Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Sự thực kinh hoàng về “nước thiêng” giúp thăng quan tiến chức

23/11/2012 17:00
Theo Kienthuc.net.vn
Với quan niệm chỉ cần ra ngã ba sông lấy vài lít nước về tắm, gội đầu, thậm chí uống ngay không cần đun nấu là gặp được may mắn, cầu gì được nấy, nhanh thăng quan tiến chức… nhiều người đang đánh cược cả mạng sống của mình cho tử thần.
Thành triệu phú nhờ… nước sông
Ngã ba Hạc (Việt Trì, Phú Thọ) hợp lưu bởi sông Thao, sông Đà và sông Lô. Với quan niệm là hợp lưu của 3 dòng sông nơi đất Tổ, là nguồn nước tạo liên kết âm - dương, có thể “tẩy rửa bụi trần cho người chết được siêu thoát” nên từ nhiều năm nay, nước nơi này được người ta “chuyên dụng” vào những việc trọng đại như tắm rửa cho người chết khi khâm liệm, cải táng mồ mả, làm móng xây nhà, thậm chí còn dùng để… uống.
Su thuc kinh hoang ve nuoc thieng giup thang quan tien chuc

Ngã ba sông Hạc - nơi nhiều người đang đánh cược cả mạng sống của mình vì quan niệm lấy nước tắm, gội đầu, uống ngay không cần đun nấu là nhanh thăng quan tiến chức...

Nằm ở trước cổng đền Bạch Hạc, quán nước của bà Hà Thị Vinh (Việt Trì, Phú Thọ) không bao giờ vắng khách. Trong quán bao giờ cũng túc trực hàng chục người chờ đến lượt được đưa thuyền ra ngã ba sông để lấy “nước thiêng”.

Bà Vinh cho biết, vào những ngày rằm, mồng một hay lễ tết, số lượng khách đến đợi dẫn đi lấy nước có khi lên đến hàng trăm người. Nhiều người nhìn từ xa còn nhầm là có hội hè gì đó ở dưới sông nên người dân tập trung trên bờ để… cổ vũ. “Đồng hành” cùng với hàng chục, hàng trăm vị khách là hàng chục, hàng trăm những can, lọ, xô, chậu… đem theo để đựng nước.
Dù chiếc thuyền nhỏ của bà Vinh chỉ chở được tối đa 4 người nhưng mỗi lần đưa khách đi lấy nước bà vẫn cố “nới” thêm lên 6 - 8 người. Bà Vinh kể: “Có lần trời mưa to, nước sông chảy xiết, ra đến giữa dòng thuyền chòng chành cũng hơi hốt, nhưng mà tôi chèo quen rồi nên không việc gì. Chỉ tội 6 ông khách ngồi trên thuyền, mặt ông nào ông nấy xanh như lá chuối vì được phen… hết hồn”.
Mỗi lần đưa khách đi lấy nước sông như thế, bà Vinh lại thu 20 - 30 nghìn đồng/người. Mới chỉ ngồi ở quán nước từ lúc 9 giờ sáng đến 11 giờ trưa, chúng tôi đã chứng kiến có hàng chục lượt khách đến nhờ bà Vinh dẫn đi lấy “nước thiêng”. Mỗi chuyến như thế, bà lại nhẹ nhàng bỏ túi vài trăm ngàn đồng công chèo thuyền dẫn đi. Lúc lên bờ, bà Vinh nói có vẻ tiếc rẻ: “Hôm nay là ngày Rằm mà sao ít khách thế không biết!".
Cũng theo bà Vinh, có người trong làng xây được nhà 3 - 4 tầng và trở thành triệu phú cũng chỉ nhờ có 4 - 5 năm làm nghề đưa khách đi lấy “nước thiêng” và kinh doanh “nước thiêng”.
nuocthieng1-kienthuc.jpg
Quá đông khách nên bà Vinh phải nhờ PV trông quán nước giúp để đưa khách đi lấy "nước thiêng".
“Thiêng hay không thiêng cũng là nước sông”
Tương tự quán nước bà Vinh, quán nước của ông Trần Tiến Tùng ở cạnh bên cũng “xôm tụ” không kém. Ngoài hàng chục khách ngồi chờ sẵn, quán của ông còn bày la liệt hàng trăm chiếc can lớn nhỏ đủ loại từ 2 lít đến 20 lít.
Bên trong quán có can đựng sẵn “nước thiêng” để đáp ứng nhu cầu của các “thượng đế” đến lấy “nước thiêng” mà ngại đi hoặc cần gấp, không có thời gian để lấy.
Mỗi ngày quán ông Tùng đón hàng trăm lượt khách đem can đến để mua sẵn hoặc thuê dẫn đi lấy
Mỗi ngày quán ông Tùng đón hàng trăm lượt khách đem can đến để mua sẵn hoặc thuê dẫn đi lấy "nước thiêng".
Mỗi lít “nước thiêng” ông Tùng bán với giá 15.000 đồng, can 20 lít giá bán 300.000 đồng. Dù bán với giá “chặt chém” như vậy nhưng quán ông Tùng luôn trong tình trạng “thiếu hàng” vì người mua rất đông và “không thích kì kèo” sợ “mất thiêng”.
Khoảng 12 giờ trưa, toàn bộ “nước thiêng” đã bán hết, nhưng vẫn còn vài vị khách quen nữa gọi điện “đặt hàng”, ông Tùng quay sang chúng tôi: “Các chú trông quán giúp tôi khoảng 5 phút nhé”, nói đoạn, ông xách hai chiếc can 10 lít đi xuống bờ sông. Một lát sau ông Tùng quay lại với hai can đầy nước.
Khi chúng tôi thắc mắc sao lấy “nước thiêng” nhanh thế, ông Tùng cười: “Chúng tôi chỉ lấy nước ở ngã ba sông khi dẫn khách đi thôi, chứ nước bán ở đây chủ yếu múc ở ven bờ, chứ mấy ai mà đi ra giữa sông lấy được. Nói thực với các chú chứ, thiêng hay không thiêng cũng là nước sông, nước nào mà chả được”.
Cũng theo ông Tùng, chỉ nhờ vào nghề bán “nước thiêng” này mà ông nuôi cả gia đình với 5 miệng ăn, trong đó có 2 con đang học đại học trên Hà Nội.

Ông

Ông Nguyễn Quang Ngọc, người làm quản lý di tích đền Tam Giang trao đổi với PV về việc người dân đi lấy "nước thiêng".

Ông Nguyễn Quang Ngọc, người làm quản lý di tích đền Tam Giang từ nhiều năm nay cho biết: “Tục lấy nước từ ngã ba sông có ý nghĩa ban đầu chỉ để cầu may nhưng nay đã bị người ta tùy tiện sử dụng vào nhiều việc. Việc lấy “nước thiêng” tùy theo sự ngẫu hứng và tưởng tượng của mỗi người, làm biến dạng đi những giá trị ban đầu”.

"Nước thiêng" có thể gây ung thư
Su thuc kinh hoang ve nuoc thieng giup thang quan tien chuc
Ông Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (thuộc Bộ Y tế): Việc người dân đến múc nước ở sông lên để sử dụng vào việc tắm rửa, gội đầu, thậm chí uống mà không qua đun nấu như hiện nay tiềm ẩn rất nhiều nguy hại đối với sức khỏe.

Về nguyên tắc, để đảm bảo vệ sinh, trước khi sử dụng vào mục đích sinh hoạt, nước sông cần phải trải qua các khâu xử lí. Ngoài ra, khi uống thì cần phải đun sôi.

Trong nước sông có chứa rất nhiều vi khuẩn và tạp chất gây hại cho người như các bệnh tiêu chảy, bệnh da liễu,…

Đặc biệt, hiện nay, một số nhà máy công nghiệp xả chất thải trực tiếp ra sông, trong đó có nhiều hóa chất cực kì độc hại, có thể gây ung thư. Người dân múc nước sông có chứa hóa chất độc hại này để uống có thể bị ung thư. Vì vậy, cần khuyến cáo người dân không nên tin vào lời mê tín dị đoan về “nước thiêng” mà coi thường sức khỏe và sinh mạng mình.

Theo Kienthuc.net.vn