Sáng tạo tuyệt vời của những giáo viên mầm non Nậm Mười

27/10/2011 05:00
Ngọc Khánh
(GDVN) - Nhìn những chiếc mũ xinh xắn, chiếc trống cơm, đôi dép, con ong… chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi tất cả đều được làm từ những đồ phế phẩm.
Miếng cơm đã không đủ chất, manh áo của các em cũng không được lành lặn. Cô giáo Nguyễn Hạnh Thu đau đáu ước mơ ăn no mặc ấm cho các em và đó cũng là khát vọng chung cùa tập thể giáo viên mầm non, cấp 1, cấp 2 ở vùng cao Nậm Mười.
“Mùa đông, sương phủ trắng trời, em có áo nhưng không có quần, có em mặc hai cái áo nhưng đều không có cúc, tồng ngồng đến lớp nhìn thấy tội. Vậy mà bọn trẻ phải mặc cả tuần không thay vì không có đồ để mặc”, cô Thu xót xa. 

Bằng lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, lòng thương người, các cô đã coi nơi đây là một gia đình lớn, học trò là con cái nên đã vượt lên tất cả khó khăn, gian khổ “gieo hạt giống” cho đời nở hoa.
Dùng từ năm 2008, chiếc chiếu tả tơi này vẫn được làm đệm đưa các em vào những giấc mơ cổ tích. Ảnh: Ngọc Khánh
Dùng từ năm 2008, chiếc chiếu tả tơi này vẫn được làm đệm đưa các em vào những giấc mơ cổ tích. Ảnh: Ngọc Khánh
Đắng lòng cảnh một manh áo rách mặc ròng rã, các cô lại mang đi giặt rồi vắt kiệt đem hơ lửa cho khô còn các em thì lấy chăn quấn quanh người cho ấm. Cô và trò ngồi bên bếp lửa vừa hơ tay vừa học hát. Chiếc chiếu nhựa dùng từ năm 2008 đã rách tả tơi vẫn làm đệm đưa các em vào những giấc mơ cổ tích. 

Cô Nguyễn Hạnh Thu cho biết, trường mầm non Nậm Mười được tách ra từ trường Tiểu học năm 2007. Cho đến nay trường chia thành 4 điểm trường do địa hình đồi núi xa xôi, cách trở. Cả trường có 14 cán bộ, giáo viên dạy hơn 160 trẻ. Cả 4 điểm trường đều còn tạm bợ, dựng nhà từ các tấm gỗ để dạy học. Những nơi ở xa như Khe Kim, Ngã Hai.. vẫn chưa có điện, phải dạy học bằng đèn dầu. Tuy nhiên các cô giáo rất quyết tâm bám bản. “Thuận lợi một điều đó là người dân cũng ngộ ra được việc gửi con để lên nương nên các cô giáo rất được tin tưởng, không có học sinh mầm non bỏ học”.

Do sống trong sự nghèo khổ từ nhỏ nên các em biết tự lập. Có những em mới 4 tuổi, ở cách trường hơn 2 cây số đường rừng nhưng bố mẹ toàn để con tự đi về.

Biến đồ bỏ đi thành đồ dạy học độc đáo

Nhìn những chiếc mũ xinh xắn, chiếc trống cơm, đôi dép, con ong… chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi tất cả đều được làm từ những đồ phế phẩm. Dường như, ở đây không có một thứ gì thừa thãi, tất cả đều được tận dụng và sáng tạo tuyệt vời.

Một vỏ hộp sữa chua chế thành chiếc ti vi, chai nước rửa bát cắt thành chiếc bàn là hay những bông hoa làm từ len và xốp. Giới thiệu cho chúng tôi những đồ dùng độc đáo này, cô Thu ví “các cô giáo ở đây những người nghệ sĩ, nhà thiết kế tài ba” khi biến thứ được coi là rác thành những món đồ hấp dẫn trí tò mò của trẻ.

Cột đèn tín hiệu giao thông cũng được “xây dựng” trong lớp học vùng cao để các em biết được đèn xanh thì đi, đèn đỏ dừng lại. Khốn nỗi con đường dẫn vào Nậm Mười heo hút, mấp mô sỏi đá, lấy đâu ra cột đèn tín hiệu thật để các em “mắt thấy, tai nghe”.
Những cô giáo mầm non ở đây là người nghệ sĩ, nhà thiết kế tài ba. Ảnh: Ngọc Khánh
Những cô giáo mầm non ở đây là người nghệ sĩ, nhà thiết kế tài ba. Ảnh: Ngọc Khánh

Do quá thiếu thốn nên giáo viên mầm non Nậm Mười phải mày mò, sáng tạo đồ dùng cho giảng dạy thêm sinh động. Người ta thường nói cô giáo nuôi dạy trẻ khéo từ lời nói cho tới đôi tay. Những bức tranh sinh động treo trên tường như một minh chứng cho những tâm hồn đầy chất thơ nơi sương núi trắng trời. Mỗi cô góp một ít tiền mua giấy vẽ, màu tô rồi về tự vẽ, cắt dán thành những bức tranh đẹp, tô điểm cho căn phòng thêm ấm cúng, sạch sẽ.

Dự kiến cứ 2 - 3 tuần, Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức một chuyến đi thăm và tặng quà tới các em học sinh vùng cao. Báo rất mong  tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của quý bạn đọc trong thời gian tới.

Mọi sự ủng hộ xin gửi về:

- Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy

- Email: toasoan@giaoduc.net.vn


Ngọc Khánh