Pakistan muốn mua 6 tàu ngầm lớp Thanh trang bị tên lửa CJ-10K của TQ

04/07/2012 07:36
Đông Bình (nguồn báo Hoàn Cầu)
(GDVN) - Pakistan đặt mua 6 tàu ngầm diesel lớp Thanh của Trung Quốc, 4 chiếc được chế tạo tại Trung Quốc, 2 chiếc còn lại chế tạo tại Pakistan.
Tàu ngầm thông thường kiểu mới của Hải quân Trung Quốc.
Tàu ngầm thông thường kiểu mới của Hải quân Trung Quốc.

Tạp chí “Quốc phòng” Nga gần đây cho biết, đầu năm nay truyền thông Mỹ đặc biệt chú ý đến thông tin về tàu ngầm của Trung Quốc.

Tờ “Thời báo Washington” tiết lộ, đầu tháng 1/2012 tại một căn cứ, Hải quân Trung Quốc đã tiến hành thành công thử nghiệm hàng loạt tên lửa đạn đạo phóng ngầm JL-2.

Tên lửa này có tầm phóng khoảng 8.000 km, chủ yếu trang bị cho tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo 094 lớp Tấn của Hải quân Trung Quốc, mỗi tàu có 12 giếng phóng tên lửa.

Mấy năm trước, Trung Quốc đã chế tạo thành công 2 tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn, nhưng do tên lửa JL-2 vẫn chưa hoàn bị, vì vậy mãi chưa thể ra biển tác chiến thường trực.

Trong khi đó, xu thế phát triển tàu ngầm thông thường của Trung Quốc tốt hơn nhiều, đặc biệt là tàu ngầm diesel lớp Thanh, tính năng rất tiên tiến.

Báo Mỹ cho rằng, hàng loạt cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo phóng ngầm JL-2 được tiến hành thành công có nghĩa là tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn sẽ nhanh chóng có thể thực sự hình thành sức chiến đấu, bắt đầu tác chiến thường trực.

Nhưng, chuyên gia Mỹ David Akers cho rằng, tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược 094 có mức độ tiếng ồn rất lớn, điều này đã tạo cơ hội chưa từng có cho quân Mỹ đối phó với loại tàu ngầm này.

Căn cứ vào thông tin của Cục Tình báo Hải quân Mỹ, tiếng ồn máy móc của 2 chiếc tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn Trung Quốc cao hơn tàu ngầm hạt nhân 667 BDR lớp Delta-III của Nga được chế tạo trước đây 30 năm, vì vậy Mỹ hoàn toàn có thể “trừ khử” nó khi tên lửa JL tạo ra mối đe dọa.

Ngoài ra, tình hình trên các mặt cho thấy, tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc còn có các vấn đề khác.

Tên lửa đạn đạo tầm xa JL-2 phóng thử.
Tên lửa đạn đạo tầm xa JL-2 phóng thử.

Theo báo Nga, nếu nói sự phát triển của tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc tạm thời không phải đặc biệt thuận lợi, thì tiến triển nghiên cứu chế tạo tàu ngầm thông thường hiện đại của Trung Quốc lại rất tốt.

Chẳng hạn, từ năm 2011, Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm chiếc tàu ngầm diesel kiểu mới 043 lớp Thanh đầu tiên, đồng thời còn đang chế tạo 2 tàu ngầm lớp Thanh khác, trong đó một chiếc đã hạ thủy tháng 1/2012.

Được biết, loại tàu ngầm này là phiên bản phát triển tiếp theo của tàu ngầm diesel 041 lớp Nguyên, được Trung Quốc nghiên cứu chế tạo trên nền tảng tàu ngầm diesel 636 của Nga, có tính năng tiên tiến.

Tàu ngầm này dài khoảng 92 m, lượng giãn nước trên mặt nước là 3.600 tấn, lượng giãn nước dưới mặt nước gần 5.200 tấn, trang bị thiết bị động cơ AIP (được nghiên cứu chế tạo trên nền tảng động cơ Sterling của Thụy Điển), có thể tăng mạnh thời gian chạy liên tục dưới nước của tàu ngầm.

Theo các nguồn tin từ phương Tây, thiết bị động cơ AIP của Trung Quốc do viện nghiên cứu nước này bắt đầu nghiên cứu chế tạo từ năm 1996. Viện nghiên cứu này đã nắm được công nghệ động cơ Sterling của công ty Thụy Điển, đã đạt được bước tiến dài trên phương diện nghiên cứu thiết bị động cơ kiểu mới cho tàu ngầm nội địa.

Đồng thời, các chuyên gia của Đại học Kỹ thuật Hải quân Trung Quốc đã nghiên cứu chế tạo ra hệ thống máy phát điện 2 cuộn dây cho tàu ngầm thế hệ mới nội địa. Những công nghệ tiên tiến trên đều đã được ứng dụng trên tàu ngầm lớp Thanh.

Căn cứ tàu ngầm thông thường của Hải quân Trung Quốc.
Căn cứ tàu ngầm thông thường của Hải quân Trung Quốc.

Ngoài ra, chuyên gia hải quân nước ngoài còn rất quan tâm đến độ dài khác thường của tháp quan sát - tàu ngầm lớp Thanh, phát hiện nó tương tự tàu ngầm diesel 629 lớp Golf của Liên Xô.

Tàu ngầm lớp Golf ban đầu sử dụng 3 bộ thiết bị phóng tên lửa đạn đạo R-13 Type D-2, sau đó nâng cấp thành thiết bị phóng tên lửa đạn đạo R-21 Type D-4.

Đến nay, trong biên chế của Hải quân Trung Quốc còn có một chiếc tàu ngầm 629, được lắp ráp bởi các bộ kiện của Liên Xô ngay từ thời Khrushchev, hiện nay chủ yếu dùng để thử nghiệm mẫu mới vũ khí tên lửa trên biển.

Vì vậy, một số chuyên gia suy đoán, trên tàu ngầm lớp Thanh có thể cũng có giếng phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa JL-2, nhưng trên thực tế kích cỡ và trọng lượng của tên lửa JL tương đối lớn, cơ bản không thể trang bị cho tàu ngầm lớp Thanh.

Cũng có tin cho rằng, tàu ngầm kiểu mới của Trung Quốc có thể trang bị tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21D, loại tên lửa này có kích thước nhỏ, tầm phóng từ 1.500-2.000 km.

Nhưng, thông qua tin tức Pakistan tuyên bố chuẩn bị mua 6 tàu ngầm thông thường của Trung Quốc, mới thấy được rõ ràng những trang bị vũ khí chính của tàu ngầm lớp Thanh.

Các nguồn tin từ Pakistan tiết lộ, vũ khí chính của tàu ngầm lớp Thanh mà Pakistan có ý định mua sẽ là 3 quả tên lửa hành trình CJ-10K, tầm phóng hơn 1.500 km, lượng đầu đạn hạt nhân không lớn.

4 tàu ngầm lớp Thanh mà Hải quân Pakistan đặt mua sẽ được chế tạo tại Trung Quốc, 2 chiếc còn lại sẽ được chế tạo tại nhà máy đóng tàu Karachi của Pakistan, sử dụng bộ kiện của Trung Quốc, dưới sự hỗ trợ công nghệ của Trung Quốc.

Tàu ngầm thông thường kiểu mới của Hải quân Trung Quốc.
Tàu ngầm thông thường kiểu mới của Hải quân Trung Quốc.
Đông Bình (nguồn báo Hoàn Cầu)