Độc giả bàn luận xung quanh câu chuyện thu phí và vấn nạn ùn tắc giao thông:

Tăng cầu qua sông, mở thêm đường kết nối sẽ giảm ùn tắc ở Hà Nội?

28/04/2012 06:22
Độc giả Trần Dân (Hà Nội)
(GDVN) - "Sông Tô Lịch chạy vòng quanh là 1 rào chắn tự nhiên bó buộc không gian Hà Nội vào bên trong nó nên việc tăng số lượng cầu vượt qua sông, mở thêm đường kết nối đến các khu đô thị mới phía Tây sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông...", độc giả Trần Dân nhấn mạnh.
Xung quanh câu chuyện về vấn nạn ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM và đề án thu phí hạn chế phương tiện cá nhân, đã có rất nhiều ý kiến tranh luận, đóng góp, hiến kế...gửi về tòa soạn báo Giáo dục Việt Nam.
Để rộng đường dư luận, Báo Giáo dục Việt Nam xin tiếp tục đăng tải bài viết của độc giả Trần Dân với nội dung hiến kế trong việc giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông tại thủ đô Hà Nội. Mời bạn đọc cùng theo dõi: Là mội người dân Hà Nội, hàng ngày đi trên từng con phố, tuyến đường, chứng kiến cảnh ùn tắc giao thông xảy ra liên tục, cũng như nhiều người dân thủ đô khác, tôi thực sự cảm thấy rất mệt mỏi và bức xúc. Có lẽ vì vậy mà trong thời gian qua, tôi đã theo dõi rất sát những đề xuất, phương án mà Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đưa ra nhằm giải quyết vấn nạn này. Trước hết, theo cảm nhận, đánh giá của tôi, những phương án của Bộ trưởng thể hiện sự mạnh mẽ, táo bạo, dám nghĩ, dám làm, tuy nhiên ở một số phương án, đặc biệt là phương án thu phí hạn chế phương tiện cá nhân, theo tôi vẫn chưa được thấu tình, đạt lý, hợp với lòng dân.
Độc giả cho rằng việc mở thêm các cầu qua sông Tô Lịch sẽ góp phần giảm ùn tắc ở thủ đô. (Ảnh: minh họa/ Internet).
Độc giả cho rằng việc mở thêm các cầu qua sông Tô Lịch sẽ góp phần giảm ùn tắc ở thủ đô. (Ảnh: minh họa/ Internet).

Xuất phát từ đó, cộng thêm với việc thường xuyên theo dõi các ý kiến của nhiều độc giả khác, tôi cũng mong muốn gửi một vài ý kiến, chia sẻ của mình nhằm góp phần xây dựng giải pháp tổng thể, tối ưu giải bài toán ùn tắc giao thông.Thứ nhất, theo tôi, có 1 việc đáng ra ngành giao thông Hà Nội đã phải tiến hành làm từ lâu là cải tạo, mở rộng các tuyến đường cũ trong khu vực nội đô. Đặc biệt như các tuyến đường Đê La Thành, Trường Chinh, Đại La, Minh Khai... có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất đông nhưng bề rộng đường nhỏ thêm vào đó mặt đường cũng bắt đầu xuống cấp dẫn đến tình trạng ùn ứ diễn ra ngày càng trầm trọng... Gần đây, quy hoạch Hà Nội lại mở rộng về phía Đông và Tây, tuy nhiên lại không có nhiều tuyến đường mới được mở theo hướng này. Chính vì vậy mà ùn tắc giao thông thường xuyên diễn ra trầm trọng. Để rõ ràng hơn lời tôi nói, mọi người có thể nhìn vào bản đồ giao thông Hà Nội sẽ thấy rõ, có quá ít đường trục theo hướng này. Lý do có tính lịch sử: tuyến đường sắt Bắc - Nam đã chia cắt Hà nội thành 2 nửa tách bạch.Thêm vào đó, như mọi người đã thấy, con sông Tô Lịch chạy vòng quanh cũng là 1 rào chắn tự nhiên bó buộc không gian của thủ đô Hà Nội vào bên trong nó. Tuy nhiên, cũng như các tuyến đường theo hướng Đông - Tây, các cầu giao thông bắc qua sông Tô Lịch hiện nay cũng còn rất thiếu. Hiện nay mới chỉ có cầu Hòa Mục chạy theo hướng Láng Hạ - Lê Văn Lương, cầu Trung Hòa, cầu Mới... Nên tôi thấy rằng, cùng với việc mở thêm các tuyến đường kết nối đến các khu đô thị mới phía Tây đang ngày càng mở rộng thì việc xây dựng thêm sớm các cầu vượt qua sông Tô Lịch cũng như các con sông khác sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông cũng đang diễn ra trầm trọng ở khu vực này nói riêng và cả thủ đô nói chung.Thứ hai, theo tôi, việc cần kíp nữa để giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông tại Hà Nội hiện nay là cần phải đẩy nhanh việc dẹp sạch nạn lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để làm nơi kinh doanh, buôn bán.  Thực tế, hiện nay, hầu hết các tuyến đường tại thủ đô từ phố cổ đến phố mới đều trong tình trạng lòng đường bị hàng rong lấn,, vỉa hè bị các hộ dân sống hai bên đường "chiếm" làm nơi kinh doanh buôn bán. Đường nhỏ, vỉa hè, lòng đường lại bị lấn chiếm như trên các tuyến Đê La Thành, Trường Chinh, Đại La... thì việc ùn tắc là điều không thể tránh khỏi. Vì thế, việc dẹp "loạn" lòng đường, vỉa hè thông thoáng sẽ góp phần rất lớn trong việc giảm ùn tắc giao thông ở thủ đô.Thứ ba, thời gian vừa qua, phương án di chuyển các cơ quan, trường học, bệnh viện, nhà máy... ra khỏi nội đô Hà Nội đã được nói đến rất nhiều nhưng việc thực hiện nó đang rất chậm chạp. Nên tôi mong muốn các cơ quan chức năng cần đẩy nhanh việc này. Bởi khi các cơ quan, đơn vị này chuyển đi sẽ giúp giảm bớt một lượng lớn người, xe tham gia giao thông, góp phần giảm ùn tắc.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)


Thêm vào đó, diện tích đất của các cơ quan, đơn vị này khi di chuyển đi, tôi nghĩ chúng ta nên mua lại để sử dụng vào mục đích phát triển hạ tầng giao thông chứ không nên để bị bán, rồi biến thành các nhà chung cư, trung tâm thương mại... Điều đó sẽ gây ra hệ lụy rất lớn cho hạ tầng giao thông.Thứ tư, tôi cũng rất ủng hộ việc tăng mức xử phạt đối với các chủ phương tiện điều khiển xe vi phạm trong khu vực nội đô. Việc xử phạt nghiêm minh, đánh mạnh vào túi tiền sẽ giúp cho người dân ý thức hơn trong việc tham gia giao thông: không phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng... gây ùn tắc. Cùng với đó cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý thích đáng những cán bộ thi hành xử phạt trong lĩnh vực này. Người tham gia giao thông vi phạm xử nghiêm, người xử lý vi phạm mà vi phạm xử nặng sẽ góp phần nâng cao nhận thức, ý thức và tiến tới tạo cho đường phố an toàn, thông thoáng hơn. Bên cạnh các giải pháp trên, việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp mà nhiều người dân khác đã có ý kiến như đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, nâng cấp chất lượng, mở các tuyến xe buýt mới, đẩy mạnh dự án đường sắt trên cao, sớm triển khai hệ thống tàu điện ngầm... ở thủ đô sẽ góp phần rất quan trọng giảm ùn tắc giao thông. Theo ý kiến của tôi, khi tất cả xã hội chúng ta cùng vào cuộc, cùng đồng lòng, chung sức, chung tay giải quyết thì chắc chắn ùn tắc giao thông sẽ giảm dần và tiến tới biến mất hoàn toàn.Mọi ý kiến, hiến kế xin mời độc giả gửi về:toasoan@giaoduc.net.vn
Độc giả Trần Dân (Hà Nội)