“Philippines sẽ không thể làm thay đổi cán cân sức mạnh Biển Đông”

08/09/2014 09:12
Đông Bình
(GDVN) - Doãn Trác tự tin với sức mạnh quân sự của Trung Quốc, ra sức chê bai Philippines, cho dù Philippines được Mỹ, Nhật Bản hỗ trợ đối phó Trung Quốc.
Máy bay trực thăng UH-1H của Không quân Philippines (ảnh minh họa)
Máy bay trực thăng UH-1H của Không quân Philippines (ảnh minh họa)

Vào ngày 3 tháng 9, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Philippines Catapang - người mới nhậm chức cách đây không lâu, trả lời báo chí cho biết, hiện trạng Trung Quốc-Philippines giống như một "cuộc đấu quyền anh giữa người khổng lồ với người lùn". Ông nói, đối mặt với Trung Quốc mạnh, Philippines đang tích cực tăng cường xây dựng quân sự.

Philippines cũng quả thực đang làm như vậy. Tháng 7 năm 2014, Tổng thống Philippines Benigno Aquino từng cho biết, năm 2014 Philippines sẽ nhận được 8 máy bay trực thăng thông dụng và 8 máy bay tuần tra tầm xa, đồng thời vào năm 2015 sẽ còn được bàn giao 2 trong số 12 máy bay chiến đấu FA-50 mua của Hàn Quốc.

Ngoài ra, đến trước năm 2017, Philippines sẽ còn mua sắm 3 tàu hộ vệ, tổng số lượng đạt 6 chiếc. Quân đội còn có kế hoạch tăng số lượng phi đội máy bay quân sự từ 1 lên 3, đồng thời lắp hệ thống radar cảnh báo sớm và pháo phòng không trên phạm vi toàn quốc.

Tổng tham mưu trưởng Quân đội Philippines Catapang còn đang nỗ lực giành lấy sự phê chuẩn của các nhà lập pháp, đầu tư khoảng 10 tỷ USD mua sắm máy bay chiến đấu và tàu chiến, đến năm 2028 xây dựng một "lực lượng vũ trang cấp thế giới".

Theo bình luận của 1 bài báo được tờ Nhân Dân của TQ đăng tải, nghe ra, quân bị của Philippines đang được tăng cường nhanh chóng, phát triển theo hướng "cấp thế giới", như vậy, hiện nay, sức mạnh quốc phòng của Philippines rốt cuộc như thế nào? Đạt "cấp thế giới"?

Không quân Philippines đặt mua 12 máy bay tấn công-huấn luyện FA-50 của Hàn Quốc (ảnh minh họa)
Không quân Philippines đặt mua 12 máy bay tấn công-huấn luyện FA-50 của Hàn Quốc (ảnh minh họa)

Căn cứ vào số liệu trên Wikipedia, binh lực hiện có của Philippines khoảng 110.000 quân. Trong đó, Lục quân Philippines có số lượng đông nhất - 66.000 quân, trang bị trên 30 xe tăng và trên 300 xe chở quân bọc thép. Đối thủ chính là lực lượng ly khai vũ trang ở miền nam.

Hải quân Philippines có 3 tàu khu trục, 10 tàu hộ vệ nhỏ, 13 tàu tuần tra và 60 tàu đổ bộ. Cơ bản đều là quân bị đào thải của Quân đội Mỹ. Hải quân Philippines trong tương lai còn có kế hoạch đầu tư 11,6 tỷ USD để mua 3 tàu ngầm động cơ thông thường, 6 tàu hộ vệ và 12 tàu tuần dương.

So với hải quân "yếu đuối" Philippines, Không quân Philippines càng đơn giản, chỉ có 2 phi đội máy bay chiến đấu trang bị máy bay chiến đấu F-5, loại máy bay đi vào hoạt động từ thập niên 60 của thế kỷ trước. 2 năm qua Philippines luôn muốn mua máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ, nhưng hiện vẫn chưa có kết quả.

Như vậy, trình độ trang bị của Philippines còn ở thế kỷ trước, Quân đội Philippines chẳng có chút gì gọi là "cấp thế giới". Trọng điểm nhiệm vụ hiện nay của Quân đội Philippines vẫn là ứng phó với thế lực ly khai và mối đe dọa khủng bố ở trong nước. Nhưng, sự phát triển của Quân đội Philippines trong tương lai sẽ chuyển hướng sang khu vực Biển Đông?

Philippines mua 8 máy bay trực thăng W3A Sokol của Ban Lan (ảnh minh họa)
Philippines mua 8 máy bay trực thăng W3A Sokol của Ban Lan (ảnh minh họa)

Chuyên gia Trung Quốc Doãn Trác cho rằng, Philippines hiện đang tăng cường xây dựng hải quân với 2 mục tiêu: Mục tiêu truyền thống chính là cùng Quân đội Mỹ ngăn chặn sự bành trướng của thế lực cực đoan ở miền nam, đây là thách thức to lớn đối với chủ quyền, an ninh và ổn định của Philippines.

Vì vậy, lực lượng đánh bộ thường trú của Quân đội Mỹ một mặt làm sĩ quan huấn luyện, mặt khác hiệp đồng tác chiến với Philippines, tiêu diệt những lực lượng vũ trang này.

Một phương hướng khác trong xây dựng hải quân của Philippines chính là hướng Biển Đông, chủ yếu ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), đồng thời tiếp tục mở rộng phạm vi kiểm soát biển, đang hiệp đồng với Mỹ và Nhật Bản.

Nhật Bản và Mỹ đang trợ giúp xây dựng Hải quân Philippines, Mỹ một là hỗ trợ một chút kinh phí, hiện nay Mỹ không có khả năng cấp nhiều, nhưng cung cấp một số tàu chiến cũ, gồm 2 tàu tuần tra trên biển hơn 3.000 tấn.

Ngoài ra, Philippines cũng chi tiền lớn, 100 triệu - 1 tỷ USD để tăng cường khả năng tuần tra trên biển và trên không, nhưng tiếp tục tăng cường thì Philippines cũng không thể làm thay đổi cán cân sức mạnh của Biển Đông.

Ngoài ra, theo bài báo, (Trung Quốc) cũng cần cảnh giác với ý đồ lôi kéo Philippines chống lại Trung Quốc của Nhật Bản. Tháng 6 năm 2014, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã tổ chức cuộc gặp cấp cao với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ở Tokyo, ông Shinzo Abe cho biết sẽ cung cấp 10 tàu tuần tra trên biển cho Philippines, Philippines cũng cho biết ủng hộ những nỗ lực thúc đẩy dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể của Chính phủ Nhật Bản.

Tàu tuần tra BRP Gregorio del Pilar lớp Hamilton của Hải quân Philippines (ảnh minh họa)
Tàu tuần tra BRP Gregorio del Pilar lớp Hamilton của Hải quân Philippines (ảnh minh họa)

Truyền thông Philippines tiết lộ, 3 tàu tuần tra Nhật Bản sẽ bàn giao cho Philippines trong năm 2014, 7 chiếc còn lại sẽ bàn giao cho Philippines vào đầu năm 2016.

Bài báo còn cho biết, ông Shinzo Abe có kế hoạch bắt chước hiệp định quân sự mới giữa Mỹ với Philippines, sau khi dỡ bỏ quyền tự vệ tập thể, ký kết hiệp định hợp tác bảo đảm an ninh giữa Nhật Bản-Philippines.

Nhật Bản sẽ cho hỗ trợ quân sự thực sự cho Philippines? Đối với vấn đề này, Doãn Trác cho rằng, ông Benigno Aquino và Shinzo Abe về chính trị đã đạt được nhất trí, Nhật Bản ủng hộ Benigno Aquino, ủng hộ sự kiểm soát của Philippines đối với Biển Đông, muốn "làm nóng" ở Biển Đông, có thể chia sẻ một phần áp lực của Nhật Bản ở biển Hoa Đông, cho nên ông Shinzo Abe đã có tính toán này.

Vì vậy, Philippines có thể nhận được 2 - 3 tàu tuần tra trong năm 2014, những tàu tuần tra này có lượng giãn nước từ khoảng vài trăm tấn đến 1.000 tấn, nhưng hỏa lực không mạnh lắm. Chúng có thể làm "ngư chính" chấp pháp trên biển, nhưng rất khó làm lực lượng tác chiến trên biển.

Nhật Bản cũng không phải kẻ ngốc khi bán trang bị tác chiến cho Philippines. Hiện nay, Nhật Bản thách thức "chủ quyền" của Trung Quốc ở Biển Đông, đây là phương châm cụ thể của họ.

Tàu hộ vệ BRP Ramon Alcaraz lớp Hamilton của Hải quân Philippines (ảnh minh họa)
Tàu hộ vệ BRP Ramon Alcaraz lớp Hamilton của Hải quân Philippines (ảnh minh họa)

Nhật Bản hy vọng thông qua chi viện cho Philippines, tăng cường khả năng chống chọi cho Philippines, bao gồm ủng hộ về chính trị, ngoại giao và quân sự, giúp Philippines có dũng khí hơn hành động ở Biển Đông. Doãn Trác cho rằng, Mỹ và Nhật Bản đang lợi dụng vấn đề chủ quyền, làm chậm sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.

Ngoài ra, khi thách thức "chủ quyền" của Trung Quốc, tại các hội nghị đa phương, Nhật Bản liên tục đưa ra vấn đề an ninh, tự do hàng hải ở Biển Đông để thảo luận, đây là "thủ đoạn ngoại giao" trong mấy năm qua của Nhật Bản. Nhật Bản vừa muốn phối hợp vừa muốn lôi kéo Philippines - đây cũng là một phần trong sách lược chung của Nhật Bản.

Philippines liên tiếp có các động thái nhỏ ở Biển Đông, sẽ gây ảnh hưởng tới cân bằng sức mạnh ở Biển Đông hiện nay? Đối với vấn đề này, Doãn Trác cho rằng, Philippines là một trong những nước nhỏ yếu của ASEAN, mục tiêu của ông Benigno Aquino là để bản thân ngồi lâu hơn ở ghế Tổng thống.

Philippines tiến hành đầu tư "biến tướng", đầu tư trên biển kém nhất trong các nước ASEAN, đồng thời trang bị mua sắm của Philippines cũng đều không phải là trang bị tinh vi.

Cho đến nay, mặc dù trải qua một thời gian dài xây dựng, nhưng Philippines hiện vẫn là quốc gia ASEAN duy nhất hiện không có tên lửa, tấn công đường không và trên biển của Philippines đều sử dụng pháo, chứ không sử dụng tên lửa.

Quân đội Mỹ-Philippines trong một cuộc tập trận đột kích đổ bộ trên Biển Đông vào ngày 9 tháng 5 năm 2014 (ảnh minh họa)
Quân đội Mỹ-Philippines trong một cuộc tập trận đột kích đổ bộ trên Biển Đông vào ngày 9 tháng 5 năm 2014 (ảnh minh họa)

Đương nhiên, Hải quân Philippines cũng kém nhất trong các nước ASEAN. Hiện nay, Philippines cơ bản tiếp tục lấy lý do "tranh chấp" với Trung Quốc ở Biển Đông, muốn tăng cường xây dựng hải quân.

Bài báo cho rằng, trên thực tế, đây là “nhu cầu nội bộ” của Philippines, ông Benigno Aquino muốn cải thiện quan hệ với quân đội, gia tăng đầu tư cho quân đội để sửa đổi Hiến pháp, tiếp tục cầm quyền, điều này có thành công hay không vẫn là một câu hỏi lớn.

Nhưng, ông Benigno Aquino trước hết muốn giành được sự ủng hộ của quân đội, trong mấy năm qua không tiếc đầu tư cho quân đội, đây là một trong những chính sách chủ yếu phục vụ cho công việc nội bộ của ông.

Đông Bình