Săn thủy quái trên vùng biên giới

07/06/2014 07:44
Nguyễn Xuân Hoàng
(GDVN) -Tôi và nhóm thợ săn đã đánh bắt được “thủy quái” to bằng người, miệng như mõm lợn nằm úp trên mặt sông dọc vùng biên tỉnh Cao Bằng.

Đó là những con cá chiên, cá trê...có khi nặng 70 -80 kg, thậm chí lên tới 100kg. Chúng thường sống ở  những khúc sông sâu, thác gềnh, cánh thợ săn rỉ tai nhau, cá nơi đây đã thành tinh nên lớn lắm.

Bà con dân bản kể, khởi nguồn của sông Lô, sông Gâm, sông Chảy...đều ví là nơi cùng trời cuối đất, cho nên cá hút được linh khí của đất trời mà to lớn như người, hay như những khúc gỗ mục nổi lền bềnh trên dòng sông vì lẽ đó.

Lên thác, xuống ghềnh tìm “thủy quái”

4 năm trước, tôi đã từng theo cánh thợ săn cá của Nông Văn Sình (1976) đi dọc các cửa khẩu biên giới của Cao Bằng như: “Đàm Thủy, Tà Lùng...rồi thì vào tít tận các vùng hẻo lánh Hạ Lang, Trà Lĩnh, Bảo Lâm, Bảo Lạc.

Đã có thời, người ta bắt được con cá chiên nặng tới 95kg ở huyện Trà Lĩnh. Con cá ấy miệng như mõm lợn, râu dài cả gang tay mọc tua tủa như râu mèo, toàn thân vàng óng như nghệ. Nó được bà con gọi là “thủy quái” ở sông Bắc Vọng. Con cá chiên di chuyển trên sông mà cứ làm cho sóng nước chao nghiêng cả một vùng.

Rồi dân bản phát hiện, người ta đua nhau chạy ra sông hò hét. Mười ba trai đinh lực lưỡng dùng mấy chục cái chài để vây bắt. Con cá dữ tợn lao tứ tung, húc thẳng vào người nào dám bắt nó. Các trai đinh cứ thế lăm xả vào nhảy phốc lên lưng cá như ngồi lên lưng ngựa để chế ngự.

Hồi ấy, mấy huyện miền núi chẳng có ai đủ tiền mua nổi con cá khổng lồ trị giá bạc triệu ấy. Người ta phải thuê xe công nông, rồi cử mấy chục thanh niên hộ tống cá xuống tít tận thành phố để bán cho nhà hàng phục vụ các đại gia.

Cá chiên, cá trê, cá anh vũ...sống ở những con suối vùng thượng nguồn đều được xem là “lộc trời”, giá có khi lên tới cả triệu đồng/1kg. Truyền rằng, cá anh vũ dùng để tiến vua vì nó thường sống ở ngã ba sông, ăn rễ cây chiên đàn ngàn năm tuổi, hít linh khí của đất trời mà trường thọ.

Chú cá đánh bắt được ở huyện Trà Lĩnh, Cao Bằng
Chú cá đánh bắt được ở huyện Trà Lĩnh, Cao Bằng

Bây giờ, các loài cá đã ít đi. Song các đại gia dù có phải chi nhiều tiền họ cũng muốn thưởng thức cá tiến vua để xem mình là vua. Giá cá được nâng cao có khi lên mấy chục triệu một con từ 10kg trở lên.

Nhớ năm 2009 tôi được cầm chài và ngồi trên lưng ngựa đi theo cánh thợ săn đi dọc các con sông như: Bằng Giang, Bắc Vọng, Quân Sơn...của tỉnh Cao Bằng. Bây giờ đường xá khơi thông mọi người cứ lấy xe Min - khơ mà chạy dọc biên giới, qua sông Gâm, sang cả phía Đồng Văn, Mèo Vạc của Hà Giang.

Con cá nặng 6,7 kg bắt được ở Hạ Lang, Cao Bằng
Con cá nặng 6,7 kg bắt được ở Hạ Lang, Cao Bằng

Tôi và cánh thợ săn dừng chân ở Bảo Lâm. Trước khi tung chài mọi người thả thính xuống lòng sông để nhử con mồi. Sình kể rằng, những 1990 đã từng đi đến sông Lô, rồi sông Chảy ở gần hồ thủy điện Thác Bà (Yên Bái). Bấy giờ có anh em A Vàng ở xã Thúy Loa, huyện Nà Hang, Tuyên Quang khét tiếng với việc sử dụng súng đi săn.

Súng như cái ná, mũi tên bịt bằng sắt, đầu mũi tên có dây buộc vào cung nỏ. A Vàng sử dụng ống thở, kính lặn chui vào các động ngầm dưới gềnh thác đổ. Con cá trê to như quả bon đen trùi trũi đang nằm dưới hang sâu, thấy người lạ cầm súng nó liền lao vào tấn công.

A Vàng gương cung, phập, cá trúng tên, song nó càng tỏ ra hung hãn lao thẳng vào người Vàng. Máu loang đỏ mặt nước. Người em trai của Vàng là A Sùng đứng trên nhìn xuống dòng thác đổ thấy máu loang đỏ cứ tưởng là máu cá. Đến khi thấy A Vàng ngoi đầu lên vẫy tay kêu cứu Sùng mới phát hoảng.

Vàng bị “sừng” cá trê húc thủng vào bụng sâu nửa gang tay, gã kêu la inh ỏi. A Sùng vội vạch quần tè vào vùng bị thương của anh trai. Vàng hết đau mở mắt mới tin mình còn sống. Còn vì sao nước tiểu người lại trị được vết thương do ngạnh cá trê húc thì chưa ai lý giải được.

Từ bên kia Mèo Vạc (Hà Giang) cũng có một hội kéo sang Bảo Lâm. Nhóm này có 11 người, 9 người cầm chài và 2 người còn lại mỗi người vác một cái bì trong đựng đầy cá. Họ là những xạ thủ đánh bắt chuyên nghiệp. Hiện có hai trung tâm rao bán chính là Hòa Bình và thành phố Việt Trì (Phú Thọ).

Cánh thợ săn cũng xem nhà hàng là nơi cộng tác làm ăn lâu dài, nên đánh được chú cá nào là họ gọi điện thẳng về nhà hàng báo cáo. Có khi được nhiều các ông chủ nhà hàng còn cho cả ô tô chở đá lạnh đến tận nơi để ướp cá mang về.

Tại Trà Lĩnh người Tày, người Nùng còn đan cả rọ tre để nhốt cá. Cá và rọ tre đều được dìm dưới nước, cho nên nó vẫn sống và tươi nguyên. Bây giờ cứ cái gì tươi mới có giá. Một con cá từ 10kg trở lên nếu còn sống có thể cả chục triệu đồng, còn chết có khi bị ép giá vài trăm nghìn. Vì vậy bằng giá nào họ cũng tìm cách để cá sống cho đến khi vào tới nhà hàng.

Chuyến đi săn của tôi với hội của Sình từ Tà Lùng cho đến Bảo Lâm, Bảo Lạc...rồi sang cả Đồng Văn, Mèo Vạc của Hà Giang ngót cả tuần trời. Sình nhìn tôi cười “đợt này lộc trời ít chứ không như  ngày xưa chú ạ?”.

Hóa ra Sình đang nhớ đến cái thời mà cá nhiều đến mức chỉ cần trẻ con cởi truồng xuống suối tắm bầy cá con ùa tới mổ vào da thịt. Người ta bắt được chú cá nào to lớn ăn không hết thì thái thành từng khúc mà làm mắm ăn từ năm này qua năm khác, bằng không thì dùng làm thức ăn cho lợn.

Bây giờ “lộc trời” khan hiếm nhưng bù lại giá cá lại cao ngất ngưởng, cánh thợ săn bằng giá nào cũng phải bám trụ với nghề để sinh nhai. Đơn giản ngoài nghề săn “thủy quái” họ không còn biết làm nghề gì nữa!

Cá từ suối đến nhà hàng

Những con cá khổng lồ được mệnh danh là chúa tể lòng sông khi bị cánh thợ săn tóm được thì sự oai hùng vẫy vùng trong sông nước cũng chẳng còn nữa. Nhìn những con cá nằm chềnh ềnh trên bờ miệng ngáp ngáp chẳng khác nào các chiến binh bị thương nơi trận mạc.

Cánh thợ săn ngồi trên bờ hút thuốc kể lại tình huống vây bắt cá vừa rồi và cả những tình huống vây bắt cá nhiều năm về trước. Bỗng có người gọi điện đến, rồi 15 phút sau có chiếc xe tải hạng nhẹ chở những thanh đá dài gần 70cm đến để ướp cá cho khỏi ươn rồi chở về các nhà hàng.

Mấy chục con cá nằm trong xe quẫy mình, khiến cho chiếc xe chở chúng cứ lắc lư chao nghiêng. Cánh săn cá dõi theo chiếc xe cho đến khi mất hút thì cười khà khà ngẫm lại mới thấy cuộc vây bắt những con cá khổng lồ thật là gian nan.

Con cá trê bắt được ở sông Bằng Giang, Cao Bằng
Con cá trê bắt được ở sông Bằng Giang, Cao Bằng

Thủa trước bà con ở Hà Giang thường cứ nghe khách du lịch hỏi có món cá sông không? Dò ra mới biết ở thành phố Việt Trì (Phú Thọ) và Hòa Bình có hẳn các nhà hàng cá sông, các ông chủ ở đấy buôn bán lời lắm. Thế là những người có tiền ở Hà Giang cũng học theo mở nhà hàng. Sau này ở Cao Bằng người ta còn mở cả một nhà hàng hải sản lấy tên của con sông Bằng Giang.

Trong một chuyến công tác, tôi đi với một số cán bộ huyện Trùng Khánh, Cao Bằng vào nhà hàng thưởng thức món hải sản. Dù nhà hàng phố huyện chẳng bao giờ so bì được với các nhà hàng dưới thành phố. Song ở đây, những con cá sông tươi ngon thì thành phố chả bao giờ có. Hỏi ra mới biết những nhà hàng ở đây  mua được cá từ cánh thợ săn phải có máu mặt lắm mới cạnh tranh được về giá cả.

Đôi khi cánh thợ săn đánh được những con cá khổng lồ nặng hàng chục kg người ta mang ra tổ chức bán đấu giá công khai. Khách hàng rất háo hức. Còn các chủ nhà hàng tìm mọi cách để mua cho bằng được. Đơn giản nó còn là uy tín của nhà hàng đó. Dù vậy các nhà hàng cũng rất thận trong về giá cả, chẳng ai dại gì mà đưa ra giá quá cao. Thế là họ bàn nhau cùng mua một con cá rồi sau đó chia phần.

Thỏa thuận xong, các tay đầu bếp hảo hạng của nhà hàng lao vào mổ xẻ thịt ra chia phần trông chẳng khác gì mấy tay hàng mổ thịt lợn. Thậm chí người ta cũng cắt cổ cá để lấy máu. Mổ bụng cá để lấy bộ ruột. Ruột cá dùng để nấu canh đắng. Dạ dày cá thì sần sật như dạ dày lợn có khi chế biến món ăn bán cho khách lên tới cả triệu đồng.

Thợ săn bỏ cá vào bì để chuyển cho các nhà hàng
Thợ săn bỏ cá vào bì để chuyển cho các nhà hàng

Nhưng có một điều không ai ngờ rằng vây cá lại là thứ đắt nhất của con cá. Những năm 2000 trở về trước vây cá chủ yếu được cánh thợ săn dán ở các bức vách hoặc các cột nhà ở bếp mục đích là lấy may cho cuộc săn lần sau.

 Còn bây giờ, các ông chủ nhà hàng lấy vây cá dán ở trên tường nơi có vị trí trang trọng nhất của nhà hàng nhằm thị uy với khách. Có nhà hàng còn ghi thông tin rất đầy đủ như: đây là cá gì? nặng bao nhiêu kg? được bắt ở sông nào? được bán đấu giá ở đâu? nhà hàng mua lại như thế nào?. vv...

Ngồi tại nhà hàng ở Trùng Khánh thưởng thức món cá sông, tôi lại nhớ đến Nông Văn Sình và cánh thợ săn, nhớ đến những ngày tôi theo họ rong ruổi khắp các con sông ở Cao Bằng cả tuần trời. Ngày hôm đó Sình có gọi điện cho tôi: “sắp tới bọn anh chạy xe xuống ngã ba Bạch Hạc (Việt Trì, Phú Thọ) buông chài đấy chú ạ!”. Rồi anh bật cười. Tôi không biết đó là tiếng cười vui hay buồn.

Thực ra, bây giờ thượng nguồn làm gì còn nhiều "thủy quái", Sình và bạn săn phải về xuôi quăng chài kiếm sống qua ngày. Đi săn cá lớn, chỉ còn là cái thú, mà thi thoảng mới dám làm, chứ không còn là cái cần câu để kiếm ăn như trước nữa...

Nguyễn Xuân Hoàng