Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Tâm thư của độc giả về việc xử phạt tăng nặng xe không chính chủ

11/11/2012 18:06
Huệ Nguyễn
(GDVN) - Trong tâm trạng lo lắng cho mình, cho bà con của mình là người ngoại thành vào Hà Nội thăm người thân, độc giả Đinh Hiền Trạch đặt câu hỏi: “Vậy những người ở quê có bà con ở Hà Nội ra thăm và mượn xe đi tham quan, lỡ bị CSGT kiểm tra thì thế nào? Đem theo hộ khẩu của chủ xe, lỡ mất xe, mất luôn hộ khẩu thì phải làm sao? Chúng ta cũng cần lắm việc siết chặt để khắc chế cán bộ làm bậy, làm thất thoát tài sản quốc gia?”.

Vẫn là tâm trạng lo lắng với hàng trăm câu hỏi được đặt ra trước sự “vào cuộc” nhanh chóng của Nghị định, là những đóng góp chân thành với mong muốn Nghị định khi đưa vào cuộc sống sẽ giúp các cơ quan Nhà nước quản lý có hiệu quả các mặt của giao thông hiện nay…

Trước những phát biểu của Đại tá Đào Vịnh Thắng – Trưởng phòng CSGT TP. Hà Nội: “Đối với những trường hợp cho mượn, khi cho mượn xe thì chủ phương tiện phải giao cho người có đầy đủ giấy tờ để có thể điều khiển phương tiện theo quy định của pháp luật: Giấy phép lái xe, Bảo hiểm xe…”. Độc giả Nguyễn Cường lên tiếng: “Chúng ta phải nghĩ tới trường hợp khi họ mượn mang đi bán hoặc tiến hành lừa đảo thì sao? Đâu phải ai cho mượn xe cũng cho mượn luôn cả giấy tờ được?”.

Trong tâm trạng lo lắng cho mình, cho bà con của mình là người ngoại thành vào Hà Nội thăm người thân, độc giả Đinh Hiền Trạch đặt câu hỏi: “Vậy những người ở quê có bà con ở Hà Nội ra thăm và mượn xe đi tham quan, lỡ bị CSGT kiểm tra thì thế nào? Đem theo hộ khẩu của chủ xe, lỡ mất xe, mất luôn hộ khẩu thì phải làm sao? Chúng ta cũng cần lắm có việc siết chặt để khắc chế cán bộ làm bậy, làm thất thoát tài sản quốc gia?”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam cũng đã có cuộc phỏng vấn nhanh với Cục trưởng CSGT Đường bộ - Đường sắt (C67 Bộ Công an) Nguyễn Văn Tuyên về các giấy tờ người mượn xe cần phải có để chứng minh là xe đi mượn thì ông Tuyên cho biết: “Chưa có giấy tờ nào về việc đó và sẽ có văn bản hướng dẫn việc đó. Trong trường hợp bị CSGT thổi còi thì người điều khiển phải trình bày. Nếu trình bày có lý thì anh em sẽ không phạt”.

Trước câu trả lời ấy, độc giả Mikachu Trần đã tự đặt ra câu hỏi trong tâm trạng hoang mang: “Khi mượn xe cần giấy tờ gì?”.

“Tôi cũng có nhiều băn khoăn về việc này, tôi có vài thắc mắc nhờ được tư vấn: 

1. Trường hợp vợ đi xe của chồng hay ngược lại. Chẳng lẽ lúc đi xe phải đem theo giấy đăng ký kết hôn để làm chứng?

2. Trường hợp ba dượng không hợp pháp (không có giấy đăng kí kết hôn với mẹ tôi) mua cho tôi xe để làm phương tiện đi học nhưng ba dượng tôi đứng tên xe thì khi bị CSGT kiểm tra giấy tờ xe không phải tên tôi thì tôi phải chứng minh như thế nào để cho mấy chú tin đây? Tôi nghĩ mãi cũng chẳng có giấy tờ gì để chứng minh việc này mà tôi và gia đình lại ở khác tỉnh. Nghị định 71 này làm người dân chúng tôi hoang mang quá. Mong được tư vấn để người dân chúng tôi được rõ hơn về việc này?”.

Trước “làn sóng” của cư dân mạng: người phản đối, người trong tâm trạng lo lắng, người luôn phân vân và đặt ra cho mình những câu hỏi, những “tâm thư” gửi tới các cấp lãnh đạo… Báo Giáo dục Việt Nam cũng đã nhận được nhiều đóng góp tích cực của độc giả trên mọi miền đất nước:

Độc giả Trần Anh: “Tôi hoàn toàn ủng hộ việc bắt buộc phải sang tên đổi chủ, nhưng xét điều kiện và tình hình kinh tế và mức sống của người dân thì theo tôi Luật này chưa nên áp dựng vào thời điểm hiện tại vì:

- Dân ta chưa đủ điều kiện mua mỗi người một chiếc xe để đi làm việc vì hiện tại lương quá thấp.

 - Với nhiều phương tiện ngày trước cho phép lưu hành không cần chính chủ nên bây giờ tìm lại chủ cũ của xe đó để sang tên là việc làm rất khó khăn.

 - Cần thông báo rộng rãi quy định này một thời gian dài để người dân có đủ thời gian chuyển đổi phương tiện”.

Hay như đóng góp của độc giả Hoàng Kim: Về việc cho phép người sở hữu cuối cùng được đăng ký lại xe khi không liên hệ được với chủ đứng tên theo đăng ký là hợp lý, nhưng vấn đề phạt bao nhiêu chưa nêu rõ làm người sử dụng xe hoang mang. Đại đa số người mua lại xe cũ, nhất là xe máy cũ là để phục vụ nhu cầu đi lại khi thu nhập chưa cao và không ổn định. Hơn nữa, trước đây đã có thời gian người dân không được đăng ký xe vì một lý do nào đó. Nên chăng giảm nhẹ và công khai mức phí đăng kí lại xe? Giảm thiểu mức phạt khi người đang sở hữu phương tiện đăng ký mới theo tên mình?”.

Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật những thông tin liên quan tới Nghị định 71 của Chính phủ.

Huệ Nguyễn