Tạp chí Jane's viết gì về sự phát triển của máy bay quân sự Trung Quốc

02/12/2013 07:00
Đông Bình
(GDVN) - Theo bài viết, tuy Trung Quốc đã đạt được tiến bộ lớn trong rất nhiều lĩnh vực như nghiên cứu chế tạo máy bay, hệ thống máy bay, công nghệ sản xuất và vật liệu composite, nhưng hiện nay những năng lực này đều chưa hoàn thiện.
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm J-20 đang được Trung Quốc phát triển
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm J-20 đang được Trung Quốc phát triển

Bài viết "Tham vọng trên không của Trung Quốc" của tờ "Jane's Defense Weekly" Anh ngày 26 tháng 11 của tác giả Craig Caffrey cho rằng, trong 15 năm qua, công nghiệp hàng không Trung Quốc đã đạt được tiến triển, đến nay nó có thể thỏa mãn ngày càng nhiều nhu cầu của Quân đội Trung Quốc trên phương diện thiết kế và nghiên cứu phát triển máy bay.

Theo bài viết, mặc dù về năng lực quân sự và công nghiệp một số lĩnh vực quan trọng còn tồn tại hạn chế, nhưng Trung Quốc đang cố gắng tìm cách xóa bỏ sự chênh lệch trên phương diện này, từ đó thành lập một ngành hàng không quân sự trong nước thực sự tự lực cánh sinh.

Bài viết cho rằng, rất nhiều sự kiện đáng quan tâm khiến cho người ta khó mà coi nhẹ sự phát triển năng lực hàng không của Trung Quốc trong 5 năm qua. Từ năm 2011 tới nay, có 7 loại máy bay chiến đấu mới đã đã tiến hành bay thử, trong đó có 2 loại máy bay chiến đấu được nước này tuyên bố là "thế hệ thứ năm".

Quân đội Trung Quốc đã đạt được tiến triển trên phương diện tiến hành hiện đại hóa máy bay chiến đấu và gia tăng số lượng máy bay chiến đấu này. Điều này ở phần lớn là kết quả của 9 chương trình sản xuất máy bay quân dụng đã biết của Trung Quốc. Được biết, năm 2012, những chương trình này đã chế tạo 148 máy bay cho Lục, Hải, Không quân Trung Quốc.

Máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm J-31 đang được Trung Quốc phát triển
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm J-31 đang được Trung Quốc phát triển

Từ năm 2011 tới nay, 2 chương trình được dư luận quan tâm nhất là máy bay chiến đấu J-20 của Công ty công nghiệp máy bay Thành Đô và máy bay chiến đấu thế hệ J-31 của Công ty máy bay Thẩm Dương. Mặc dù sau khi quan chức Quân đội Trung Quốc ngầm thừa nhận sự tồn tại của chương trình J-20 và bên ngoài đã phổ biến đoán trước được sự xuất hiện của máy bay này vào năm 2011, nhưng 21 tháng sau đó Trung Quốc lại tiếp tục công bố máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm J-31.

Điều này rõ ràng đã phản ánh độ rộng trong công tác nghiên cứu phát triển đang triển khai của Trung Quốc. Hiện nay còn chưa có dấu hiệu cho thấy Quân đội Trung Quốc có ý định mua máy bay J-31. Tuy nhiên, J-20 trong tương lai sẽ trở thành loại máy bay chủ yếu của lực lượng máy bay chiến đấu 2 động cơ của Không quân Trung Quốc.

Bài viết chỉ ra, máy bay chiến đấu J-20 và J-31 đều được cho là có tính năng tàng hình. Tuy nhiên, phán đoán năng lực của hai loại máy bay này vẫn rất khó, bởi vì, về tính năng của máy bay quân dụng, hệ thống và bộ cảm biến đều quan trọng hơn so với trước đây.

Trước khi hiểu sâu hơn về công nghệ của J-20 và J-31, không thể tiến hành so sánh chính xác hai loại máy bay này với máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm khác. Ngoài ra, cùng với sự hoàn thiện và phát triển của công nghệ mới, máy bay phiên bản sản xuất hàng loạt cuối cùng có thể có khác biệt rất lớn ở một số phương diện so với máy bay nguyên mẫu trong giai đoạn bay thử hiện nay.

Trung Quốc đang phát triển máy bay vận tải cỡ lớn/chiến lược Y-20
Trung Quốc đang phát triển máy bay vận tải cỡ lớn/chiến lược Y-20

Máy bay vận tải

Bài viết cho rằng, đối với ngành hàng không và Quân đội Trung Quốc, cột mốc quan trọng hơn có thể là máy bay vận tải chiến lược Y-20 của Tập đoàn công nghiệp máy bay Tây An bay thử vào tháng 1 năm 2013. Máy bay Y-20 là loại máy bay vận tải cỡ lớn thực sự đầu tiên do Trung Quốc tự sản xuất, đã cho thấy năng lực công nghiệp của Trung Quốc tiếp tục cải thiện, mặc dù nó còn trang bị động cơ D-30KP2 do công ty động cơ hàng không Nga chế tạo, rõ ràng cũng đã áp dụng thiết kế của Cục thiết kế Antonov, Ukraine.

Sự xuất hiện của loại máy bay này cũng đã cung cấp cơ hội tiềm năng cho nghiên cứu chế tạo máy bay tiếp dầu trên không thực sự trong tương lai, từ đó khắc phục 2 điểm yếu then chốt của phi đội máy bay Quân đội Trung Quốc hiện nay.

Đồng thời, chương trình máy bay Y-20 của Công ty công nghiệp máy bay Thiểm Tây tiếp tục chứng minh Trung Quốc đang tăng cường coi trọng đối với năng lực không vận. Y-20 là sự nâng cấp hiện đại hóa toàn diện của máy bay vận tải chiến thuật Y-8 do công ty này sản xuất, gồm cánh máy bay, thân máy bay chịu áp được thiết kế lại và cánh quạt 6 lá mới.

Máy bay huấn luyện JL-9 Trung Quốc
Máy bay huấn luyện JL-9 Trung Quốc

Cùng với việc máy bay JL-9 của Công ty công nghiệp hàng không Quý Châu và JL-10 của Tập đoàn công nghiệp hàng không Hồng Đô bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt, cải tạo hiện đại hóa lực lượng máy bay huấn luyện động cơ phản lực của Không quân và Hải quân Trung Quốc cũng chính thức bắt đầu.

Mặc dù Quân đội Trung Quốc có nhu cầu cấp bách, nhưng ngành công nghiệp trong nước còn chưa nghiên cứu chế tạo được loại máy bay trực thăng vận tải hạng trung và hạng nặng.

Máy bay trực thăng Z-9 của Công ty công nghiệp hàng không Cáp Nhĩ Tân đảm đương một loạt nhiệm vụ như vận chuyển lực lượng (Z-9B), tác chiến săn ngầm (Z-9C), tấn công đối đất (Z--9D) và chi viện trên không tầm gần (Z-9WZ), ở mức độ nhất định, do thiếu những loại máy bay đáng tin cậy sản xuất ở trong nước đáp ứng những nhu cầu này.

Bài viết chỉ ra, trong tương lai, tiến hành cải tạo quân dụng đối với máy bay trực thăng dân dụng Z-15 (do Công ty công nghiệp hàng không máy bay Cáp Nhĩ Tân và Công ty trực thăng châu Âu (Eurocopter) hợp tác nghiên cứu chế tạo) và một loại máy bay chưa đặt tên (thường được gọi là Z-20, tương tự như máy bay trực thăng UH-60 Black Hawk của Công ty máy bay Sikorsky) là sự lựa chọn khắc phục hạn chế thành công có khả năng nhất trong ngắn hạn.

Máy bay trực thăng Z-9 của Hải quân Trung Quốc (trực thăng săn ngầm)
Máy bay trực thăng Z-9 của Hải quân Trung Quốc (trực thăng săn ngầm)

Máy bay chiến đấu vẫn là trọng điểm

Bài viết cho rằng, tuy 3 năm qua, Trung Quốc ngày càng mở rộng trong lĩnh vực hoạt động thiết kế và chế tạo máy bay, nhưng máy bay chiến đấu vẫn là trọng điểm ngắn hạn của ngành hàng không. Năm 2013, trong 9 chương trình sản xuất được đẩy mạnh của Trung Quốc, có 4 chương trình là chế tạo máy bay cho lực lượng máy bay chiến đấu và máy bay ném bom của Quân đội Trung Quốc, chúng lần lượt là H-6K, JH-7A, J-10A và J-11B. Tương tự, 5 chương trình nghiên cứu chế tạo đang tiến hành gồm J-10B, J-15, J-16, J-20 và J-31 đều là loại máy bay chiến đấu đa năng.

Một kết quả của phát triển nhanh chóng các chương trình máy bay chiến đấu nội địa là, trong 10 năm qua, lực lượng máy bay chiến đấu của Quân đội Trung Quốc đã trải qua quá trình hiện đại hóa nhanh chóng. Năm 2007, khoảng 1/4 máy bay trong lực lượng máy bay chiến đấu của Không quân Trung Quốc được gọi là máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư, trong khi đó, chỉ sau 6 năm, đến cuối năm 2013, trong phi đội máy bay hầu như một nửa máy bay được cho là đã đạt đến tiêu chuẩn này.

Nhưng, đến nay, việc nâng cấp hiện đại hóa ở mức độ rất lớn vẫn chỉ giới hạn ở lực lượng máy bay chiến đấu, việc nghiên cứu chế tạo và sản xuất máy bay chiến đấu được ưu tiên hơn các máy bay chi viện như máy bay vận tải và máy bay tiếp dầu trên không.

Máy bay chiến đấu J-15 của Hải quân Trung Quốc
Máy bay chiến đấu J-15 của Hải quân Trung Quốc

Theo bài viết, tuy Trung Quốc đã đạt được tiến bộ lớn trong rất nhiều lĩnh vực như nghiên cứu chế tạo máy bay, hệ thống máy bay, công nghệ sản xuất và vật liệu composite,  nhưng hiện nay những năng lực này đều chưa hoàn thiện.

Ngoài ra, rất nhiều phương diện của các lĩnh vực này, như năng lực của ngành công nghiệp và của Quân đội Trung Quốc vẫn tồn tại khoảng cách. Trong 10 năm tới, những thách thức của Trung Quốc không phải là phát triển máy bay chiến đấu nội địa mới, mà là thu hẹp những khoảng cách này.

Đông Bình