Nhật báo Bắc Kinh, TQ:

Tàu ngầm Trung Quốc chỉ cần nhúc nhích là bị Mỹ, Nhật Bản theo dõi

11/07/2013 07:12
Đông Bình
(GDVN) - Mỹ thông qua rất nhiều chương trình, kế hoạch và phối hợp với Nhật Bản lập mạng lưới nghe lén ở các vùng biển xung quanh Trung Quốc.
Tàu ngầm hạt nhân Mỹ neo đậu tại cảng biển của Nhật Bản
Tàu ngầm hạt nhân Mỹ neo đậu tại cảng biển của Nhật Bản


Triển khai "lực lượng trinh sát đáy biển"

Tờ "Nhật báo Bắc Kinh" vừa có bài viết cho rằng, ngay từ cuối thế kỷ 20, quân Mỹ đã sử dụng thủ đoạn công nghệ như tàu lặn không người lái, dựa vào "chương trình khoan thăm dò tổng hợp đại dương quốc tế" do Liên hợp quốc tổ chức, thu thập tin tức tình báo quân sự của các nước có liên quan.

Mấy năm trước, tàu Hải giám Trung Quốc từng nhặt được một chiếc phao nổi của quân Mỹ trên Biển Đông, đó là chương trình thử nghiệm quan trắc biển toàn cầu được Mỹ triển khai dựa vào tổ chức quốc tế, dùng để thu thập tin tức tình báo an ninh của các nước duyên hải trên thế giới.

Đồng thời, trong cùng thời gian, Hải quân Mỹ đã triển khai "lực lượng trinh sát đáy biển" (hệ thống ISR dưới nước) nhằm vào Trung Quốc và các nước có liên quan, sử dụng công nghệ thông tin hiện đại và công nghệ xử lý tín hiệu máy tính, nghe lén tin tức tình báo từ cự ly xa.

Hải quân Mỹ trước sau cũng đã triển khai rất nhiều trận địa anten, sonar ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, mang tên "Kế hoạch người khổng lồ". Đến năm 1998, đã hoàn thành triển khai sonar đáy biển có ý nghĩa chiến lược trên toàn thế giới, có thể theo dõi và trinh sát tình hình đáy biển trong phạm vi toàn cầu.

Những năm gần đây, cùng với sự xuất hiện của tàu ngầm chạy êm hơn, tiên tiến hơn, Hải quân Mỹ cảm thấy hệ thống theo dõi và do thám hải dương của họ có thể sẽ tụt hậu, đã đầu tư vốn lớn nâng cấp đổi mới. Như "hệ thống tích hợp trinh sát dưới nước" của Mỹ chính là sản phẩm mới nhất, được biết có thể "nghe lén tất cả mối đe dọa từ dưới nước".

Tàu thăm dò đại dương USNS Impeccable, Hải quân Mỹ liên tục hoạt động ở các vùng biển xung quanh Trung Quốc, trong đó có Biển Đông.
Tàu thăm dò đại dương USNS Impeccable, Hải quân Mỹ liên tục hoạt động ở các vùng biển xung quanh Trung Quốc, trong đó có Biển Đông.

Hơn nữa, Hải quân Mỹ cũng đã triển khai 5 tàu thăm dò đại dương mới trên toàn cầu, trong đó có tàu USNS Impeccable, không ngừng thu thập tin tức tình báo ở vùng biển duyên hải những nước có liên quan.

Một loạt kế hoạch theo dõi trên không, trên mặt nước, dưới lòng biển khơi, đáy biển được Mỹ triển khai ở các đại dương trên thế giới cũng là một "lăng kính" có thể phản ánh nhiều loại "vòng ánh sáng" tin tức tình báo.

Trên thực tế, Quân đội Anh, đồng minh trụ cột của Mỹ cũng than phiền rằng, Mỹ làm như vậy là "không công bằng", bởi vì nhất cử nhất động của tàu ngầm Anh đều bộc lộ trần trụi ở trước mặt Hải quân Mỹ.

Tàu ngầm hạt nhân nghe lén dây cáp đáy biển

Theo "mạng Chiến lược Hoàn Cầu" của Mỹ, lực lượng tàu ngầm hạt nhân hải quân Mỹ có một sứ mạng mới, là bảo vệ an toàn thiết bị liên lạc Internet dưới nước, đồng thời tận dụng cơ hội tiến hành theo dõi, kiểm soát thông tin dưới nước trên toàn cầu.

Lực lượng tàu ngầm của Hải quân Mỹ đến nay phần nhiều thuộc trạng thái rãnh rỗi, nếu không thể tiếp tục đem lại sự coi trọng cho mình trong các hoạt động ứng phó với mối đe dọa dước nước mới, thì Hải quân càng khó lấy được đủ tiền từ Quốc hội để thay mới lực lượng tàu ngầm đang nhanh chóng lão hóa.

Hiện nay, lực lượng tàu ngầm quân Mỹ đã tích lũy được kinh nghiệm phong phú trên phương diện chặn bắt thông tin, đã trang bị một lô thiết bị bí mật chuyên nghiệp hóa. Bắt đầu từ tàu ngầm hạt nhân Los Angeles, lực lượng tàu ngầm quân Mỹ đã nhấn mạnh đến năng lực nghe lén của thiết bị thông tin đáy biển.

Tàu ngầm hạt nhân đa năng USS Jimmy Carter SSN-23 của Hải quân Mỹ
Tàu ngầm hạt nhân đa năng USS Jimmy Carter SSN-23 của Hải quân Mỹ

Tàu ngầm hạt nhân lớp Seawolf trang bị sau đó là tàu ngầm thuộc loài "tàu ngầm gián điệp" chuyên nghiệp, phía trước và sau của thân tàu ngầm này trang bị hệ thống cơ động được thiết kế đặc biệt, có thể làm cho tàu ngầm dừng lại ổn định ở phía trước mục tiêu dưới nước như dự định, cho dù có biển động. Đặc điểm này rất thích hợp với thiết bị nghe lén đặc chế lắp trên dây cáp đáy biển của họ, chặn thu tin tức tình báo của kẻ thù.

Tàu ngầm hạt nhân lớp Seawolf thứ ba mang tên Jimmy Carter còn được trang bị nhiều thiết bị đa năng, có thể mang theo thiết bị vận tải dưới nước, chở lực lượng đặc nhiệm SEAL, hoàn thành phóng và thu binh lực, có năng lực tác chiến đặc biệt và phản ứng nhanh. Trang bị này còn có thể làm "buồng hệ thống dây điện dưới nước", tiến hành nghe lén đối với dây cáp đáy biển.

Xét tới ý nghĩa quan trọng của mạng lưới thông tin đáy biển và sự lệ thuộc cao độ của các công trình quốc phòng Mỹ đối với mạng, nhiệm vụ mới của lực lượng tàu ngầm quân Mỹ đã trở thành thủ đoạn quan trọng để Mỹ theo dõi, kiểm soát mạng lưới thông tin dưới nước trên toàn cầu.

Liên kết với Nhật Bản xây dựng mạng lưới nghe lén dưới nước

Những năm gần đây, để thực hiện theo dõi, kiểm soát có hiệu quả các vùng biển xung quanh chuỗi đảo thứ nhất, ngăn chặn Hải quân Trung Quốc đột phá chuỗi đảo, Mỹ liên thủ với Nhật Bản đã xây dựng một mạng lưới theo dõi tin tức tình báo trên mặt nước, dưới nước phức tạp ở Tây Thái Bình Dương. Trọng điểm thám thính của mạng lưới theo dõi tình báo này là đặc trưng điện từ và tín hiệu thông tin của tàu ngầm và các loại tàu nổi Trung Quốc.

Biên đội máy bay tuần tra săn ngầm P-3C của Cụm hàng không 5, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.
Biên đội máy bay tuần tra săn ngầm P-3C của Cụm hàng không 5, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.

Hiện nay, Mỹ-Nhật đã xây dựng hệ thống nghe lén dưới nước tương đối khổng lồ, chủ yếu thông qua rải dây cáp dưới đáy biển ở hai đầu nam bắc của đảo Đài Loan, kết nối với hướng bắc là đảo Senkaku và quần đảo Ryukyu, về hướng nam là đi qua eo biển Bashi và kết nối với Philippines.

Hệ thống nghe lén dưới nước này thông qua các phương thức như phân tích máy nghe âm thanh dưới đáy biển, sự biến động của dòng hải lưu, để phán đoán và thu thập các hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc. Thậm chí đã triển khai hàng ngàn vạn bộ cảm biến ở vùng biển xung quanh căn cứ tàu ngầm Trung Quốc, nghe lén nhất cử nhất động của tàu ngầm Trung Quốc bất cứ lúc nào.

Mặc dù trận địa nghe lén khổng lồ này hiện còn chưa thể xác định được vị trí chuẩn xác, nhưng tàu ngầm Trung Quốc một khi bắt đầu rời cảng là sẽ bị vệ tinh trinh sát của Nhật-Mỹ theo dõi, trận địa nghe lén dưới nước dò tìm, máy bay săn ngầm thu thập. Để phối hợp với nghe lén dưới nước, Nhật Bản đã tiếp tục xây dựng một hệ thống dò tìm điện từ ở đảo Fukue, phía tây nam nước này, chuyên dùng để theo dõi hoạt động quân sự của Trung Quốc.

Hệ thống nghe lén này hợp nhất với trạm nghe lén đảo Miyako được xây dựng trước đó, hình thành hệ thống dò tìm điện từ thế hệ mới của Nhật Bản đối với Trung Quốc, làm cho Nhật Bản có thể tiến hành theo dõi, kiểm soát điện từ có hiệu quả đối với tàu thuyền Trung Quốc từ vùng biển Bột Hải, Hoàng Hải tiến xuống phía nam.

Hơn nữa, hệ thống theo dõi chuyên dùng để tiến hành chặn bắt và xử lý các tín hiệu điện tử liên lạc thông tin của tàu chiến và máy bay Trung Quốc cũng đã chính thức được sử dụng từ năm 2008.
Máy bay cảnh báo sớm E-2C của quân Mỹ
Máy bay cảnh báo sớm E-2C của quân Mỹ
Mạng lưới theo dõi tình báo kiểu lập thể của quân Mỹ tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với Quân đội Trung Quốc.
Mạng lưới theo dõi tình báo kiểu lập thể của quân Mỹ tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với Quân đội Trung Quốc.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả! - Facebook
Đông Bình