Tại sao Trung Quốc không thích trở thành "số 1 thế giới"?

03/06/2014 15:02
Hồng Thủy
(GDVN) - Trong lịch sử, rõ ràng các bài học cho thấy không có sự lãnh đạo nào bằng vũ lực mà lại lâu bền.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ khi nhậm chức đã theo đuổi đường lối đối ngoại cứng rắn với láng giềng, đặc biệt là những nước Bắc Kinh nhảy vào tranh chấp lãnh thổ. Ảnh: The Guadian.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ khi nhậm chức đã theo đuổi đường lối đối ngoại cứng rắn với láng giềng, đặc biệt là những nước Bắc Kinh nhảy vào tranh chấp lãnh thổ. Ảnh: The Guadian.

Eur Asia Review ngày 3/6 đăng bài phân tích của học giả Kai He, một giáo sư khoa học chính trị từ đại học Utah cho biết, theo ngân hàng Thế giới, GDP của Trung Quốc quy đổi theo sức mua tương đương (PPP) sẽ vượt Mỹ và trở thành số 1 thế giới vào cuối năm nay. Nhưng chính phủ Trung Quốc dường như khó chịu với tin tức này.

Trung Quốc được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế số 1 vào cuối năm nay, vượt qua cả Hoa Kỳ.  Tuy nhiên Bắc Kinh sợ điều này với 3 lý do. Nỗi sợ hãi đầu tiên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu rằng GDP quy đổi sức mua tương đương (PPP) chỉ là một thuật ngữ, trong khi với dân số 1,3 tỉ người - mẫu số lớn nhất thế giới - sẽ làm giảm sức mạnh thực sự của PPP.

Ví dụ năm 2012 GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đứng thứ 91, thậm chí sau cả Iraq đang còn bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ. GDP bình quân đầu người trong PPP của Trung Quốc đã vươn lên vị trí 89, nhưng vẫn xếp sau Cộng hòa Dominica.

Nỗi sợ thứ 2 là ngân sách quân sự của nước này, nó vẫn còn ít hơn 1/3 Hoa Kỳ mặc dù Bắc Kinh đã cố gắng giữ mức tăng trưởng chi tiêu quân sự hàng năm liên tục ở ngưỡng 2 con số. So sánh về sức mạnh mềm, phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới còn quá tầm thường so với Mỹ.

David Shambaugh, một học giả hàng đầu về Trung Quốc kết luận rằng, Bắc Kinh vẫn không phải một quyền lực toàn cầu thực sự mà chỉ là "quyền lực một phần". Bắc Kinh có thể sẽ còn như vậy trong tương lai gần.

Nỗi sợ thứ ba với Bắc Kinh chính là tác động chính sách đằng sau ảo tưởng "Trung Quốc là số 1". Mọi người đều biết rằng quyền lực lớn thì sẽ phải gánh trách nhiệm lớn. Lãnh đạo Trung Quốc đang lo ngại họ có thể sẽ rơi vào 1 cái bẫy tu từ theo quy định của thế giới bên ngoài, đặc biệt là Mỹ.

Năm 2005 Robert Zoellick, sau đó là Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đã đề xuất Trung Quốc có thể đóng vai trò của các bên liên quan có trách nhiệm trong việc định hình chương trình nghị sự quốc tế. Với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, đề nghị của Zoellick là một cái bẫy tu từ nhằm mục đích giới hạn hành vi chinh sách đối ngoại của Trung Quốc.

Lãnh đạo Trung quốc không ngần ngại thực hiện mục tiêu chiến lược của họ là "phục hưng dân tộc Trung Hoa" hay còn gọi là "giấc mơ Trung Quốc" mà Tập Cận Bình đề xướng.

Giáo sư Kai He (trái).
Giáo sư Kai He (trái).

Mặc dù vẫn có thể còn quá sớm để nghĩ về việc làm thế nào để dẫn đầu thế giới hiện nay, đã đến lúc các nhà lãnh đạo Trung Quốc nên bắt đầu học hỏi. Đầu tiên họ cần duy trì quốc gia của mình trong trật tự, đảm bảo 1 xã hội ổn định với dân số khổng lồ, đó là đống góp lớn nhất mà Trung Quốc có thê làm cho thế giới.

Thứ 2, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh nên giữ hòa bình với các nước láng giềng thông qua các quy tắc và chuẩn mực. Trong lịch sử, rõ ràng các bài học cho thấy không có sự lãnh đạo nào bằng vũ lực mà lâu bền. Do đó một nhà lãnh đạo thực sự cần phải biết thiết lập các quy tắc và chuẩn mực trong xã hội quốc tế. 

Và để khuyến khích nước khác làm theo, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nên gương mẫu trong việc tuân thủ các quy tắc, tiêu chuẩn đã đề ra, mà COC trên Biển Đông có thể là bước đầu tiên giúp Trung Quốc thiết lập các quy tắc hạ nhiệt căng thẳng.

Trung Quốc sẽ không trở thành một nhà lãnh đạo thực sự nếu họ vẫn tiếp tục tranh cãi với láng giềng về chủ quyền các đảo nhỏ, bãi san hô trên Biển Đông. Cuối cùng Trung Quốc phải vượt qua những lo ngại được đề cập ở trên. Một sự tự tin, tích cực và khiêm tốn sẽ giúp Trung Quốc nhận được sự chào đón của cộng đồng quốc tế, dù họ có trở thành "số 1 thế giới" hay không?

Chủ nghĩa dân tộc cực đoan hoặc gọi theo cách Bắc Kinh yêu thích là "lòng yêu nước" đã trở thành công cụ chính trị hữu ích cho giới chức Trung Quốc tập trung sự ủng hộ của dân.

Tuy nhiên, chủ nghĩa dân tộc cực đoan cũng là một con dao hai lưỡi đối với bất kỳ quốc gia nào. Kiểm soát nó tốt có thể hữu ích với giới lãnh đạo Trung Quốc, nhưng khi chủ nghĩa dân tộc lan tràn có thể phản tác dụng.

Ví dụ trong vấn đề hàng hải hiện nay giữa Trung Quốc và Việt Nam hay Philippines, cư dân mạng Trung Quốc đã công khai đặt câu hỏi về những điểm yếu của chính phủ nước mình trong việc bảo vệ cái gọi là "lợi ích quốc gia cốt lõi" ở Biển Đông.

Nếu Trung Quốc hân hoan đón nhận "danh hiệu" số 1 thế giới thì ngay sau đó chính phủ nước này sẽ phải đối mặt với nhiều đòi hỏi và áp lực, bởi một nền "ngoại giao yếu" rõ ràng không phù hợp với một quốc gia "giàu mạnh", chưa nói nó lại là "số 1 thế giới".

Do đó chính phủ Trung Quốc từ chối công nhận phương pháp của Ngân hàng Thế giới cũng như không đồng ý công bố kết quả của Trung Quốc.

Hồng Thủy