Ông Tập Cận Bình sẽ nghĩ gì về việc Mỹ tuần tra 12 hải lý ở Xu Bi?

29/10/2015 06:31
Hồng Thủy
(GDVN) - Trên thực tế ông Tập Cận Bình có thể cảm thấy bị mất mặt, Mu Chunshan nhận xét. Theo nhà báo này, Mỹ không nên đánh giá thấp về sự kiên quyết...

Mu Chunshan, một nhà báo từ Bắc Kinh ngày 29/10 bình luận trên The Diplomat, đừng đánh giá thấp sự kiên quyết của ông Tập Cận Bình trong vấn đề Biển Đông. Theo Mu Chunshan, hoạt động của Mỹ có thể châm ngòi cho một phản ứng dữ dội hơn nhiều so với tưởng tượng của Washington ban đầu.

Những phản ứng tức thời của Bắc Kinh về việc tàu khu trục Mỹ USS Lassen tiến vào 12 hải lý quanh bãi Xu Bi (Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam. Xu Bi cùng 6 bãi đá, rặng san hô khác ở Trường Sa bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp từ 1988, 1995 đến nay) là Trung Quốc hoàn toàn không muốn nhìn thấy một cuộc xung đột với Hoa Kỳ ở Biển Đông.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: AP.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: AP.

"Ông Tập Cận Bình có thể cảm thấy bị mất mặt"

Điều đó nói nên rằng, khả năng Trung Quốc sẽ đẩy mạnh quá trình chuẩn bị cho xung đột ngày càng gia tăng. Đặc biệt là việc Mỹ tiến hành tuần tra 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp, xây dựng (bất hợp pháp) ở Trường Sa được tiến hành ngay sau khi ông Tập Cận Bình thăm Mỹ và truyền thông Trung Quốc ca ngợi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung hết lời khiến Bắc Kinh mất mặt.

Trên thực tế ông Tập Cận Bình có thể cảm thấy bị mất mặt, Mu Chunshan nhận xét. Theo nhà báo này, Mỹ không nên đánh giá thấp về sự kiên quyết của Tập Cận Bình ở Biển Đông. Và để hiểu Tập Cận Bình, Mỹ nên năm bắt một vài điểm cần thiết.

Đầu tiên Tập Cận Bình có xuất thân vương hầu. Đã có nhiều phân tích chi tiết về phong cách quản trị của ông Bình từ giới truyền thông và các học giả phương Tây. Về cơ bản Tập Cận Bình đang muốn tạo ra một trạng thái "bình thường mới" cho nền chính trị và kinh tế Trung Quốc. Trạng thái bình thường mới có nghĩa là phá vỡ các quy tắc cũ, ở Trung Quốc việc sắp xếp bộ máy nhân sự bằng các tiểu tổ lãnh đạo, vai trò và bàn tay cá nhân Tập Cận Bình rất rõ nét trong tất cả mọi thứ.

Ông Tập Cận Bình là con trai của một cựu Phó Thủ tướng, Tập Trọng Huân. Nền tảng gia đình "vương hầu" khiến ông Tập Cận Bình không chỉ khác với các nguyên thủ phương Tây, mà còn khác cả các nhà lãnh đạo kỹ trị của Trung Quốc, đó là gắn liền sự tồn vong của gia đình các nhà lãnh đạo này với đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông Bình và những cộng sự thân tín của mình có thể xem bất kỳ sự "khiêu khích" nào với Trung Quốc là đối đầu trực tiếp với đảng Cộng sản Trung Quốc, là mối đe dọa của gia đình họ.

Bởi vậy cách mà các "vương hầu" phản ứng với những thách thức từ bên ngoài dường như sẽ rất khốc liệt. Cách tiếp cận của Trung Quốc trong quan hệ đối ngoại thời đại Tập Cận Bình đã tạo ra ấn tượng này, do đó Tập Cận Bình có nhiều khả năng phản ứng cứng rắn với Hoa Kỳ hơn so với những người tiền nhiệm. Trong khi đó khả năng, sức mạnh của quân đội Trung Quốc đang tăng lên, đang phát triển theo đúng ý của Tập Cận Bình.

Mục tiêu của Tập Cận Bình đối với quân đội khá rõ ràng và có thể tóm tắt trong 3 điểm: Thứ nhất, quân đội phải nghe đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ huy; Thứ hai, có thể giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh; Thứ ba, có phong cách làm việc tốt. Bản thân việc ông Tập Cận Bình dẫn dắt tiến trình cải cách quân đội Trung Quốc cũng làm gia tăng khả năng nước này sử dụng vũ lực ở bên ngoài, vì vậy Mu Chunshan khuyên Hoa Kỳ nên thận trọng và thay đổi cách tiếp cận.

Ảnh tư liệu tàu khu trục Mỹ USS Lassen vừa tuần tra ở Xu Bi hôm Thứ Ba, ảnh: Reuters.
Ảnh tư liệu tàu khu trục Mỹ USS Lassen vừa tuần tra ở Xu Bi hôm Thứ Ba, ảnh: Reuters.

Vì Bắc Kinh coi Biển Đông là "lợi ích cốt lõi" của họ nên sự phát triển (bành trướng) của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ tiếp tục, dù Mỹ không hài lòng hoặc can thiệp.

Chủ nghĩa dân túy gia tăng ở Trung Quốc sau khi Mỹ tuần tra Xu Bi, Thời báo Hoàn Cầu vội vàng dập lửa

Theo tường thuật của The Strait Times ngày 28/10, truyền thông Trung Quốc đã lên án Hoa Kỳ hôm Thứ Tư sau khi Mỹ điều tàu khu trục USS Lassen tuần tra vùng biển quốc tế quanh đá Xu Bi trong phạm vi 12 hải lý. Trong khi đó, cộng đồng mạng Trung Quốc sử dụng nhiều lời lẽ công kích, tức giận và thậm chí đòi hỏi Bắc Kinh có phản ứng mạnh mẽ hơn.

Suốt mấy tháng trước khi chính thức triển khai tuần tra hôm Thứ Ba, Hoa Kỳ nhiều lần khẳng định cam kết làm việc này và Bắc Kinh có thời gian để chuẩn bị cho các phương án phản ứng.

Trung Quốc nhiều lần cảnh báo rằng họ sẽ có hành động "kiên quyết" chống lại bất kỳ nước nào mà họ coi là "xâm phạm chủ quyền lãnh thổ", ý nói tiến vào 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp trái phép trên các rặng san hô, bãi cạn lúc nổi lúc chìm như bãi Xu Bi vốn không được hưởng quy chế lãnh hải 12 hải lý theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển - PV.

Nhưng rồi khi hoạt động tuần tra của Hoa Kỳ ở Xu Bi cuối cùng cũng diễn ra, Bắc Kinh chỉ theo dõi và cảnh báo tàu Mỹ chứ không can thiệp bằng hành động. Những phản ứng về mặt ngoại giao như triệu kiến Đại sứ Mỹ để phản đối và tiếp tục đe dọa mơ hồ rằng sẽ "kiên quyết phản ứng" khiến chủ nghĩa dân túy trong cộng đồng mạng Trung Quốc (được nuôi dưỡng bởi chính Bắc Kinh) trỗi dậy.

Trong khi truyền thông nhà nước Trung Quốc khá kiềm chế trong bình luận về sự kiện này thì cư dân mạng vừa mỉa mai chính phủ, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội như Sina Weibo. Có người sử dụng internet ở Trung Quốc viết trên trang cá nhân: "Trung Quốc vẫn chỉ biết dùng võ mồm thôi sao?", người khác thì khiêu khích hơn: "Sao không phá hủy các tàu chiến của Mỹ?"

Nhẹ hơn thì có những bình luận đại loại như: "Mỹ đang ở trước cửa nhà chúng ta, tố cáo họ một lần nữa là vô dụng". Hàng ngàn bình luận trên Sina Weibo có chung "tâm trạng thù Mỹ" này. Trong một động thái bất ngờ, Thời báo Hoàn Cầu, một trong những cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc vốn nổi tiếng trong việc kích động, nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc cực đoan bỗng nhiên lại kêu gọi dư luận kiềm chế.

Thời báo Hoàn Cầu cho rằng, Trung Quốc cần cho thấy "tầm cao đạo đức" của mình khi đối mặt với những gì tờ báo này gọi là "sự bắt nạt" của Washington. "Lầu Năm Góc rõ ràng đang khiêu khích Trung Quốc. Nhưng nếu chúng ta cảm thấy bất mãn và thốt ra những lời giận dữ, nó chỉ làm Mỹ đạt được mục tiêu là kích động chúng ta", xã luận Thời báo Hoàn Cầu hôm Thứ Tư viết.

Hồng Thủy