻ).
Cảnh trẻ em phải ngồi học bài buổi tối dưới ánh nến, đèn dầu và tình trạng các bệnh về mắt ra tăng, rồi hàng loạt thiết bị, máy móc bị cháy, hỏng hoặc mua về nhưng không dám dùng do điện yếu, chập chờn không phải là hiếm ở không ít vùng quê. Tình trạng chất lượng điện không đảm bảo còn ảnh hưởng xấu đến sản xuất của nhân dân ở nhiều vùng. Không ít các trang trại, các xưởng sản xuất, cơ sở xay sát thóc, gạo... đã không thể hoạt động do điện không đảm bảo. Không chỉ ở các vùng quê, ngay tại nhiều đô thị như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Mnh... không ít lần các cơ quan báo chí cũng đã thông tin về tình trạng người dân ở nhiều khu vực phải sống chung với cảnh điện yếu, thường xuyên bị mất trong những giờ cao điểm. Những cảnh giữa mùa hè, người dân phải ồ ạt kéo nhau ra đường, dùng quạt tay do điện không đáp ứng được nhu cầu. Trong khi chất lượng điện ở nhiều nơi chưa được đảm bảo, ngành điện lại dành chi phí lớn tiền thu hàng tháng của người dân để trả lương cao cho nhân viên của mình, thì xem ra đó là điều phi lý. Và phải chăng, thay vì trả lương cao, EVN nên dùng bớt số tiền đó chuyển sang đầu tư, nâng cấp mạng lưới điện, để người dân đã phải trả tiền điện cao sẽ được dùng điện chất lượng cao.
Thành Chung