Thành quả lớn nhất của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII là gì?

30/11/2014 16:06
PHONG NGUYÊN
(GDVN) - Đại biểu đánh giá thành quả lớn nhất mà Quốc hội đạt được trong kỳ họp thứ 8, khóa XIII và tiết lộ những luật mới được thông qua sớm đi vào cuộc sống nhất.

Chiều 28/11, sau 33 ngày làm việc, Quốc hội đã bế mạc kỳ họp thứ 8, khóa XIII. Tại kỳ họp này, các nhiệm vụ đã được thực hiện hiệu quả gồm thông qua 18 luật, 11 nghị quyết và cho ý kiến về 12 dự án luật khác.

Tuy nhiên, bên cạnh các thành quả đã đạt được đó, vẫn còn những điểm hạn chế. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Phương – Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình về vấn đề này.

Những điểm khiến ông hài lòng sau kỳ họp thứ 8 vừa qua là gì?

Ông Nguyễn Ngọc Phương – Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình (Ảnh: VOV)
Ông Nguyễn Ngọc Phương – Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình  (Ảnh: VOV)

Tại kỳ họp lần này, về công tác chuẩn bị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chuẩn bị hết sức chu đáo từ chương trình đến việc điều hành và tổ chức nội dung của các cuộc họp thường ngày.

Đặc biệt, tại kỳ họp lần này có một nội dung hết sức quan trọng là lấy phiếu tín nhiệm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm khá tốt việc này khi yêu cầu 50 người được lấy phiếu tín nhiệm có báo cáo kiểm điểm nêu rõ ưu – khuyết điểm cũng như các giải pháp khắc phục điểm hạn chế đó hơn so với lần trước. Ngoài ra, điểm mới trong việc lấy phiếu lần này là các đối tượng được lấy phiếu có bảng kê khai tài sản của mình.

Việc chất vấn – trả lời chất vấn nhằm thực hiện quyền tối cao là giám sát của đại biểu quốc hội cũng đã tốt hơn so với trước. Cụ thể, câu hỏi các đại biểu đặt ra đã ngắn gọn, súc tích hơn, đúng trọng tâm và đã xoáy sâu vào các vấn đề nóng liên quan trực tiếp tới đời sống của cử tri và nhân dân cả nước nên rất được quan tâm.

Chẳng hạn, vấn đề quyền lợi người tiêu dùng bị vi phạm, vấn đề hàng nhái, hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng ảnh hưởng tới không chỉ cuộc sống của người dân mà còn làm cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính bị thất thu, phá sản… Các đại biểu cũng đã đề cập tới các vấn đề về lao động như giải quyết việc làm hay chế độ chính sách…

Phần trả lời chất vấn của Thủ tướng và các Bộ trưởng có lẽ do có kinh nghiệm nên cách trả lời cũng đúng trọng tâm hơn, đáp ứng được yêu cầu từ câu hỏi nêu ra của đại biểu quốc hội.

Trước kết quả của kỳ họp này, điều gì ông cho là thành quả lớn nhất?

Cái được lớn nhất của kỳ họp lần này đó là về kinh tế, xã hội đã được Quốc hội đánh giá hết sức sâu sắc kể cả những mặt đã đạt được, chưa đạt được. Quốc hội cũng đã đánh giá được tình hình nợ công và đưa ra giải pháp xử lý trong thời gian tới. Cùng với đó, Quốc hội cũng đã thông qua kết quả giám sát việc tái cơ cấu nền kinh tế, từ đó vạch ra điểm hạn chế cần tập trung giải quyết.

Cái được thứ hai là qua việc lấy phiếu tín nhiệm lần này, nhân dân thấy rõ các đối tượng được lấy phiếu ai có sự tiến bộ vượt bậc, ai còn nhiều khuyết điểm, hạn chế, chưa có được sự tín nhiệm của đại biểu quốc hội. Các đại biểu đã đánh giá hết sức vô tư, khách quan, không chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài trong quá trình bỏ phiếu.

Mặt hạn chế của kỳ họp này cần khắc phục trong các kỳ họp tới theo ông là gì?

Một số câu hỏi đại biểu nêu còn chưa đúng trọng tâm, thậm chí mang tính chất lý giải, không cần tới câu trả lời chứ không phải một câu chất vấn về trách nhiệm của tư lệnh ngành. Trong khi đó, một số Bộ trưởng trả lời bị “hớ”, không đáp ứng được yêu cầu của đại biểu chất vấn.

Ngoài ra, công tác chuẩn bị, thẩm định một số bộ luật cũng chưa chu đáo nên khi đưa ra, rất ít đại biểu quốc hội ủng hộ. Chẳng hạn luật giáo dục nghề nghiệp.

Những luật nào mới được thông qua tại kỳ họp này sẽ sớm đi vào cuộc sống nhất thưa ông?

Có lẽ Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Công an nhân dân (sửa đổi) hay Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi)…sẽ sớm đi vào cuộc sống hơn cả.

Còn một số luật muốn đi vào cuộc sống cần phải có thời gian như Luật tổ chức quốc hội, Luật bảo hiểm xã hội…

Xin cảm ơn ông!

PHONG NGUYÊN