SCMP: Đài Loan sẽ mất mặt nếu Philippines quay sang xin lỗi Trung Quốc

16/05/2013 19:00
Hồng Thủy (Nguồn: SCMP)
(GDVN) - Nếu Philippines có xin lỗi thì sẽ công khai xin lỗi Trung Quốc chứ không phải Đài Loan - tức Trung Hoa Dân quốc, một động thái sẽ khiến Đài Bắc mất đi vị thế của mình trong xử lý tranh chấp song phương.
Tổng thống Philippines Aquino đã công khai xin lỗi "người dân Đài Loan", nhưng chính quyền Đài Bắc vẫn muốn ông xin lỗi theo nguyên tắc đối đẳng - chính phủ xin lỗi "chính phủ" có thể đẩy Đài Loan và Trung Quốc vào tình thế khó xử nếu Manila xin lỗi Bắc Kinh thay vì Đài Bắc
Tổng thống Philippines Aquino đã công khai xin lỗi "người dân Đài Loan", nhưng chính quyền Đài Bắc vẫn muốn ông xin lỗi theo nguyên tắc đối đẳng - chính phủ xin lỗi "chính phủ" có thể đẩy Đài Loan và Trung Quốc vào tình thế khó xử nếu Manila xin lỗi Bắc Kinh thay vì Đài Bắc
Xung quanh vụ tàu Cảnh sát biển Philippines nổ súng vào tàu cá Đài Loan hôm 9/5 khiến một ngư dân Đài Loan thiệt mạng, mặc dù Tổng thống Philippines Aquino đã chính thức lên tiếng "xin lỗi người dân Đài Loan" và cam kết sẽ bồi thường, điều tra và xử lý vụ việc nhưng chính quyền Mã Anh Cửu vẫn tỏ ra chưa hài lòng. Sáng 16/5, Đài Loan vẫn tiếp tục làm căng thẳng vụ việc khi phái các chiến hạm và tàu tuần tra Cảnh sát biển vượt vĩ tuyến 20 kéo xuống phía Nam áp sát vùng biển Philippines "tuần tra, bảo vệ ngư dân". Đài Loan vẫn gia tăng sức ép đòi Philippines phải "công khai xin lỗi theo nguyên tắc đối đẳng", tức "chính phủ xin lỗi chính phủ" trong khi Manila thừa nhận nguyên tắc "một Trung Quốc" và không có quan hệ ngoại giao chính thức với đảo Đài Loan. Manila cho biết họ có thể sẽ xử lý vụ việc theo nguyên tắc này, tức nếu Philippines có xin lỗi thì sẽ công khai xin lỗi Trung Quốc chứ không phải Đài Loan - tức Trung Hoa Dân quốc, một động thái sẽ khiến Đài Bắc mất đi vị thế của mình trong xử lý tranh chấp song phương. Giới phân tích chính trị ở Trung Quốc và Đài Loan đều cho rằng Bắc Kinh có thể nhảy vào cuộc như tăng cường hoạt động (trái phép) ở Biển Đông - Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) để gia tăng áp lực lên Philippines, nhưng một kịch bản như vậy khó có thể xảy ra trong bối cảnh hiện nay, theo tờ Bưu điện Hoa Nam xuất bản tại Hồng Kông ngày 16/5. Một học giả Đài Loan, Wang Hsing-ching cho biết, sẽ rất mất mặt cho Đài Loan một khi ép Philippines phải chính thức xin lỗi mà Manila lại xin lỗi Bắc Kinh thay vì Đài Bắc. Động thái này vô hình chung về mặt đối ngoại là dấu hiệu cho thấy Đài Loan chấp nhận nguyên tắc "một Trung Quốc" là thực thể Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, tức chính quyền Bắc Kinh. Khi đã rơi vào tình huống này, Đài Loan gần như không còn hy vọng đàm phán hiệp định nghề cá với Philippines như những gì đã ký kết với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông, một trong 4 yêu sách của tối hậu thư đầu tiên Mã Anh Cửu đưa ra cho chính quyền Philippines, cũng như những thỏa thuận song phương khác. Giám đốc Viện nghiên cứu Đài Loan thuộc đại học Hạ Môn cho rằng, mặc dù nhiều người kêu gọi Bắc Kinh phải nhảy vào vụ việc này, nhưng trước khi quyết định làm điều gì Bắc Kinh phải thống nhất với Đài Loan trong khi một học giả khác từ đại học Bắc Kinh hy vọng Trung Quốc sẽ "kín đáo hỗ trợ" Đài Loan trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt với Philippines.
Trong khi giới chức Đài Loan mới chỉ tính đến nước sẽ kịch liệt phản đối nếu Philippines "xin lỗi Trung Quốc" vụ bắn chết ngư dân Đài Loan mà chưa biết làm gì tiếp theo thì giới chức Bắc Kinh cũng đang phải đau đầu tính toán làm sao để "trừng phạt" Manila mà vẫn không gây sức ép lên chính quyền Mã Anh Cửu trước chỉ trích của các đảng đối lập ở Đài Loan.

Hồng Thủy (Nguồn: SCMP)