Phải đưa các quái xế vào 'trung tâm cai nghiện cộng đồng'

19/03/2012 06:53
Độc giả Nguyễn Văn Toàn/Vnexpress
Để đối phó với hiện tượng phạm pháp này, các cơ quan chuyên trách về ATGT đã áp dụng nhiều biện pháp để vãn hồi trật tự.
Nên tách các “quái xế” ra khỏi “vật gây nghiện” và những “bạn nghiện” của họ. Điều này không những là sự bảo vệ cần thiết cho tính mạng, thân thể của họ mà còn tạo điều kiện cho họ tái hòa nhập cuộc sống sau này.
Hiện tượng đua xe trái phép đã nở rộ ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác ở nước ta. Những “quái xế” và các băng nhóm “đi bão” khiến người tham gia giao thông và các cư dân “vùng bão” hết sức lo sợ và bức xúc.

Và trên thực tế đua xe trái phép đã trở thành một trong những nguyên nhân khiến tai nạn giao thông đường bộ Việt Nam tăng đột biến trong mấy năm trở lại đây.



Hiện tượng đua xe trái phép đã nở rộ ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác ở nước ta.
Hiện tượng đua xe trái phép đã nở rộ ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác ở nước ta.


Để đối phó với hiện tượng phạm pháp này, các cơ quan chuyên trách về ATGT đã áp dụng nhiều biện pháp để vãn hồi trật tự. Song cho đến nay, số lượng và mức độ manh động của các “quái xế” vẫn không hề suy giảm. Thậm chí theo điều tra của các cơ quan an ninh, các “tay đua tốc độ” đã “bám rễ” rất bền vững trên nhiều xa lộ.

Những cuộc đua sai trái

Các cuộc đua chỉ có giá trị khi nó nhằm mục đích phát triển hài hòa nhu cầu bản thân trong mối quan hệ lợi ích cộng đồng của toàn thể xã hội. Vào thời nguyên thủy, những thợ săn bộ lạc đã được tôi luyện từ nhỏ về tốc độ nhằm chạy đua với con mồi và trốn tránh thú dữ, kẻ thù.

Đây chính là cuộc đua để sinh tồn của cả nhân loại vào buổi bình minh lịch sử. Đến thời cổ đại, khi xảy ra chiến tranh giữa các quốc gia, để chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc, người lính cần phải có sức khỏe để tham gia các cuộc viễn chinh dài ngày.

Điển hình là chiến binh Pheidippides chạy không ngừng nghỉ từ cánh đồng Marathon (thị trấn Marathon) tới thành Athena (dài 42.195 km) để báo tin thắng trận.

Một vụ tai nạn do "quái xế" gây ra.
Một vụ tai nạn do "quái xế" gây ra.


Tiếp nữa, khi con người bắt đầu sử dụng những phương tiện đi lại thì các cuộc đua như “24 Hours of le Mans” (giải đua xe lâu đời nhất thế giới), “Tour de Farce” (giải đua xe đạp nổi tiếng của nước Pháp)… mang tính thể thao vào màu cờ sắc áo rất sâu sắc.

Ngược lại với những tranh đua đầy tính bổn phận đó, hành vi đua xe của các “yêng hùng” ở Việt Nam không chỉ bị pháp luật nghiêm cấm mà còn đi ngược lại ý nguyện của toàn thể xã hội, mà trực tiếp là bậc sinh thành.
Tự hại mình và hại người

So với xác suất tử vong do không đội mũ bảo hiểm, uống rượu bia khi tham gia giao thông thì xác suất bị thiệt mạng khi tham gia đua xe là lớn hơn rất nhiều. Những hành vi như đánh võng, lạng lách, chạy bằng một bánh, chạy bằng chân hay tháo một bộ phận an toàn nào đó (thắng xe) ra chạy… đều có thể gây ra các tai nạn giao thông cực kỳ nghiêm trọng.

Và nếu may vì… không chết hay tàn tật vì tai nạn giao thông, thì việc tham gia các băng nhóm đua xe trái phép cũng sẽ khiến các “quái xế” tự đánh mất đi khả năng phát triển nhân cách của chính bản thân mình.

Bởi khi chỉ thích vui chơi, nhập hội với những bạn bè cùng “đẳng cấp”, cùng “chịu chơi” thì các “quái xế” sẽ không còn cơ hội thiết lập những mối quan hệ cần thiết.

Và tất nhiên, ngoại trừ những lời khen mang tính khích tướng đến từ những kẻ “cùng hội cùng thuyền” thì chẳng có ai thực sự quý trọng, kính mến những tay “quái xế” coi trời bằng vung và xem thường mạng sống này cả.

Chẳng lẽ chỉ vì thể hiện đẳng cấp “đi bão” của mình cho thiên hạ “lác mắt” mà các “quái xế” đã trở thành những “những kẻ không khác gì giết người”? Nếu đây là nhận thức của một bộ phận thế hệ trẻ đất nước thì quả thật là quá kinh hoàng và cần ngăn chặn.

Chống đua xe bằng liệu pháp gì?

Đa phần “quái xế” đều trong độ tuổi thanh thiếu niên. Nhận thức của họ vì thế mới dễ méo mó. Để đua đòi cho “bằng bạn bằng bè” hay chỉ là sự thách thức ấu trĩ cũng khiến cho những cậu ấm cô chiêu lầm đường lỡ bước. Và do đó, công tác tuyên truyền và cảm hóa để hoàn lương các “quái xế” là rất quan trọng.

Chính cha ông ta cũng thường nói rằng: “Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời”. Phải chăng, đây chính là mấu chốt để chúng ta giải quyết vấn nạn này?

Đầu tiên, CSGT không nên đợi đến tháng cao điểm ATGT mới đồng loạt ra quân truy quét các tuyến đường “nóng”. Vì nếu để các “quái xế” nắm được quy luật thì nạn đua xe “tốc độ” nhất định sẽ bùng phát trở lại ngay sau khi CSGT rút đi.

Ngược lại, các cơ quan phụ trách ATGT nên lập những điểm kiểm soát giao thông và truy quét thường xuyên để “làm trắng” những tụ điểm tụ tập các băng nhóm đua xe trái phép. Đây chính là biện pháp nhằm tước đi “cơ hội” và “điều kiện” đua xe của các nhóm “quái xế”.

Hai là, các CSGT không nên cứ mãi xử phạt hành chính hay thu giữ xe, lập biên bản vi phạm đối với các “quái xế”. Vì đối với các cậu ấm cô chiêu đã quen giải quyết mọi vấn đề bằng… tiền (hay nhiều tiền, và thật nhiều tiền) hay “có thân có thế” thì biện pháp này càng làm cho họ “nhờn luật”.

Nếu liên hệ đến các video clip tát CSGT, hành hung CSGT thì chúng ta lại thấy rõ ràng hơn tình trạng đáng sầu buồn này. Do đó, cơ quan CSGT cần có những chế tài nghiêm minh hơn. Chẳng hạn, cần cấm đi xe máy hay đưa vào trung tâm cai nghiện cộng đồng đối với những “quái xế” đã có những vi phạm ATGT nghiêm trọng.

Thiết nghĩ, biện pháp trên chính là đã tách các “quái xế” ra khỏi “vật gây nghiện” và những “bạn nghiện” của họ. Điều này không những là sự bảo vệ cần thiết cho tính mạng, thân thể của các “quái xế” mà còn tạo điều kiện cho họ tái hòa nhập cuộc sống sau này một cách lành mạnh và bền vững.
Độc giả Nguyễn Văn Toàn/Vnexpress