Phạt nặng ODB online kinh doanh hàng hóa nhập lậu

11/11/2017 06:38
Phương Duy
(GDVN) - OBD bị xử phạt 21,2 triệu đồng vì kinh doanh hàng hóa nhập lậu và thiết lập website thương mại điện tử bán hàng không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có bài phản ánh tại bài viết ‘OBD Online "treo đầu dê bán thịt chó", cò quay khách hàng’ đăng ngày 8/11.  

Sau khi thông tin được đăng tải, các cơ quan chức năng của Hà Nội đã vào cuộc làm rõ nguồn gốc xuất xứ của các loại hàng hóa mà OBD online bán ra.

Chiều 10/11, ông Vũ Văn Trường - Phó Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 13 (Chi Cục quản lý thị trường Hà Nội) cho biết: “Ngay sau khi báo thông tin và phản ánh, ngày 9/11 Đội quản lý thị trường số 13 đã cử Tổ công tác số 3 phối hợp với cán bộ công an phường Yên Hòa kiểm tra cơ sở kinh doanh OBD online có địa chỉ số 1 Dương Đình Nghệ (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội)”.

Theo thông tin từ Đội quản lý thị trường số 13, cơ sở kinh doanh OBD online thuộc sở hữu của Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu công nghệ ô tô OBD Việt Nam.

Cơ sở kinh doanh có hàng nhập lậu ODB online vẫn hoạt động sau khi bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt. Ảnh: P.D
Cơ sở kinh doanh có hàng nhập lậu ODB online vẫn hoạt động sau khi bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt. Ảnh: P.D

Ông Vũ Văn Trường – Phó Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 13 thông tin: “Kết quả kiểm tra cho thấy công ty này vi phạm hai hành vi. Thứ nhất, công ty này kinh doanh hàng hóa nhập lậu (hành vi này bị xử phạt 1,2 đồng; thứ hai, công ty này thiết lập website thương mại điện tử bán hàng không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước (hành vi này bị xử phạt 20 triệu đồng).

Tổng số tiền xử phạt hai hành vi này là 21,2 triệu đồng. Số tiền hàng hóa nhập lậu bị lập biên bản và tịch thu là trên 4 triệu đồng”.

Như vậy, đúng như những gì độc giả phản ánh và xác minh của phóng viên, một số hàng hóa của cơ sở kinh doanh OBD online có nhiều dấu hiệu bán hàng kém chất lượng, xuất xứ không rõ ràng.

Như sản phẩm đèn led cảnh báo mở cửa màu Led đỏ mà độc giả mua được cơ quan chức năng xác nhận là hàng lậu. 

Theo xác minh của phóng viên trước đó, cửa hàng này cũng quảng cáo bán rất nhiều sản phẩm nội thất, đèn chiếu sáng ô tô, camera hành trình… với biểu hiện hàng hóa không có nhãn mác rõ ràng, thiếu trung thực tương tự.

Đèn led cảnh báo mở cửa anh K. mua với giá 298 ngàn đồng không lắp đặt được là hàng nhập lậu. Ảnh: NVCC
Đèn led cảnh báo mở cửa anh K. mua với giá 298 ngàn đồng không lắp đặt được là hàng nhập lậu. Ảnh: NVCC

Trước đó, anh K. đã phản ánh đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về việc mua phải hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, tiền mất mà mua bực vào người vì hàng mua về không lắp đặt được mà còn bị cơ sở kinh doanh thách thức và đe dọa.

Theo đó, anh K. cho biết: “Vì mong muốn đảm bảo an toàn cho mình và cho người đi đường, ngày 19/10 tôi có mua một cặp đèn led cảnh báo mở cửa ô tô màu đỏ có giá 298 ngàn đồng của cửa hàng OBD online có địa chỉ tại số 1 đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.

Theo quảng cáo của nhân viên bán hàng, sản phẩm rất thông dụng và khách hàng có thể tự lắp đặt được.

Nhưng không như những gì cửa hàng này quảng cáo, tôi mua về không thể lắp được và đã mang sản phẩm đến cửa hàng để nhân viên kỹ thuật lắp đặt. Tại đây, nhân viên kỹ thuật mất gần 2 giờ đồng hồ cũng không lắp được.

Dù vậy, phía cửa hàng không thu lại hàng, trả lại tiền mà đề nghị tôi cứ mang hàng không dùng được về, sẽ có nhân viên liên lạc lại. Một ngày sau, có nhân viên của OBD gọi và nói đã biết hàng không dùng được, đề nghị chọn sản phẩm khác. Tôi đồng ý và hai bên đã chọn được sản phẩm thay thế.

Nhưng cả tuần sau, không thấy OBD liên lạc lại, tôi lại phải nhấc máy gọi. Nhân viên nhận thoại nói chưa tìm thấy hàng để đổi nên chờ tiếp.

Một tuần sau, OBD tiếp tục im lặng, tôi gọi lại thì nhân viên bán hàng thay đổi thái độ, gằn giọng cho biết không tìm được hàng để đổi.

Đến đây thì quy trình hành hạ khách bắt đầu.

Theo nhân viên này, khách muốn trả hàng thì mang hàng qua cửa hàng. Họ sẽ xem xét, bao giờ được duyệt trả lại thì đến mà lấy tiền.

Họ có thể chuyển khoản, nhưng khách không có tài khoản ngân hàng thì đi hỏi ai mà nhờ. Như vậy, tôi sẽ phải chờ đến khi nào giám đốc của họ duyệt và đi lại thêm 2 lần nữa đến cửa hàng của họ để lấy lại tiền của mình.

Tôi không đồng ý với cách làm này, bởi khi mua hàng, tôi đã thanh toán tiền mặt đầy đủ, sòng phẳng, tôi đề nghị họ trả lại cũng bằng phương thức ấy.

Tôi sẵn sàng linh động, đến tận nơi để trả hàng, nhưng không thể đến thêm lần nữa chỉ để lấy lại tiền của mình. Nhân viên bán hàng không đồng ý, nói tôi muốn làm gì thì làm, họ chỉ có thế thôi, quy định rồi".

Phạt nặng ODB online kinh doanh hàng hóa nhập lậu ảnh 3

OBD Online "treo đầu dê bán thịt chó", cò quay khách hàng

Như vậy, có thể thấy cách làm ăn chộp giật, kinh doanh theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”, quảng cáo một đằng, hàng hóa một nẻo như OBD online đã khiến người tiêu dùng sập bẫy. Đến khi lợi ích của khách hàng bị xâm hại, khách hàng phản ánh, đòi quyền lợi chính đáng thì bị cửa hàng thách thức và đe dọa.

Đáng nói, cơ quan Quản lý thị trường chịu trách nhiệm, nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại ở thị trường trong nước. Địa bàn quận Cầu Giấy thuộc trách nhiệm của Đội quản lý thị trường số 13.

Trong vụ việc này khi lợi ích của người dân, khách hàng bị xâm hại thì Đội quản lý thị trường số 13 (Chi cục quản lý thị trường Hà Nội) mới vào cuộc sau khi báo chí phản ánh và cung cấp thông tin.

Đội quản lý thị trường số 13 như vậy là chưa làm tròn trách nhiệm, chủ động đấu tranh với hàng hóa nhập lậu, hoàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn mình quản lý.

Phương Duy