Sri Lanka cho phép tàu ngầm Trung Quốc thăm, Pakistan-Trung Quốc đạt thỏa thuận

21/10/2015 07:16
Đông Bình
(GDVN) - Sri Lanka không cho tàu ngầm Trung Quốc quá thường xuyên, trong khi đó, Pakistan-Trung Quốc đạt được thỏa thuận tàu ngầm, có thể bắt đầu chế tạo vào năm 2016

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 19 tháng 10 đưa tin, Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 6 ngày 18 tháng 10 đã kết thúc ở Trung tâm hội nghị quốc gia Bắc Kinh.

Tàu ngầm thông thường Type 039B lớp Nguyên, Hải quân Trung Quốc (ảnh tư liệu)
Tàu ngầm thông thường Type 039B lớp Nguyên, Hải quân Trung Quốc (ảnh tư liệu)

Tại diễn đàn cùng ngày, các quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng đến từ các nước Pakistan, Malaysia, Iran, Nepal cùng các học giả Trung Quốc đã trao đổi ý kiến về các chủ đề như "An ninh biển châu Á-Thái Bình Dương: rủi ro và quản lý, kiểm soát" và "Chủ nghĩa khủng bố khu vực: căn nguyên và ứng phó".

Trung Quốc-Pakistan hợp tác chống khủng bố

Chuyên gia Trung Quốc coi diễn đàn này giúp cho cộng đồng quốc tế giao lưu sâu rộng, tạo tiền đề và cơ sở cho giải quyết các bất đồng và vấn đề.

Theo báo chí Pakistan ngày 18 tháng 10, trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Khawaja Asif cho biết, chủ nghĩa khủng bố có ảnh hưởng và khả năng thâm nhập ở các cấp độ quốc gia, khu vực và liên khu vực. Pakistan lên án chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức.

Trong thời gian tổ chức diễn đàn, ông Khawaja Asif trả lời phỏng báo chí cho biết, việc tấn công tổ chức khủng bố "Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan" đã đạt được tiến triển to lớn, tin rằng, tổ chức khủng bố "Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan" đã hoàn toàn bị xóa sổ ở Pakistan.

Tàu ngầm thông thường Type 039B lớp Nguyên, Hải quân Trung Quốc (ảnh tư liệu)
Tàu ngầm thông thường Type 039B lớp Nguyên, Hải quân Trung Quốc (ảnh tư liệu)

Đây là lần đầu tiên cấp cao nhất Quân đội Pakistan đưa ra phát biểu về thành quả tấn công "Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan".

"Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan" là một trong 4 tổ chức khủng bố "Đông Turkestan" do Bộ Công an Trung Quốc nhận định. Hãng tin Reuters Anh cho rằng, Chính phủ Trung Quốc lên án "Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan" gây ra sự kiện tập kích ở Tân Cương, đồng thời luôn yêu cầu Pakistan loại bỏ mảnh đất sinh ra những phần tử khủng bố này.

Ngày 18 tháng 10, ông Khawaja Asif cho biết: "Chính phủ Pakistan và Trung Quốc có lợi ích chung trên phương diện tấn công Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan, tấn công Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan không chỉ là cuộc chiến của Trung Quốc, mà còn là cuộc chiến của chúng tôi".

Bộ trưởng Khawaja Asif đồng thời nhấn mạnh, trong tương lai sẽ tiếp tục duy trì cảnh giác, ngăn chặn "Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan".

Tàu ngầm thông thường Type 039B, Hải quân Trung Quốc
Tàu ngầm thông thường Type 039B, Hải quân Trung Quốc

Chủ nhiệm Lý Vĩ thuộc Trung tâm nghiên cứu chống khủng bố, Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc cho rằng, tiến triển hợp tác chống khủng bố giữa Trung Quốc-Pakistan luôn rất thuận lợi. Ứng phó các thách thức an ninh phi truyền thống, hợp tác của cộng đồng quốc tế rất quan trọng, nếu không tấn công khủng bố sẽ rất khó khăn.

Vấn đề lớn nhất của hợp tác chống khủng bố là có một số nước chỉ xuất phát từ lợi ích quốc gia của nước mình. Thứ hai là không coi chống khủng bố là một vấn đề hợp tác riêng để xử lý, mà là kết hợp với chính trị quốc tế, quan hệ quốc tế.

Chống khủng bố như vậy đã trở thành công cụ, chứ không phải mục đích. Điều này đã hạn chế độ rộng và độ sâu của hợp tác tấn công chủ nghĩa khủng bố.

Tàu chiến Trung Quốc được thăm nhưng không quá thường xuyên

Ngày 18 tháng 10, tại Diễn đàn Hương Sơn, Thư ký thường trực Bộ trưởng Quốc phòng Sri Lanka nói với hãng tin Reuters Anh rằng, nước này có ý định cân nhắc cho phép tàu chiến Trung Quốc đến thăm, chỉ có điều Trung Quốc còn chưa đưa ra đề nghị.

Tàu ngầm thông thường Type 039B lớp Nguyên, Hải quân Trung Quốc (ảnh tư liệu)
Tàu ngầm thông thường Type 039B lớp Nguyên, Hải quân Trung Quốc (ảnh tư liệu)

Tờ "Thời báo Eo biển" Singapore bình luận, cựu chính phủ Sri Lanka cho phép tàu ngầm Trung Quốc đến cảng của họ đã gây lo ngại cho Ấn Độ. Tháng 2 năm nay, Ngoại trưởng Sri Lanka thăm Trung Quốc, từng cho biết, "tàu chiến Trung Quốc đến thăm sẽ không có khả năng lắm".

Tờ "The Hindu" Ấn Độ cho rằng, Sri Lanka sẽ đồng ý cho tàu ngầm Trung Quốc đến thăm trong tương lai, chỉ cần không quá thường xuyên. Thư ký thường trực Bộ trưởng Quốc phòng Sri Lanka cho rằng, sự nghi ngờ của Ấn Độ có thể tránh được.

Ông nói: "Hải quân chúng tôi và các nước trên thế giới đều có hợp tác và diễn tập quân sự, sẽ không nặng bên này nhẹ bên kia". Ông còn cho biết, sở dĩ làm như vậy là đảm bảo cho "quan hệ giữa chúng tôi với Trung Quốc được minh bạch, quan hệ quân sự vẫn vững chắc".

Trung Quốc-Pakistan đã đạt được thỏa thuận tàu ngầm

Ngoài hợp tác quân sự giữa Sri Lanka và Trung Quốc, tờ "Thời báo New York" cho rằng, Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Khawaja Asif tiết lộ, Pakistan và Trung Quốc đã đưa ra quyết định cuối cùng về giao dịch bán tàu ngầm, "hợp tác tiến hành rất thuận lợi, sẽ không kéo dài lâu quá".

Tàu ngầm thông thường Type 039B lớp Nguyên, Hải quân Trung Quốc (ảnh tư liệu)
Tàu ngầm thông thường Type 039B lớp Nguyên, Hải quân Trung Quốc (ảnh tư liệu)

Liên quan đến vấn đề này, tờ “Tin tức Tham khảo” Trung Quốc ngày 17 tháng 10 dẫn lời Bộ trưởng Công nghiệp quốc phòng Pakistan vừa cho biết, Pakistan và Trung Quốc đã xác định kế hoạch chế tạo tàu ngầm, 4 chiếc sẽ chế tạo ở Trung Quốc, còn 4 chiếc sẽ chế tạo ở Pakistan. Nhưng vị bộ trưởng này không tiết lộ thời gian cụ thể và tàu ngầm loại nào.

Dư luận phổ biến cho rằng, tàu ngầm theo thỏa thuận rất có thể là tàu ngầm S-20 lắp hệ thống AIP (hệ thống đẩy không lệ thuộc vào không khí). Đây là phiên bản xuất khẩu của tàu ngầm động cơ diesel-điện Type 039A/Type 041 Trung Quốc. 

Bộ trưởng Công nghiệp quốc phòng Pakistan còn nhấn mạnh, Trung Quốc và Pakistan đã ký kết một thỏa thuận chuyển nhượng công nghệ. Đối với vấn đề này, Pakistan sẽ xây dựng một Trung tâm huấn luyện tàu ngầm ở Karachi.

Theo bài báo, Công ty kỹ thuật đóng tàu Karachi – nhà máy đóng tàu quốc doanh Pakistan đã có kinh nghiệm nhất định trong sửa chữa và chế tạo tàu ngầm, sẽ phụ trách chế tạo những tàu ngầm này.

Tháng 9 năm 2014, tàu ngầm thông thường Type 039 Trung Quốc đậu ở cảng Colombo, Sri Lanka
Tháng 9 năm 2014, tàu ngầm thông thường Type 039 Trung Quốc đậu ở cảng Colombo, Sri Lanka

Mặc dù có thỏa thuận chuyển nhượng công nghệ, nhưng chuyên gia cho rằng, Pakistan vẫn lệ thuộc vào Trung Quốc, nhất là về hệ thống khoa học công nghệ cao như hệ thống AIP.

Các chuyên gia cho rằng, chế tạo những tàu ngầm này có thể được triển khai vào năm 2016. Những tàu ngầm này có thể thống nhất với lực lượng hạt nhân trên biển của Pakistan. Ngoài ra, Pakistan sử dụng hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu II của Trung Quốc phiên bản quân dụng sẽ có tác dụng quan trọng.

Theo chuyên gia, những tàu ngầm này “chạy êm hơn” tàu ngầm hạt nhân Arihanta Ấn Độ, có thể triển khai ở tuyến bờ biển Ấn Độ, trang bị tên lửa hành trình. Nhưng 8 chiếc tàu ngầm không phải đều được trao cho nhiệm vụ răn đe chiến lược, chúng cũng cần thực hiện nhiệm vụ tuần tra thông thường. 

Đông Bình