Ông Dương Trung Quốc nói về "cái gốc của lòng tự trọng và nhà công vụ"

27/12/2014 13:44
QUỐC TOẢN
(GDVN) - “Đừng quan niệm rằng tham nhũng cứ phải là những chuyện thật to tát, mà nó bắt đầu từ chuyện nhỏ”, ông Dương Trung Quốc đặt vấn đề “tham nhũng” nhà công vụ.

Trách nhiệm từ cả hai phía

Theo báo cáo gần đây nhất, tính đến tháng 9/2014, tổng quỹ nhà ở công vụ trên cả nước là hơn 1,6 triệu m2, trong đó có hàng trăm biệt thự công, hàng chục nghìn căn hộ chung cư… Số tài sản Quốc gia này được nhà nước đầu tư từ ngân sách để ưu tiên cho một số ít đối tượng sử dụng theo quy định của pháp luật…

Thực tế cho thấy, một bộ phận cán bộ sau khi thôi chức vụ quản lý, đã tự cho mình quyền sử dụng nhà công vụ vĩnh viễn, biến biệt thự công thành tư, thành chung cư gia đình cho con cháu ở, hoặc cho thuê để hàng tháng để kiếm lời…

Tại sao một chính sách đúng đắn nhằm bảo đảm cho những cán bộ lãnh đạo trong thời gian công tác hay luân chuyển công tác có nhà ở để ổn định công tác, lại biến tướng, gây dư luận không tốt trong xã hội?

Ông Trần Văn Truyền và căn biệt thự gây tai tiếng
Ông Trần Văn Truyền và căn biệt thự gây tai tiếng

Hôm 26/12, trao đổi với GDVN về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Dương Trung Quốc cho rằng, sự việc có trách nhiệm từ cả hai phía. Đầu tiên phải kể đến trách nhiệm của cơ quan thực thi pháp luật. Tiếp đó là lòng tự trọng của một số người từng là cán bộ công chức. Tuy nhiên, lỗi nặng nhất xuất phát từ cơ quan quản lý.

ĐBQH Dương Trung Quốc nêu quan điểm: "Người chiếm dụng tài sản công, sử dụng sai mục đích là việc làm không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, khó thể coi đối tượng vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến những sai sót trong việc quản lý, sử dụng nhà công vụ. Quan trọng là phải kiểm điểm lại tại sao người ta lại để tình trạng đó kéo dài?".

"Việc lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt của công là thực trạng khá phổ biến trong xã hội hiện nay. Trong đó, giới quan chức là đối tượng dễ bị tác động nhất vì họ nắm trong tay pháp luật. Như vậy có thể thấy, những vi phạm về tài sản nhà công vụ xuất phát từ việc buông lỏng quản lý, mà căn nguyên của vấn đề là sự nể nang nhau giữa cơ quan thực thi pháp luật và người chấp hành pháp luật”, ĐBQH Dương Trung Quốc phân tích.

ĐBQH Dương Trung Quốc nhấn mạnh thêm: "Nguyên nhân chủ quan dẫn tới những vi phạm trong việc thực thi các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng nhà công vụ một phần cũng do ý thức, lòng tự trọng của những người từng làm cán bộ. Cái gốc của lòng tự trọng nằm ở việc giáo dục con người nói chung, đặc biệt là cán bộ công chức. Do vậy, lòng tự trọng có được hay không phụ thuộc vào môi trường văn hóa, môi trường xã hội”.

Tăng cường sự giám sát của người dân

Sau khi bị dư luận phát giác, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ sự việc, nhiều cựu quan chức đã làm đơn tự nguyện trả lại nhà, đất công vụ đã bị sử dụng sai mục đích trước đó. Có người đã xin chịu mọi hình thức kỷ luật của Đảng đối với những vi phạm nói trên.

Theo giới phân tích, đây là tín hiệu khả quan để, tạo tiền đề quan trọng trong việc thu hồi nhà công vụ sử dụng sai mục đích trong thời gian tới: “Họ phát hiện thấy mình sai phạm và chịu trách nhiệm khắc phục, sửa chữa là biểu hiện tích cực và rất đáng hoan nghênh”, ĐBQH Dương Trung Quốc đưa ra nhận định. Tuy nhiên, theo đánh giá, việc thu hồi vẫn còn chậm, chưa đáp ứng được kỳ vọng từ phía người dân.

ĐBQH Dương Trung Quốc (ảnh: Ngọc Quang)
ĐBQH Dương Trung Quốc (ảnh: Ngọc Quang)

ĐBQH Dương Trung Quốc cũng chỉ rõ, những vi phạm liên quan đến vấn đề nhà công vụ cũng là một loại tham nhũng cần phải xử lý triệt để: “Tham nhũng rất tinh vi, chứ không đơn thuần chỉ là việc nhận hối lộ. Do vậy cần xử lý triệt để tình trạng này để tạo sự công bằng xã hội”.

“Đừng quan niệm rằng tham nhũng cứ phải là những chuyện thật to tát, mà nó bắt đầu từ chuyện nhỏ. Bởi khi đã làm sai được việc nhỏ thì người ta sẽ làm sai việc lớn hơn. Đâu phải đến lúc lấy một đống tiền của nhà nước mới gọi là tham nhũng. Tôi cho rằng lỗi nặng nhất để xảy ra tình trạng "tham nhũng" nhà công, xuất phát từ cơ quan quản lý nhà nước. Nếu việc nhỏ không xử lý được thì ắt sẽ thành thói quen, tạo tiền đề cho những vi phạm lớn hơn. Do vậy cần có cơ chế quản lý chặt chẽ để đẩy lùi tham nhũng, đặc biệt là vấn đề “tham nhũng” nhà công vụ”, ĐBQH Dương Trung Quốc phân tích.

Để chấn chỉnh thực trạng này, ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng vấn đề quan trọng là đưa ra cơ chế phù hợp, tạo điều kiện cho người dân có quyền tham gia giám sát hoạt động, ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan công quyền…

QUỐC TOẢN