Tàu ngầm Trung Quốc xuất hiện gần Nhật Bản để nghi binh cho tàu Kilo?

28/05/2013 06:59
Việt Dũng
(GDVN) - Trung Quốc đã 2 lần điều tàu lớp Nguyên đến vùng tiếp giáp Nhật Bản, thậm chí hành động này có thể chỉ là "nghi binh" che đậy cho tàu ngầm lớp Kilo.
Tàu ngầm diesel lớp Nguyên của Trung Quốc
Tàu ngầm diesel lớp Nguyên của Trung Quốc

Ngày 26 tháng 5, tờ "Sankei Shimbun" Nhật Bản đăng bài viết nhan đề "Lặn ở khu vực tiếp giáp là tàu ngầm lớp Nguyên Trung Quốc".

Bài viết cho rằng, gần đây tàu ngầm Hải quân Trung Quốc lặn 3 lần ở khu vực tiếp giáp Nhật Bản – tức khu vực bên ngoài lãnh hải khoảng 22 km. Có nguồn tin ngày 25/5 cho biết, Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhận định 2 lần trong số đó là do tàu ngầm mới thông thường lớp Nguyên Trung Quốc tiến hành.

Đối với động thái này của Hải quân Trung Quốc, Lực lượng Phòng vệ Biển và Hải quân Mỹ đã điều động tàu giám sát trên biển để thu thập tiếng ồn của cánh quạt tàu ngầm khi lặn.

Ngoài ra, được biết gần đây còn có tàu chiến mặt nước Hải quân Trung Quốc hăm dọa tàu chiến Lực lượng Phòng vệ Biển, có thể thấy vùng biển Okinawa đang diễn ra cuộc chiến giằng co căng thẳng.

Theo bài báo, tàu ngầm Trung Quốc đã lần lượt lặn 3 lần ở khu vực tiếp giáp vùng biển Okinawa vào các ngày 2, 12 và 19 trong tháng này. Bộ Quốc phòng Nhật Bản mới đầu cho rằng hai lần sau có thể là cùng một chiếc tàu ngầm hạt nhân, tuy nhiên, căn cứ vào số liệu phân tích của thiết bị sonar, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cuối cùng nhận định đó là tàu ngầm động cơ diesel lớp Nguyên. Còn lần thứ nhất, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho là tàu ngầm nước khác.

Tàu ngầm lớp Nguyên là tàu ngầm do Trung Quốc tự nghiên cứu phát triển trên nền tảng tàu ngầm lớp Kilo của Nga. Nó là tàu ngầm thông thường mới nhất của Trung Quốc, đóng vai trò ngăn chặn quân địch áp sát duyên hải Trung Quốc, chính thức biên chế năm 2006.

Tàu ngầm diesel lớp Nguyên Trung Quốc
Tàu ngầm diesel lớp Nguyên Trung Quốc

Tàu ngầm lớp Nguyên được lắp hệ thống AIP (đẩy không phụ thuộc và không khí), có thể lặn dưới nước trong thời gian dài. Sau khi lắp hệ thống AIP, tàu ngầm không nổi lên mặt nước bổ sung dưỡng khí cũng có thể liên tục lặn dưới nước. Lực lượng Phòng vệ Biển cũng có tàu ngầm loại mới nhất trang bị hệ thống này.

Sau khi tàu ngầm lớp Nguyên lặn ở khu vực biển gần Okinawa, Lực lượng Phòng vệ Biển và quân Mỹ lần lượt điều tàu đo đạc âm thanh JDS Hibiki và tàu đo đạc quân sự USNS Impeccable đến vùng biển Okinawa thu thập tin tức tình báo.

Sau khi đến khu vực tiếp giáp đảo Kume, tỉnh Okinawa vào ngày 13/5, hai tàu đo đạc Hibiki và Impeccable đã liên tục theo dõi và phát hiện ra tàu ngầm lớp Nguyên ngày 19/5 đã xâm nhập khu vực tiếp giáp đảo Minami Daito, tỉnh Okinawa. Ngoài ra, tàu của Bộ Thụy sản Nhật Bản phát hiện, sau ngày 12/5, tàu Impeccable cũng kéo sonar đo đạc vị trí tàu ngầm di chuyển ở vùng biển tây nam đảo Kume.

Ngày 13/5, Bộ Quốc phòng Nhật Bản tiết lộ có tàu ngầm 2 lần lặn ở khu vực tiếp giáp của Nhật Bản. Để đáp trả, ngày 16/5, Hải quân Trung Quốc điều 1 tàu chiến mặt nước đến vùng biển phía tây đảo Kume, cách phía sau tàu đo đạc âm thanh Hibiki 7 km để tiến hành theo dõi trong thời gian dài đối với nó.

Trong lực lượng tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc, về chỉ số chạy êm, tàu ngầm lớp Nguyên không bằng tàu ngầm lớp Kilo do Nga chế tạo. Vì vậy, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho rằng, tàu ngầm lớp Nguyên lặn có thể là một "cuộc chiến nghi binh" của Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đã tăng cường thu thập tin tức tình báo để xác nhận Trung Quốc có điều tàu ngầm lớp Kilo hay không.

Tàu ngầm lớp Kilo của Hải quân Trung Quốc, do Nga chế tạo
Tàu ngầm lớp Kilo của Hải quân Trung Quốc, do Nga chế tạo
Việt Dũng