Sinh viên phản đối dữ dội, hiệp định kinh tế Trung - Đài đóng băng

10/06/2014 14:35
Hồng Thủy
(GDVN) - Bắc Kinh có thể sẽ buộc phải sử dụng cả cây gậy lẫn củ cà rốt để đạt được đột phá trong hiệp định này với Đài Loan.
Sinh viên Đài Loan biểu tình phản đối hiệp định thương mại với Trung Quốc.
Sinh viên Đài Loan biểu tình phản đối hiệp định thương mại với Trung Quốc.

Bưu điện Hoa Nam ngày 10/6 đưa tin, Bắc Kinh đã tỏ ra bất mãn và ngừng các hoạt động đàm phán với Đài Loan về một hiệp định thương mại giữa 2 bờ eo biển lẽ ra sẽ được kí kết vào cuối năm nay khi các nhà lập pháp Đài Loan buộc phải trì hoãn phê chuẩn nó.

1 Thứ trưởng Bộ Kinh tế Đài Loan hôm qua xác nhận điều này và cho biết thêm, thái độ của Bắc Kinh không đáng ngạc nhiên vì sự chậm trễ của Đài Bắc. Hiệp định thương mại hàng hóa và dịch vụ 2 bờ eo biển Đài Loan được đàm phán triển khai sau khi 2 bên ký kết Hiệp định thương mại tự do 2 bờ năm 2010.

Cơ quan lập pháp Đài Loan đã được đề nghị phê chuẩn hiệp định này từ 6 tháng trước, nhưng nhiều sinh viên biểu tình phản đối thỏa thuận này với lý do nó sẽ dẫn đến tình trạng mất việc làm nghiêm trọng ở Đài Loan.

Những sinh viên Đài Loan tham gia biểu tình còn cho rằng, quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh sẽ tạo ra một mối đe dọa đối với nền dân chủ của hòn đảo này.

Từ ngày 18/3, sinh viên Đài Loan bắt đầu chiếm quyền kiểm soát trụ sở Viện Lập pháp Đài Loan trong suốt 3 tuần để phản đối chính quyền Mã Anh Cửu đã không trưng cầu ý kiến người dân trước khi ký kết hiệp định với Trung Quốc.

Những người biểu tình yêu cầu rút lại hiệp định này và xây dựng 1 đạo luật mới giám sát chặt chẽ hơn các thỏa thuận giữa chính quyền Đài Loan với Trung Quốc trong tương lai.

George Tsai Wei, một giáo sư khoa chính trị đại học Văn hóa Trung Quốc ở Đài Bắc cho biết, Bắc Kinh có thể sẽ buộc phải sử dụng cả cây gậy lẫn củ cà rốt để đạt được đột phá trong hiệp định này với Đài Loan.

Viện Lập pháp Đài Loan se tổ chức một phiên họp bất thường từ Thứ Sáu này để xem xét lại các hiệp định thương mại với Bắc Kinh và các dự luật tăng cường giám sát các hoạt động hợp tác song phương trong tương lai.

Từ khi lên nắm quyền năm 2008, Mã Anh Cửu đã ký kết khoảng 20 thỏa thuận phi chính trị với Trung Quốc.

Hồng Thủy