Shangri-la 12 sẽ thành nơi "giao chiến" giữa Trung Quốc-Philippines

01/06/2013 06:44
Hồng Thủy (Nguồn: Hoàn Cầu)
(GDVN) - Sáng 2/6 cả Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin và Thích Kiến Quốc - Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc được bố trí cùng phát biểu khiến Shangri-la 12 có thể trở thành diễn đàn "giao tranh" giữa Trung Quốc và Philippines về Biển Đông - Trường Sa.
Thích Kiến Quốc (giữa), Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc được cử làm trưởng đoàn Bắc Kinh tham dự đối thoại an ninh Shangri-la lần thứ 12 đang diễn ra tại Singapore
Thích Kiến Quốc (giữa), Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc được cử làm trưởng đoàn Bắc Kinh tham dự đối thoại an ninh Shangri-la lần thứ 12 đang diễn ra tại Singapore
Đối thoại an ninh Shangri-la lần thứ 12 vừa được khai mạc ngày hôm qua 31/5 tại khách sạn Shangri-la Singapore và dự kiến sẽ kéo dài hết ngày 2/6 đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của khu vực và quốc tế trong bối cảnh căng thẳng liên tục leo thang trên Biển Đông. Thời báo Hoàn Cầu ngày 1/6 đưa tin, đối thoại Shangri-la năm nay sẽ được chia làm 2 phần, hội nghị toàn thể các thành viên và diễn đàn thảo luận nhóm.  Hội nghị toàn thể 31 đoàn đại biểu sẽ trao đổi xoay quanh 5 chủ đề: Chính sách an ninh khu vực của Mỹ, tránh xung đột lợi ích giữa các quốc gia, hiện đại hóa quân sự và minh bạch chiến lược, xu thế mới trong an ninh khu vực châu Á - Thái BÌnh Dương và hợp tác an ninh châu Á - Thái Bình Dương. Dự kiến chương trình làm việc hội nghị toàn thể 31 đoàn đại biểu sáng 2/6 cả Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin và Thích Kiến Quốc - Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc được bố trí cùng phát biểu khiến Shangri-la 12 có thể trở thành diễn đàn "giao tranh" giữa Trung Quốc và Philippines về Biển Đông - Trường Sa.
Lý Minh Giang, một học giả đến từ đại học Nam Dương Singapore nói với Thời báo Hoàn Cầu, dù cả 2 ông Voltaire Gazmin và Thích Kiến Quốc có không nhắc chữ nào đến Biển Đông hay Bãi Cỏ Mây (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, cả Trung Quốc, Đài Loan và Philippines cùng tuyên bố "chủ quyền) thì chắc chắn họ cũng sẽ bị cử tọa đặt câu hỏi. Các học giả tham gia đối thoại Shangri-la đều là những người hiểu biết rất sâu nên câu hỏi họ đặt ra sẽ rất khó và là một thách thức đối với người bị hỏi.

Hồng Thủy (Nguồn: Hoàn Cầu)