Sinh viên Ngoại thương có dám vượt khó đi bưng bia, bơm xe, đánh giầy?

02/07/2012 07:02
Độc giả Lê Trung Hiếu (Hà Nội)
(GDVN) - "Không ít bạn sinh viên từ những miền quê nghèo lên thành phố học, đã vận động, đi làm thêm từ năm thứ nhất để kiếm tiền và chăm chỉ học hành, đạt tấm bằng đỏ rồi khi ra trường được các công ty nước ngoài nhận vào chứ đâu riêng gì sinh viên Ngoại thương. Thực tế, sinh viên Ngoại thương tuy giỏi nhưng đa phần là con nhà giàu, chỉ ăn và học, ít vận động... so với sinh viên trường khác thì không có gì tự hào cả", độc giả Lê Trung Hiếu bày tỏ.
Xung quanh các vụ việc liên quan đến Trường ĐH Ngoại thương trong thời gian vừa qua và gần đây nhất là vụ việc "chảnh" của sinh viên Ngoại thương cùng đoạn video bị gắn vào bộ phim đề cử giải Oscar. Thậm chí, nhiều sinh viên trường Ngoại thương còn tự khen mình: “dù gì thì Ngoại thương cũng được gọi là Havard Việt Nam rồi”... gây xôn xao dư luận, tòa soạn đã nhận được rất nhiều những ý kiến trái chiều của bạn đọc gửi về.
Một trong những ý kiến đó là của độc giả Lê Trung Hiếu (Hà Nội). Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin được đăng tải nguyên văn bài viết này. Mời bạn đọc theo dõi:
Tôi đã theo dõi rất kỹ những ý kiến trái chiều khác nhau của đông đảo độc giả đưa ra xung quanh câu chuyện sinh viên Ngoại thương bị đánh giá là "chảnh". Là một người từng tiếp xúc, quen biết với rất nhiều sinh viên Ngoại thương cũng như tham gia cùng ở một số hoạt động, tôi thấy rằng, mình cũng nên có một số ý kiến đưa ra để mọi người cùng nhìn nhận.
Đại học Ngoại thương Hà Nội (Ảnh : Internet)
Đại học Ngoại thương Hà Nội (Ảnh : Internet)

Thực tế mà nói, tôi đồng ý với ý kiến cho rằng, không phải tất cả các sinh viên theo học ở trường Ngoại thương đều "chảnh", bởi vẫn có nhiều bạn biết khiêm tốn, chăm chỉ học hành, đi làm thêm, dấn thân làm kinh doanh ngay từ khi ngồi trên ghế đại học, tham gia các hoạt động xã hội, cộng đồng... Nhưng con số thực sự thì chắc chắn khá nhiều trong số sinh viên mà tôi đã từng gặp, tiếp xúc đều tỏ thái độ "chảnh". "Chảnh" từ sự tự phụ với chính cái mác tên của trường, từ số điểm đầu vào được cho là đứng ở hàng "top ten" để có thể bước qua cổng vào trong mỗi giảng đường, từ những gì được học, từ sự tự cho mình là tự tin, năng động, đi làm sớm, học giỏi... Tôi biết để có được ngày hôm nay, biết bao thế hệ trường Ngoại thương đã phải vất vả, bỏ công sức, trí lực ra để gây dựng lên thương hiệu đó và những ai có cơ hội được vào học ở đó đều có quyền được tự hào. Nhưng tự hào ở đây là phải cố gắng, chăm chỉ học tập để tiếp tục phát triển tên trường chứ không phải lúc nào cũng ra vẻ ta đây, huênh hoang cùng cái mác sinh viên của trường Ngoại thương. Làm như vậy, người ta không những không phục mà còn có những cái nhìn thực sự thiếu thiện cảm. Thêm vào đó, chúng ta cũng có quyền được tự hào về số điểm đầu vào trong top cao nhưng tôi nghĩ rằng, các sinh viên trường ĐH Ngoại thương cũng cần biết rằng, "đâu chỉ có một bầu trời mà ngoài bầu trời này còn có bầu trời khác to hơn, rộng hơn nhiều". Các trường Y, Dược, và một số trường khác... họ cũng có điểm đầu ngang ngửa, thậm chí là cao hơn hẳn so với Ngoại thương nhưng sinh viên ở đó đâu có kiêu ngạo, với những tuyên bố "gây sốc" như kiểu "lương dưới 1.000USD không làm"...?
Sinh viên trường ĐH Ngoại thương (Ảnh: Internet)
Sinh viên trường ĐH Ngoại thương (Ảnh: Internet)


Chúng ta cho rằng, mình là trường hàng đầu nhưng nhìn vào thực tế những gì được học thì các bạn sẽ thấy rõ hơn tôi. Sự tự tin, năng động mà các bạn có được là rất tốt nhưng khi quá tự tin thì nó sẽ lại thành sự tự mãn, tự kiêu như trong thời gian qua đã xuất hiện. Mà điều đó, thì như thực tế đã chứng minh nó sẽ gây hại, thậm chí tự giết bản thân mình chứ không hề có lợi chút gì cả. Tôi cũng muốn đặt ra một câu hỏi nhỏ đó là, ở đây những nhà giáo dục, họ có thực sự "giáo dục định hướng" con người, hay họ đang là một tác nhân chỉ xây dựng con người với nhìn nhận bản thân nhiều hơn là cuộc sống và con người? Cùng với đó, hãy nhìn vào những gì trong bảng điểm của sinh viên Ngoại thương, thực hành chiếm bao nhiêu %, lý thuyết chiếm bao nhiêu %. Sinh viên Ngoại thương có thể giỏi nhưng chỉ về lý thuyết còn thực hành như một số ý kiến đã đưa ra và thực tế, nhiều sinh viên Ngoại thương cũng thừa nhận, Trường Ngoại thương không đào tạo sâu về chuyên môn Kinh tế và Ngoại ngữ nên các bản chất về kinh tế không thể bằng trường Kinh tế quốc dân hay Học viện Ngân hàng, Tài chính và tiếng ngoại ngữ không thể bằng các trường chuyên về ngoại ngữ như Hà Nội, Ngoại ngữ QGHN... Chính một bạn sinh viên Ngoại thương cũng đã nói với tôi, Ngoại thương cơ bản chỉ đào tạo về nghiệp vụ Ngoại Thương. Đây là các công việc chuyên môn. Còn về các bản chất của nền Kinh tế thì không thể bằng các trường kinh tế khác. Đặc biệt là các vấn đề về kinh tế vĩ mô, về quản lý kinh tế, quản trị Doanh nghiệp. Đây là điều cần thiết với nhà lãnh đạo hoặc nhà quản lý... Tôi dám chắc, với những gì nói ở trên đây, thì trong thời buổi kinh tế thị trường như hiện nay, chẳng có ông chủ doanh nghiệp, công ty nào lại muốn tuyển những người như vậy cả. Một điều tôi cũng muốn nói đến ở đây, đó là, chúng ta hãy thử nhìn rộng ra xem, không ít các sinh viên từ các miền quê nghèo, có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng ham học, đã thi đỗ vào các trường và lên thành phố học. Ngay từ năm thứ nhất, họ đã tự vận động, đi làm gia sư, rửa bát, chạy bàn, bưng bia, làm bảo vệ, thậm chí đánh giày, bơm xe... để kiếm tiền và chăm chỉ học tập. Với tất cả sự cố gắng, nỗ lực học tập thì sau khi ra trường, thành tích của họ cũng là những tấm bằng đỏ và ra trường được các công ty nước ngoài nhận với mức lương cao tới cả chục triệu đồng chứ đâu riêng gì sinh viên Ngoại thương mới có những điều đó. Các bạn sinh viên này đã trưởng thành và trở thành những ông nọ, bà kia... Cũng từ thực tế, cá nhân tôi mong các bạn hãy tự nhìn nhận lại xem, tuy học giỏi nhưng đại bộ phận sinh viên Ngoại thương đều là con của những gia đình giàu có, khá giả, không ít trong số đó chỉ biết ăn và học, ít vận động, thiếu thực tế, suốt ngày chỉ chăm chăm cậy nhờ vào trợ giúp của bố mẹ... Điều này, nếu đem so sánh với các sinh viên trường khác thì không có gì để đáng tự hào hơn cả. Hay nói cách khác, học giỏi mà cứ ăn bám bố mẹ thì cũng chẳng có gì đáng tự hào cả.*/ Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Mọi ý kiến, đóng góp xin mời bạn đọc vui lòng gửi về địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn
Độc giả Lê Trung Hiếu (Hà Nội)