Tàu 5 sao hủy tour đến Hải Phòng vì ngại tắc đường

09/12/2011 07:00
LÊ SƠN/Tuổi trẻ
Tàu du lịch quốc tế năm sao Silver Shadow (Hãng tàu du lịch SilverSea Cruises Ltd) vừa thông báo hủy kế hoạch các chuyến tàu đến Hải Phòng trong năm 2012

lý do duy nhất đưa ra là tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng.

Và đường ra vào cảng Đình Vũ thường xuyên bị tắc nghẽn nghiêm trọng - Ảnh: HẢI PHONG

Và đường ra vào cảng Đình Vũ thường xuyên bị tắc nghẽn nghiêm trọng - Ảnh: HẢI PHONG

Với những yếu kém về hạ tầng giao thông, chưa có hệ thống cảng biển du lịch, sản phẩm du lịch còn nghèo nàn..., câu chuyện tàu du lịch cao cấp từ chối đến Hải Phòng được xem là kết quả được báo trước.

3km, 3 giờ di chuyển

Đại diện công ty chuyên đón khách tàu biển Tân Hồng - Du Ngoạn Việt (Viet Excursions, TP.HCM), đơn vị tổ chức đón tàu Silver Shadow, cho biết không quá bất ngờ khi đối tác từ chối đến Hải Phòng do tắc đường.

Theo ông Lê Đình Tuấn - giám đốc Viet Excursions, là đơn vị trực tiếp đứng ra đón tiếp và tổ chức tour cho khách nên rất hiểu nỗi “thống khổ” của khách tham quan khi phải ngồi trên xe gần ba giờ di chuyển từ cảng Đình Vũ vào thành phố Hải Phòng với quãng đường chỉ có 3km. Khách tàu biển thường có nhu cầu tham quan vịnh Hạ Long - Hà Nội. Tuy nhiên do quãng đường từ Quảng Ninh đến Hà Nội mất khá nhiều thời gian (khoảng tám giờ hai chiều), trong khi họ chỉ có khoảng 10 giờ tham quan ở đây. Do đó để đến Hà Nội, khách tham quan phải ghé Hải Phòng để thực hiện hành trình này.

Khi ghé Hải Phòng vào buổi sáng, khách tham quan sẽ tiếp tục di chuyển ra Hà Nội và cố gắng về đến Hải Phòng khoảng 18g, nhưng thực tế có nhiều lần đoàn phải mất ba giờ mới đưa được khách lên tàu. “Đã có đoàn gần 2.000 khách của tập đoàn tài chính tại châu Âu, Mỹ thuê nguyên tàu Silver Shadow để du ngoạn. Khi đến đây, họ lập tức dừng chuyến đi và yêu cầu hãng tàu bồi thường toàn bộ chi phí của chuyến đi vì họ cảm giác như bị lừa!” - ông Tuấn cho biết.

Thực tế nhiều năm gần đây tàu Silver Shadow thường xuyên đến VN. Mới đây, chỉ trong tháng 10 và 11-2011 đã có bốn lần tàu Silver Shadow đến VN thực hiện hành trình du ngoạn xuyên Việt. Sau những sự cố tại Hải Phòng, tàu Silver Shadow đã thay đổi hành trình, không đến Hải Phòng để vào tham quan Hà Nội mà chỉ ghé khu vực miền Trung, miền Nam.

Đại diện Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist cũng cho biết chính những bất lợi về cầu cảng, giao thông tại Hải Phòng khiến công ty e dè đưa tàu khách du lịch đến. Công ty chấp nhận việc giảm lượng khách thay vì làm mất lòng du khách cũng như hãng tàu.

Và đường ra vào cảng Đình Vũ thường xuyên bị tắc nghẽn nghiêm trọng - Ảnh: HẢI PHONG

Và đường ra vào cảng Đình Vũ thường xuyên bị tắc nghẽn nghiêm trọng - Ảnh: HẢI PHONG

Vẫn “mơ” cảng du lịch

Mặc dù cả nước có bờ biển dài trên 3.200km và việc đón các hãng tàu du lịch cao cấp được thực hiện hơn chục năm qua, nhưng đến nay “giấc mơ” có một cảng biển du lịch vẫn chưa trở thành hiện thực. Hầu hết các đơn vị du lịch chuyên đón khách tàu biển đều cho rằng họ chỉ mong có một cảng biển du lịch “đơn sơ” với cầu cảng, khu nhà chờ có mái che, sạch sẽ, riêng biệt thay vì phải cập vào các cảng hàng hóa như hiện nay.

Theo khảo sát, hiện nay hầu hết tàu du lịch trọng tải lớn (trên 1.000 khách) khi đến TP.HCM đều phải cập bến tại các cảng Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu), Navi Oil, Lotus... Tuy nhiên, đây là những cảng hàng hóa hoạt động tấp nập nên nhiều khi tàu du lịch đến đây phải đợi chờ mới có thể cập cảng. Trong khi đó để đến vịnh Hạ Long, tàu biển du lịch chỉ có thể cập cảng Cái Lân. Song việc có quá nhiều tàu hàng cập tại đây khiến các công ty du lịch buộc phải cho tàu neo đậu phía ngoài, sau đó dùng thuyền nhỏ ra đón khách. Việc này gây nhiều bất tiện, tốn chi phí cũng như mất an toàn cho du khách.

Ông Lê Quang Thắng - trưởng phòng du lịch tàu biển của Saigontourist - cho rằng việc tàu du lịch phải cập cảng chung với các tàu hàng là điều hết sức bất tiện. Khách du lịch khó có thể “thích ứng” với sự lộn xộn của khung cảnh bốc dỡ hàng hóa cùng hàng loạt mùi, âm thanh khó chịu khi vừa bước xuống từ một không gian sang trọng.

Việc giao thông thiếu thuận lợi cũng khiến những tour tuyến dành cho khách du lịch tàu biển bị hạn chế. Cụ thể tại TP.HCM, dù khách du lịch rất muốn tham quan các điểm đến tại khu vực miền Tây, nhưng hầu hết tour dạng này không thể thực hiện vì thời gian di chuyển quá lâu, trong khi khách tàu biển bị hạn chế về thời gian lưu trú.

Điều này cũng không ngạc nhiên khi đa số tour du lịch dành cho khách tàu biển khi đến TP.HCM chỉ dừng ở các tour tham quan vòng quanh thành phố (city tour). Tương tự, khi khách đến Hải Phòng, vịnh Hạ Long, họ rất muốn tham quan Hà Nội nhưng đa số đều không thực hiện được khi chỉ có một ngày nhưng thời gian di chuyển đã mất quá nửa.

Khách hàng chịu chi

Khách du lịch tàu biển quốc tế luôn được đánh giá là những vị khách sang trọng và rất chịu chi. Họ không tiếc bỏ ra chi phí lớn để có được những dịch vụ tốt nhất.

Mới đây, một đoàn khách tàu biển đa quốc tịch đã đặt hàng hơn 200 bộ áo vest của một cửa hàng may mặc tại Hội An. Để thực hiện việc này, họ bao toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở cho hai nhân viên của cửa hàng bay sang Singapore để cắt đo. Khi khách du lịch rời Singapore đến TP.HCM, các nhân viên cửa hàng tiếp tục bay từ Hội An vào để khách thử đồ. Khi đến miền Trung tham quan Huế - Đà Nẵng - Hội An, cũng là lúc khách du lịch nhận những bộ áo vest được may đo vừa ý dù giá thành đội lên rất cao bởi các chi phí khác.

Theo thống kê của đơn vị chuyên đón khách tàu biển quốc tế, mức chi tiêu dành riêng cho mua sắm là 200-300 USD/ngày. Tuy nhiên, mức chi tiêu này còn rất thấp so với việc họ đến tham quan tại Thái Lan, Singapore... Năm 2011, lượng khách tàu biển đến VN dự kiến khoảng 211.000 lượt khách.

LÊ SƠN/Tuổi trẻ