Quốc hội sắp lấy phiếu tín nhiệm 49 chức danh

15/05/2013 16:51
Diệu Linh
(GDVN) - Tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm 49 chức danh. Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm sẽ được công khai tới toàn thể nhân dân vào 11/6 tới.

Trong phiên thảo luận chương trình Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIII sẽ khai mạc vào ngày 20/5 tới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị tăng cường công khai các nội dung nghị sự để đông đảo nhân dân được biết

Đối với nội dung bỏ phiếu tín nhiệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: “Quan trọng là người bỏ phiếu tín nhiệm phải công tâm, khách quan, biết chắt lọc thông tin để  đưa ra quyết định chính xác”.


Về nội dung lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp này, Ban Công tác Đại biểu Quốc hội đề nghị chỉ bố trí thảo luận ở các đoàn khi UBTVQH thấy cần thiết, vì có thể đại biểu không có yêu cầu làm rõ hay xác minh các vấn đề liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm hoặc nếu có thì sẽ không đủ thời gian để người được lấy phiếu tín nhiệm và các cơ quan có thẩm quyền giải trình, làm rõ.

Việc trình bày báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở đoàn và báo cáo kết quả xác minh, giải trình về các vấn đề có liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm và người được lấy phiếu tín nhiệm chỉ được thực hiện khi thấy cần thiết.

Các đại biểu cũng đề nghị chuyển nội dung công bố kết quả kiểm phiếu từ cuối buổi sáng sang cuối buổi chiều cùng ngày (11/6) để tăng thời gian cho việc kiểm phiếu, vì số phiếu hợp lệ, không hợp lệ được tính cho từng đối tượng là khác nhau.

Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, việc tổ chức thảo luận lấy phiếu tín nhiệm tại đoàn đại biểu Quốc hội để đảm bảo việc thực hiện nghiêm túc, công khai là rất cần thiết.

Dự kiến sẽ có 11 phiên họp được truyền hình trực tiếp, thảo luật về các lĩnh vực: kinh tế, xã hội, chất vấn và trả lời chất vấn, giải quyết kiến nghị cử tri…

Thông qua dự thảo Luật Đất đai hay lùi lại?

Theo dự kiến, tại kỳ hợp lần này, Quốc hội sẽ thông qua dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), tuy nhiên đã xuất hiện một số ý kiến đề nghị nên lùi thời gian thông qua dự thảo này để đảm bảo có đủ thời gian xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho thật phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đối với nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: “Dự luật được thông qua hay lùi lại tới kỳ sau thì sẽ do Quốc hội quyết định”.

Cũng liên quan tới nội dung sửa đổi Luật Đất đai, ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế  kiến nghị: “Nếu Quốc hội chưa thông qua dự luật tại kỳ họp này thì Quốc hội nên có một nghị quyết kéo dài thời gian sử dụng đất nông nghiệp vì ngày 15/10/2013 sẽ hết thời gian giao đất 20 năm, tính từ năm 1993 - theo quy định của Luật  đất đai hiện hành”.

Ngoài ra, UBTVQH cũng ấn định ngày 24/5, Quốc hội sẽ bàn về công tác nhân sự, biểu quyết bầu chức danh Bộ trưởng Tài chính.

Tại kỳ họp lần này, Chính phủ, các cơ quan liên quan sẽ có các báo cáo riêng gửi đại biểu Quốc hội nghiên cứu về các vấn đề: Tình hình thực hiện quy hoạch phát triển thủy điện giai đoạn 2011-2020 liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, Vườn Quốc gia; Tổng kết việc thực hiện sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường quốc doanh; Tình hình thực hiện Dự án khai thác bô-xít tại Tây Nguyên; Công tác quản lý nhà nước đối với thị trường vàng, bảo đảm lợi ích của người dân; việc thực hiện quy định không sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán và việc Ngân hàng Nhà nước tổ chức bán vàng miếng thông qua đấu giá trong thời gian vừa qua.

Diệu Linh