Quan chức Thái Lan: TQ "đi cửa sau" về biển Đông sẽ phản tác dụng

20/07/2012 13:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Bangkok dường như có xu hướng khuyến khích các bên tranh chấp chủ quyền trên biển Đông “đàm phán tay đôi” với nhau

Bắt đầu từ 25/7 này Thái Lan sẽ chính thức giữ vai trò điều phối quan hệ ASEAN – Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng trên biển Đông liên tục gia tăng suốt từ 10/4 vừa qua sau những tuyên bố và động thái leo thang trên thực địa của Bắc Kinh bất chấp mọi công luận, nguyên tắc luật pháp quốc tế.

Ngoại trưởng Indonesia gặp người đồng cấp Campuchia trong một nỗ lực không mệt mỏi nhằm hàn gắn rạn nứt trong ASEAN về vấn đề biển Đông
Ngoại trưởng Indonesia gặp người đồng cấp Campuchia trong một nỗ lực không mệt mỏi nhằm hàn gắn rạn nứt trong ASEAN về vấn đề biển Đông

ASEAN đã cho thấy một sự lúng túng trong việc tìm ra tiếng nói chung về vấn đề biển Đông sau khi hội nghị Ngoại trưởng ASEAN vừa kết thúc mà không đưa ra được tuyên bố chung, mặc dù trước đó đã thống nhất được các nội dung cơ bản của Quy chế ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) để chuẩn bị đàm phán với Trung Quốc.

Sự đổ vỡ đó dấy lên một làn sóng phản ứng khá mạnh của các quốc gia thành viên khối ASEAN khi Campuchia với vai trò Chủ tịch luân phiên khối đã không tôn trọng ý kiến chung của số đông về việc đưa vấn đề tranh chấp lãnh hải biển Đông vào tuyên bố chung của hội nghị.

Chuyến công du con thoi của Ngoại trưởng Indonesia ngay sau đó đến Philippines, Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Singapore đã thu được kết quả bước đầu hàn gắn rạn nứt của ASEAN về vấn đề biển Đông với một bản thông cáo chung được soạn thảo và gửi cho Ngoại trưởng các thành viên khối ASEAN trong buổi sáng hôm nay, 20/7.
Rõ ràng liều thuốc viện trợ không hoàn lại của Bắc Kinh đã “phát tác” trong hội nghị Ngoại trưởng ASEAN vừa rồi, tuy nhiên ASEAN vẫn thể hiện được sức sống nội tại của nó với sự thay đổi sau những nỗ lực không mệt mỏi của các bên liên quan, đặc biệt là đóng góp kịp thời, hiệu quả và có ý nghĩa quan trọng từ Indonesia.

Ngoại trưởng Indonesia tranh thủ quay sang trao đổi với Ngoại trưởng Lào trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN vừa qua tại Phnom Penh, Campuchia
Ngoại trưởng Indonesia tranh thủ quay sang trao đổi với Ngoại trưởng Lào trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN vừa qua tại Phnom Penh, Campuchia

Thái Lan khi tiếp quản nhiệm vụ điều phối viên quan hệ giữa ASEAN với Trung Quốc trong khoảng thời gian 3 năm sẽ không thể không tiếp thu bài học này nếu không muốn bị gạt ra bên lề quỹ đạo phát triển của toàn khối.

Ưu tiên rõ ràng đối với Bangkok chính là phải làm việc với Bắc Kinh để họ ngồi vào bàn đàm phán với ASEAN để cho ra đời được bộ Quy tắc COC. Mặc dù trước đó, nắm được vai trò của Thái Lan sẽ ngày càng quan trọng, giới chức ngoại giao Bắc Kinh đã có những động thái “lobby” chủ động nhưng vẫn không tránh khỏi sự lộ liễu.

Việc có ban hành được bộ Quy tắc COC mang tính ràng buộc pháp lý chặt chẽ hơn nhằm ngăn chặn âm mưu của Bắc Kinh muốn biến biển Đông thành ao nhà trong nhiệm kỳ điều phối viên của Bangkok trong 3 năm tới hay không còn phải đợi thời gian trả lời.
Nhưng ít nhất Thái Lan cũng phải xác định nhiệm vụ tối thiểu họ phải làm được là xây dựng lòng tin giữa các thành viên ASEAN đối với Trung Quốc, thúc đẩy sự tin cậy lẫn nhau giữa các bên tranh chấp biển Đông nhằm giảm căng thẳng trong khu vực, kiểm soát được các nguy cơ và không để xảy ra xung đột.

Ông Sihasak Phuangketkeow, quan chức Bộ Ngoại giao Thái Lan: Trung Quốc cần nhớ rằng "đi cửa sau" sẽ phản tác dụng
Ông Sihasak Phuangketkeow, quan chức Bộ Ngoại giao Thái Lan: Trung Quốc cần nhớ rằng "đi cửa sau" sẽ phản tác dụng

Năm 2002 chính ASEAN và Trung Quốc đã từng ký kết Tuyên bố chung của các bên trên biển Đông (DOC), tuy nhiên không có bất cứ điều khoản, cơ chế nào ràng buộc, một bản tuyên bố ai muốn thực hiện và thực hiện như thế nào thì tùy đã cho thấy sự nguy hiểm của nó khi một bên liên tục lợi dụng kẽ hở để lấn lướt trên thực địa.

Tờ Bưu điện Bangkok xuất bản tại Thái Lan hôm 17/7 nhận định rằng, Bắc Kinh đã thành công khi vận động Phnom Penh với vai trò chủ nhà, Chủ tịch luân phiên ASEAN không đưa vấn đề tranh chấp biển Đông vào tuyên bố chung của hội nghị Ngoại trưởng ASEAN bất chấp sự đồng thuận từ nhiều nước thành viên.

Tuy nhiên một quan chức Bộ Ngoại giao Thái Lan, ông Sihasak Phuangketkeow cũng thẳng thắn nhận xét, Bắc Kinh cần phải chấp nhận một thực tế rằng “đi cửa sau” như những gì họ đã làm sẽ phản tác dụng.
Ông Sihasak Phuangketkeow cho rằng, Bắc Kinh nên sớm nhận ra rằng ASEAN có thể giúp họ cân bằng quyền lực với Mỹ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Ngoại trưởng Thái Lan, Trung Quốc gặp nhau tại Bắc Kinh trước thời điểm diễn ra Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN và đã đạt được một số đồng thuận khi Bangkok cam kết sẽ "làm Bắc Kinh hạnh phúc"
Ngoại trưởng Thái Lan, Trung Quốc gặp nhau tại Bắc Kinh trước thời điểm diễn ra Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN và đã đạt được một số đồng thuận khi Bangkok cam kết sẽ "làm Bắc Kinh hạnh phúc"

Tuy nhiên việc yêu cầu Bắc Kinh phải ngồi vào bàn đàm phán về bộ Quy tắc COC không hề đơn giản và không chắc nó có tiếp tục được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tại Campuchia trong tháng 9 tới đây như kế hoạch ban đầu hay không khi Bắc Kinh vẫn khăng khăng sẽ “xem xét vào khoảng thời gian thích hợp” mà không hề cho biết lúc nào và như thế nào mới “thích hợp”.

Đáng chú ý, Bangkok dường như có xu hướng khuyến khích các bên tranh chấp chủ quyền trên biển Đông “đàm phán tay đôi” với nhau, một cách tiếp cận phù hợp với mong muốn và theo đuổi của Bắc Kinh, theo tờ Bưu điện Bangkok.

Dường như đây sẽ là sự lựa chọn đối với Bangkok trong vai trò điều phối quan hệ ASEAN – Trung Quốc, một mặt hối thúc các bên kiềm chế và nhất trí đàm phán về COC để không làm rạn nứt quan hệ nội khối, mặt khác đi xa hơn, Thái Lan sẽ tìm cách “lái” các bên liên quan theo hướng đàm phán song phương để khỏi mất lòng Bắc Kinh.

Có lẽ Bangkok cần nghiên cứu rất kỹ trước khi đưa ra bất cứ quyết định nào, bởi rút kinh nghiệm từ những gì đã xảy ra tại Phnom Penh vừa rồi, Bangkok thừa hiểu, nếu họ chỉ biết chạy theo Bắc Kinh thì cái giá họ phải trả về uy tín, vai trò và vị thế đối với khu vực sẽ rất lớn mà những món hời của ai đó chưa chắc bù đắp nổi. * Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Hồng Thủy