Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Phận gái "tàu nhanh" ở "tiểu Sài Gòn" giữa biển Tây Nam (Kỳ 1)

29/08/2012 07:15
Nguyễn Minh
(GDVN) - Giá cả trên trời, ăn chơi "xé gió"...đảo Thổ Châu (Kiên Giang) được xem như một "tiểu Sài Gòn" giữa biển Tây Nam.
Đến đảo Phú Quốc (Kiên Giang), nghe lời rủ rê của K., chủ một con tàu thu mua hải sản, tôi xuống tàu ra đảo Thổ Châu cách đó hơn 150 km để "mục sở thị" đội ngũ gái "tàu nhanh".

"Tiểu" Sài Gòn giữa trùng khơi

Trên đường ra đảo, K., tranh thủ "trích ngang" cho tôi  “lý lịch” của đảo, quá trình hình thành, cách hoạt động của đội ngũ "tàu nhanh" trên đảo. Theo K., Thổ Châu là hòn đảo nằm cách đất liền xa nhất ở biển Tây Nam. Cách thành phố Rạch Giá - tỉnh lỵ của tỉnh Kiên Giang khoảng 200 km.

Về phương diện hành chính, đảo Thổ Châu là đơn vị cấp xã và thuộc sự quản lý của huyện Phú Quốc. Trước đây, cuộc sống của người dân trên đảo diễn ra khá yên bình với nghề chài lưới. Tuy nhiên, trong vòng hơn chục năm trở lại đây, khi mà nghề đánh bắt hải sản xa bờ, hậu cần nghề cá phát triển mạnh, đảo Thổ Châu đã biến trở thành một trạm dừng chân nhộn nhịp.

Chợ búa, hàng quán mọc lên ngày càng nhiều để phục vụ cho đội quân ngư phủ thường xuyên ghé qua đây. Theo những chuyến tàu hậu cần, một số gái bia ôm "hết đát" ở đất liền dạt ra đảo làm phận "tàu nhanh" (tức gái bia ôm kiêm bán dâm - PV). Từ chỉ một vài "mạng" cách đây vài năm, đến nay con số này tại đảo đã lên đến gần 2 chục.

Một góc "tiểu Sài Gòn"
Một góc "tiểu Sài Gòn"
Trời chạng vạng cũng là lúc con tàu gỗ của K. cập bến Bãi Dong. Băng qua khu chợ tạm ọp ẹp, tanh nồng mùi cá chết, K dẫn tôi ghé vào quán karaoke của bà chủ tên T. - nơi có vài người bạn của K đang ngồi sẵn. Gọi là "quán karaoke" cho sang chứ thật ra đó chỉ là một căn chòi tạm bợ làm bằng gỗ tạp, vách lá. 

Phía trong cùng, bà T cho bố trí một màn hình tivi cũ, một đầu karaoke và một chiếc micro... cũ không kém. Thấy có khách đến, 4 cô gái tầm trên dưới 30 tuổi, ăn mặc "thừa da thiếu vải" cũng vội bước vào. Chiếc bàn tròn gỗ giống như cái mà quê tôi vẫn hay dùng đãi khách mỗi khi giỗ chạp được các cô kéo ra giữa phòng. Một thùng bia, một đĩa trái cây được bà chủ sai "lính" mang ra bàn mà không cần hỏi khách có dùng hay không. 

Thấy tôi chuẩn bị "giương mắt ếch" thắc mắc, bà chủ quán cười hè hè: "Anh là khách lạ nên không biết đó thôi, mấy anh này là khách mối nên tui hiểu gu hết trơn. Anh K. này chỉ thích đơn giản, bia trái cây và ....con Hoa là đủ rồi".  “Thế giá cả ở đây chắc cũng không đến nỗi?”, tôi hỏi tiếp. “ Rẻ mục anh ơi, một thùng Tigers ở đây tụi em tính có 7 trăm ngàn đồng, một giờ karaoke 300 ngàn đồng, trái cây lặt vạt mỗi thứ tầm trăm rưỡi… tiền “nuôi” em út thì tùy lòng hảo tâm của mấy anh”, bà chủ quán nói tiếp.

Dứt lời, bà chủ quán đi ra, chiếc màn vải đen nhẻm dùng làm "bình phong" giấu khách được kéo lại. Một “tiểu Sài Gòn” theo như cách nói của K trước khi đến đây, bắt đầu

Chốn dung thân của “gái hết thời”

Ngồi cạnh tôi là một cô gái có dáng người  khá “phì nhiêu”. Sau vài ly bia làm quen, cô giới thiệu mình tên Thúy, năm nay 27 tuổi, quê ở Trà Vinh, có một con gái 10 tuổi và đã ly dị. Khi biết tôi từ Sài Gòn ra, Thúy bảo, trước đây cô làm phục vụ cho một nhà hàng ở quận 7, mỗi tháng kiếm được khoảng 2 triệu, không đủ sống.

Làm được 2 năm, theo lời giới thiệu của người bạn cô dạt sang quận 8 làm cho một quán “kê nhiều hơn ca” trên đường Âu Dương Lân. Làm ở đây khá hơn nhưng với cô, thu nhập vẫn không… đủ sống. Chán, cô bỏ về quê sống với “ông chồng suốt ngày say xỉn”. Lại chán, Thúy ly dị và ôm con về sống với cha mẹ ruột. Cách đây khoảng năm tháng, gặp Hoa – người mà anh bạn K của tôi mê như điếu đổ, Thúy quyết định gửi con cho mẹ ruột nuôi giúp và xuống tàu ra đây.

Thấy tôi có vẻ đồng cảm, Thúy cho biết thêm, cũng giống như hầu hết các quán bia ôm ở Sài Gòn, những người làm việc ở đây đều không có lương. Nguồn sống duy nhất của các cô là tiền boa của khách. “Thế trung bình mỗi tháng em thu nhập bao nhiêu?” – tôi hỏi. “Cũng tùy tháng, tháng nào tàu đánh cá ghé nhiều, mỗi ngày tiếp khoảng 3 – 4 bàn thì được tầm 5 – 6 triệu. Tuy nhiên, đó là mùa biển lặng chứ mùa biển động thì … mấy chị em suốt ngày ngồi “ngáp gió” là chính”.

Bị "dạt" ở đất liền, các cô ra đảo làm phận "tàu nhanh" (Ảnh minh họa)
Bị "dạt" ở đất liền, các cô ra đảo làm phận "tàu nhanh" (Ảnh minh họa)
Sau dấu hiệu “thay người”, K chuyển Hoa sang ngồi cạnh tôi. Có vẻ như đã thấm bia nên Hoa rất tâm trạng khi kể về đời mình. Cô gái này cho biết, mình quê gốc ở Vĩnh Long, ba mẹ ly dị từ khi cô còn bé tí ti. Năm 14 tuổi, cô lên Sài Gòn sống cùng ông bà nội ở quận Tân Phú. Nhưng cũng chỉ được vài tháng, không chịu nổi sự gò bó của ông bà nên cô bỏ nhà ra ngoài ở riêng cùng nhóm bạn.

Năm 15 tuổi, cô theo người chị họ cùng quê phụ bán cà phê trên đường Lê Trọng Tấn (Q. Tân Phú). Gần chỗ Hoa bán có một quán Karaoke ôm nên mỗi lần thiếu đào, bà chủ hay gọi Hoa vào phục vụ thay. Được vài lần, thấy “ngon ăn” nên Hoa quyết định chuyển hẳn sang làm “biên chế” cho quán karaoke.

Cách đây hơn năm, giận bạn trai, Hoa quyết tâm về quê làm lại cuộc đời. Về đến quê, nghe tin mẹ đang làm gia công  mực tươi ở đảo Thổ Châu, Hoa nhảy tàu ra phụ mẹ. Làm mực được một thời gian, tay chân Hoa phồng rộp vì không chịu được nước. Hoa bỏ hẳn, chuyển sang quán bia này làm. Hoa bảo, giá cả sinh hoạt ở đây đắt đỏ lắm, một căn phòng trọ bé xíu cũng đã 1,5 triệu đồng tháng, nước 150 đồng khối…Làm mực cao lắm khoảng 70 ngàn/ ngày, không thể nào kham nổi.

Khi nghe tôi đề cặp đến những người bạn của mình, Hoa cho biết thêm: “Ở đảo này những người làm nghề như cô dao động khoảng trên dưới 20. Người ngày càng đông mà khách ngày càng thưa nên khó sống lắm anh ạ!”. “Thế các em vẫn sống đấy?”. “Đó là nhờ tụi em “tăng ca”. Hỏi thêm, Hoa ậm ừ bảo, nếu muốn biết thì sau khi hết ca (khoảng 10 giờ đêm – PV) hãy “alô” cho cô…

Còn nữa…

Nguyễn Minh