The Diplomat: Con đường tơ lụa trên biển có nguy cơ chìm ở Đông Nam Á

14/11/2014 07:05
Hồng Thủy
(GDVN) - Thật khó để Trung Quốc có thể thúc đẩy hợp tác hàng hải với láng giềng trong khi các nước này luôn cảm thấy bị đe dọa.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là người khởi xướng chương trình Con đường tơ lụa mới, cũng chính ông đưa ra "tầm nhìn châu Á - Thái Bình Dương" tại hội nghị APEC vừa qua.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là người khởi xướng chương trình Con đường tơ lụa mới, cũng chính ông đưa ra "tầm nhìn châu Á - Thái Bình Dương" tại hội nghị APEC vừa qua.

Tờ The Diplomat ngày 13/11 bình luận, Trung Quốc đang nỗ lực thực hiện các chiến thuật khác nhau về vấn đề tranh chấp Biển Đông để tìm kiếm sự ủng hộ của ASEAN cho một dự án khác, con đường tơ lụa trên biển.

Hội nghị APEC vừa kết thúc, các nhà lãnh đạo khu vực và thế giới lại từ Bắc Kinh sang Naypyidaw, Myanmar tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Đông Á. Trong hội nghị APEC Trung Quốc đã nỗ lực trình bày tầm nhìn của họ về một cộng đồng kinh tế tổng hợp trong khu vực mà Trung Quốc là động lực chính của sự thịnh vượng, và đương nhiên với vị thế này Trung Quốc "phải được tôn trọng".

Trớ trêu thay, Bắc Kinh có thể phải đối mặt với sự kháng cự lại "giấc mơ châu Á -  Thái Bình Dương" mà ông Tập Cận Bình khởi xướng từ phía các nước láng giềng, đặc biệt là các thành viên ASEAN "có tranh chấp lãnh thổ gay gắt với Trung Quốc".

Biển Đông được cho là chủ đề nóng trong các cuộc thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm nay. Ngoại trưởng Singapore K Shanmugam cho rằng vấn đề Biển Đông là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất với an ninh khu vực.

Indonesia với vai trò như một nhà lãnh đạo của ASEAN đã thúc đẩy cách tiếp cận thống nhất của khối về vấn đề Biển Đông, thúc đẩy tiến trình đàm phán COC vốn luôn bị đình trệ.

Trung Quốc tỏ ra khá lạc quan về mối quan hệ với ASEAN trong năm nay 2014, kỷ niệm 10 năm ngày thiết lập quan hệ. Các nước láng giềng ở phía Nam Trung Quốc vẫn đóng vai trò quan trọng đối với Bắc Kinh đang tìm cách đảm bảo lợi ích an ninh, lợi ích quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương. Tầm nhìn châu Á - Thái Bình Dương mà Bắc Kinh đề xướng sẽ không thể thực hiện nếu thiếu sự hợp tác của 10 nước Đông Nam Á.

Chiến lược phát triển song song 2 Con đường tơ lụa trên đất liền và trên biển đã được Trung Quốc thúc đẩy, trong khi trên đất liền đã có những tiến bộ đáng kể với những đối tác đã sẵn sàng ở Trung Á và xa hơn nữa, Con đường tơ lụa trên biển vẫn còn mơ hồ.

Thật khó để Trung Quốc có thể thúc đẩy hợp tác hàng hải với láng giềng trong khi các nước này luôn cảm thấy bị đe dọa trước sự gia tăng nhanh chóng của lực lượng hải quân và hải cảnh Trung Quốc.

Ở Đông Nam Á, Indonesia và Myanmar đã tham gia chiến lược Con đường tơ lụa của Trung Quốc, nhưng "tiến độ với Việt Nam đã chậm hơn". Nếu căng thẳng Biển Đông vẫn tiếp tục, Đông Nam Á sẽ trở thành mắt xích bị thiếu trong chiến lược Con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc. 

Trong khi đó Ấn Độ cũng không chắc chắn có tham gia chương trình này không. Con đường tơ lụa trên biển có thể bị "chìm" ngay tại Đông Nam Á nếu các thành viên ASAN né tránh nó.

The Diplomat cho rằng, nếu Trung Quốc thực sự có thể làm việc với ASEAN như một khối trong vấn đề Biển Đông để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, mà  ký kết COC được xem như bước đầu tiên, Bắc Kinh sẽ tiến một chặng đường dài trong việc giải quyết căng thẳng với các nước láng giềng Đông Nam Á.

Hồng Thủy