Vụ học viên lớn tiếng cãi thầy:

PGS.TS Nguyễn Minh Thái:“Đình chỉ học viên cãi thầy là xứng đáng”

25/04/2012 14:30
Hoàng Lực
(GDVN) -"Việc lãnh đạo ĐH Bách Khoa đình chỉ học đối với học viên cãi lại thầy trên lớp là điều xứng đáng, bởi một giảng viên không thể không hiểu thế nào là nội quy...” – PGS.TS Nguyễn Minh Thái nhấn mạnh.

Xung quanh vụ việc Lê Trần Công, học viên lớp cao học SPKT (trường ĐH Bách khoa Hà Nội) có những lời lẽ không hay với thầy giáo trong tình trạng say rượu ngay trên lớp học, tòa soạn đã nhận được rất nhiều phản hồi, chia sẻ bày tỏ sự bức xúc của bạn đọc. 

Học viên Lê Trần Công (người đứng) có thái độ thiếu tôn trọng giảng viên ngay trên lớp học (Ảnh chụp từ clip).
Học viên Lê Trần Công (người đứng) có thái độ thiếu tôn trọng giảng viên ngay trên lớp học (Ảnh chụp từ clip).
Để độc giả có cái nhìn đã chiều, sâu hơn vấn đề này, PV báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Minh Thái (nguyên giảng viên Khoa Báo chí và Truyền thông, trường ĐH KHXH&NV – ĐHQGHN).

Khi xem xong clip và những phản hồi của độc giả, PGS.TS Minh Thái đã bày tỏ quan điểm, phản đối kịch liệt hành vi của học viên Lê Trần Công.
PGS.TS Nguyễn Minh Thái cho rằng: "Trong đoạn clip, anh ta có nói đóng tiền thì được học là nói càn, không chấp nhận được, anh ta phải bị đuổi học. Hơn nữa hành động đứng dậy đôi co và chỉ tay thẳng vào mặt thầy là thể hiện quá coi thường thầy".

PGS.TS Minh Thái cũng chia sẻ, lễ nghĩa thầy trò, truyền thống tôn sư trọng đạo là dạng thức chung giữa người dạy và người học không chỉ ở Việt Nam mà khắp mọi nơi trên thế giới. Người Việt Nam đều biết và nhớ câu:  “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy. Trong văn hóa phương Đông, tương quan các mối quan hệ gồm Trời – đất, cha – mẹ, âm – dương.

Trong nhân gian cao nhất là trời, rộng nhất là đất, điều đó ứng với công cha cao như trời nghĩa mẹ rộng lớn như đất. Một 3 ngày đầu tiên trong năm, ngoài cha mẹ thì thầy là người đáng kính hơn cả và chúng ta phải đến lễ thầy", PGS. TS Minh Thái nhấn mạnh.

Đó là đối với người học văn, còn với người học võ, PGS.TS Minh Thái cho rằng, trước tiên tân môn sinh phải được bố mẹ thân sinh đưa đến bái thầy.

Trong lễ bái sư phải có trầu, cau, nhang, đèn, gà, rượu lấy chữ thảo làm quan trọng. Khi  bái sư phải bái lậy 3 lậy như bái mẹ cha để xin học, vì  không chỉ võ nghệ mà cao hơn là học đạo từ thầy.

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Thái:  "Những câu chuyện đó để nhấn mạnh vai trò người thầy và lễ nghĩa thầy trò được nhân dân ta coi trọng như thế nào”. 

Nhìn vào câu chuyện học viên Công có thái độ với giảng viên như vậy PGS.TS Minh Thái nhấn mạnh: “Không phải anh đóng tiền rồi là anh có thể đến và anh thích làm gì thì làm, đi học phải có quy chế và người đi học phải chấp hành nghiêm chỉnh quy chế đó”.

PGS.TS Nguyễn Minh Thái bày tỏ sự bức xúc trước hành vi của học viên Công ( nguồn internet)
PGS.TS Nguyễn Minh Thái bày tỏ sự bức xúc trước hành vi của học viên Công ( nguồn internet)

Đưa ra chuyện học viên Lê Trần Công hiện cũng đang là giảng viên một trường cao đẳng, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái khẳng định: “Điều đó càng không thể chấp nhận được, nói chung anh ta không nên làm giảng viên nữa vì giảng viên còn không hiểu thế nào là nội quy lớp học nữa, dù chiếu vào bất cứ nội quy bất cứ quy định nào về học trò và giảng viên ở đâu cũng không chấp nhận được”.

Vừa nghiên cứu và tham gia giảng dạy hàng nghìn sinh viên mỗi năm, đồng thời hướng dẫn cho không ít cách nghiên cứu sinh, học viên cao học. Nhưng PGS.TS Nguyễn Minh Thái cũng cho hay, chưa bao giờ bà gặp một học viên say rượu khi đến lớp hay chỉ tay cãi lại mặt thầy như học viên trong clip trên.

Trong giả định nếu gặp học viên như thế PGS.TS Minh Thái cho rằng, bà sẽ không còn có đủ đam mê để giảng dạy. Bởi theo cô lên lớp truyền dạy kiến thức không chỉ là trách nhiệm mà còn là đam mê, là niềm vui. Nhưng niềm đam mê ấy chỉ có thể có khi học trò tiếp nhận, tham gia bài giảng chứ không phải “ làm càn” ngang nhiên cãi lại như vậy.

PGS.TS Nguyễn Minh Thái cũng khẳng đinh anh học viên trong clip cãi lời thầy với thái độ như vậy nghĩa là xúc phạm thầy, xúc phạm chính công việc của mình là một nhà giáo. “Như thế là nói càn, không có sơ sở nào để chấp nhận, đạo đức nghề nghiệp là không có”, PGS.TS Minh Thái nhận định.

Đồng thời PGS.TS Minh Thái cũng đánh giá: "Có lẽ từ trước đến nay giáo dục nước ta mới có một câu chuyện hy hữu như vậy và đó là câu chuyện buồn về đạo đức, tư cách của người học trò".

Hoàng Lực