Sàng lọc đưa những người không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng là việc cần làm ngay

05/11/2017 07:49
Lại Cường
(GDVN) - Đây là ý kiến góp ý của ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương trước đề án của ban tổ chức trung ương.

Những ngày qua, thông tin Ban Tổ chức Trung ương đang xây dựng Đề án, trong đó có quy định rà soát, sàng lọc, đưa ngay những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng đã thu hút chú ý của dư luận cả nước.

Bày tỏ quan điểm với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Quốc Hùng -nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, đây là việc cần làm ngay và cá nhân ông hoàn toàn ủng hộ việc này. Và cho rằng đây là việc cần làm ngay.

Theo ông Hùng, việc đảng viên sau khi nghỉ hưu không tham gia sinh hoạt Đảng ở nơi cư trú không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh của người đảng viên mà ảnh hưởng nặng nề đến uy tín của Đảng.

Tùy vào điều kiện sức khỏe, trừ trường hợp sức khỏe quá yếu, không đủ điều kiện tham gia thì thôi. Còn lại, các đảng viên sau khi về hưu cần sinh hoạt tại chi bộ nơi đảng viên đó cư trú.

Ông Vũ Quốc Hùng cho rằng việc rà soát lại những đảng viên không tham gia sinh hoạt đảng là việc cần làm ngay (Ảnh: Ngọc Quang)
Ông Vũ Quốc Hùng cho rằng việc rà soát lại những đảng viên không tham gia sinh hoạt đảng là việc cần làm ngay (Ảnh: Ngọc Quang)

Hiện nay, có hiện tượng một số các đồng chí đảng viên khi đã về hưu nhưng vẫn tiến hành sinh hoạt tại chi bộ cơ quan. Đây là việc cần tránh.

Việc các đồng chí là nguyên lãnh đạo của cơ quan cũ việc sinh hoạt tại chi bộ cơ quan, các đồng chí đó sẽ không thực hiện được nhiệm vụ chính trị của mình tại chi bộ.

Một số các đồng chí tham gia và các tổ chức như Mặt trận Tổ quốc hay một số đoàn thể, điều này cũng được, nhưng cần đi vào sinh hoạt thực chất còn nếu tham gia theo kiểu phong trào không thôi thì không nên tham gia.

Sàng lọc đưa những người không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng là việc cần làm ngay  ảnh 2Chiến thuật thời nay phải là “một đòn … chết tươi”

Các đồng chí nên sinh hoạt tại nơi mình cư trú. Tại đây, các đảng viên sau khi nghỉ hưu, tham gia sinh hoạt tại khu dân cư, tổ dân phố các đồng chí sẽ có những đóng góp thiết thực hơn.

Bên cạnh đó, theo ông Hùng, theo Quy định 29 đã quy định rất chặt trẽ về thủ tục này. Các Đảng viên nghỉ hưu, trong thời hạn 60 ngày phải làm thủ tục chuyển sinh hoạt Đảng chính thức.

Trong vòng 30 ngày kể từ ngày giới thiệu chuyển đi, đảng viên phải xuất trình giấy giới thiệu sinh hoạt đảng với chi ủy nơi chuyển đến để được sinh hoạt Đảng.

Khi chuyển sinh hoạt đảng cho đảng viên, cấp ủy nơi đảng viên đang sinh hoạt và công tác có trách nhiệm làm đầy đủ thủ tục, niêm phong hồ sơ, giao cho đảng viên trực tiếp mang theo để báo cáo với tổ chức đảng làm thủ tục giới thiệu và tiếp nhận sinh hoạt đảng.

Bên cạnh đó, khi chuyển sinh hoạt thì nơi giới thiệu đảng viên đi còn viết phiếu báo gửi về nơi đảng viên sẽ chuyển đến. Nếu nơi nhận được phiếu báo, khi đến thời gian mà không thấy đảng viên đến nộp hồ sơ thì phải đến trực tiếp yêu cầu nộp hồ sơ.

“Như vậy, quy định của Đảng cũng đã rất rõ ràng, các đồng chí đảng viên khi về hưu lên tuân thủ để làm gương”, ông Hùng nêu quan điểm.

Nói về việc có thể sẽ xóa tên những đản viên không tham gia sinh hoạt đảng khi về hưu, ông Hùng cho rằng, việc này là cần thiết.

Thực tế vẫn còn có tình trạng nhiều người không tham gia sinh hoạt chi bộ nhưng vẫn có tên trong Đảng, điều này sẽ dẫn đến một con số ảo về Đảng viên.

Việc kiểm soát sẽ đưa số đảng viên về với thực chất. Qua đó có những đánh giá chính xác về số đảng viên hơn.

Việc thực hiện sinh hoạt Đảng hàng tháng góp phần để giáo dục chính trị, tư tưởng cho Đảng viên.

Đảng viên nào không sinh hoạt thì việc xóa tên là việc cần làm. Trách nhiệm của người đảng viên là phải chấp hành trong sinh hoạt đảng.

Việc các đảng viên về hưu tham gia sinh hoạt Đảng sẽ góp phần nâng cao công tác chính trị, tư tưởng ở các chi bộ tổ dân phố, thôn, bản”.

Cũng theo ông Hùng, các tổ chức làm quản lý về đảng viên cần phải thực hiện rà soát thật kỹ việc này.

Đây là việc cần thiết để nắm số lượng chính xác đảng viên hiện tại, tránh số lượng ảo.

Thông qua việc này cũng cần phân biệt rõ đảng viên không sinh hoạt, bỏ sinh hoạt và nghỉ sinh hoạt.

Những người bỏ sinh hoạt là xóa tên luôn.

Phía cơ sở, nơi quản lý hộ khẩu thì cũng phải quản lý về mặt chính trị của người đó.

Lại Cường