Tư lệnh Hải quân Iran Habibollah Sayyar trực tiếp tuyên bố về cuộc tập trận chung với hải quân Trung Quốc ở Vùng Vịnh. |
Mustafa Salama, một nhà báo tự do Ai Cập chuyên nghiên cứu các vấn đề chính trị Trung Đông ngày 19/10 phân tích trên tờ Al Monitor, động thái Trung Quốc lần đầu tiên phái tàu quân sự đến vịnh Ba Tư tập trận chung với hải quân Iran ngày 20/9 báo hiệu một động thái mới.
Bắc Kinh đã có kế hoạch "chọc" vào Vùng Vịnh nơi Mỹ sẵn sàng dùng máu và vũ khí để bảo vệ lợi ích của mình ở Trung Đông để làm đối trọng với chính sách xoay trục chiến lược sang châu Á - Thái Bình Dương của Washington, đặc biệt là việc Mỹ can dự vào Biển Đông.
Trung Quốc lần đầu tiên hiện diện quân sự ở Vùng Vịnh
Tàu khu trục mang tên lửa Trường Xuân và Thường Châu của hải quân Trung Quốc đã tham gia vào một cuộc tập trận chung kéo dài 5 ngày với hải quân Iran. Đô đốc Amir Hossein Azad, một chỉ huy hải quân Iran cho biết, mục tiêu của cuộc tập trận chung này nhằm "thiết lập hòa bình, ổn định và hợp tác song phương" cùng có lợi.
Thời điểm Trung Quốc - Iran tập trận hải quân chung cũng được lựa chọn thận trọng và không gây chú ý khi truyền thông quốc tế đang tập trung vào các điểm nóng khác như cuộc chiến chống IS tại Iraq và Syria do Mỹ dẫn đầu.
Salama bình luận, khi tìm hiểu động cơ của Bắc Kinh khi tập trận chung với hải quân Iran ở Vùng Vịnh cần phải luôn ghi nhớ 3 điều. Thứ nhất, đây là lần đầu tiên Trung Quốc - một đối thủ của Mỹ và không phải quốc gia Vùng Vịnh đã đưa tàu chiến đến Vùng Vịnh. Thứ hai, cuộc tập trận chung này báo hiệu một sự thúc đẩy địa vị mới của Iran ở Vùng Vịnh và khu vực Trung Đông.
Thứ ba, động thái này của Trung Quốc không thể xem xét mà lại tách rời phản ứng của Bắc Kinh với việc Mỹ xoay trục chiến lược sang châu Á - Thái Bình Dương để đối phó với ảnh hưởng và sức mạnh ngày càng tăng của Bắc Kinh. Động thái này ở Vùng Vịnh được Trung Quốc xem là một nỗ lực để ngăn chặn chiến lược của Mỹ.
Vùng Vịnh có vị trí chiến lược quan trọng trên toàn cầu, khu vực Hoa Kỳ sẵn sàng đổ máu và vũ khí để duy trì ảnh hưởng của mình hoặc kiểm soát nó trên thực tế. Việc Bắc Kinh mon men tiếp cận Vùng Vịnh chắc chắn sẽ khiến Hoa Kỳ đặc biệt chú ý.
Tàu chiến hạm đội Nam Hải Trung Quốc thường xuyên diễu võ giương oai trên Biển Đông. |
Hải quân Tehran, Bắc Kinh tìm kiếm sự hợp tác lớn hơn
Trong quá khứ Iran đã đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz nếu bị đặt dưới áp lực nguy cơ bị Mỹ hay Israel tấn công vì chương trình hạt nhân mà nước này theo đuổi. Một khi Iran đóng cửa eo biển Hormuz, giá dầu sẽ tăng vọt. Tehran cũng tỏ ra khó chịu khi thấy tàu hải quân nước ngoài xuất hiện và đi lại trong Vùng Vịnh.
Ngày 6/4/2012 hải quân Iran đã cứu một tàu chở hàng Trung Quốc thoát khỏi tay hải tặc Somali, đó chỉ là một trong số các vụ hải quân Iran giúp Trung Quốc ngăn chặn nạn cướp biển. Trước đây dường như Bắc Kinh không có nhu cầu hiện diện hải quân ở Vùng Vịnh mặc dù có khả năng Tehran sẽ chào đón Trung Quốc như một đồng minh thân cận. Trong khi đó Iran rất khó chịu và "không thể tha thứ" nếu thấy tàu nước khác "lang thang ở Vùng Vịnh với lý do chống khủng bố, chống cướp biển".
Nếu có sự hỗ trợ của hải quân Trung Quốc, Iran sẽ trở nên mạnh mẽ hơn ở Vùng Vịnh, ngay cả khi sự xuất hiện của Bắc Kinh chỉ mang tính biểu tượng. Washington có khả năng sẽ phải xem xét lại hoạt động của mình ở đây có khả năng chọc giận Bắc Kinh.
Bắc Kinh và Tehran có kế hoạch nâng tổng kim ngạch thương mại 2 chiều lên mức 200 tỉ USD trong 10 năm tới. Hơn nữa Iran là nhà cung cấp dầu mỏ lớn thứ 3 của Trung Quốc, chiếm 12% lượng dầu mỏ tiêu thụ tại quốc gia này. Vì vậy Bắc Kinh sẽ muốn bảo vệ lợi ích của mình ở Iran, cũng giống như Hoa Kỳ làm điều tương tự ở Vùng Vịnh. Cuộc tập trận gần đây là một nỗ lực thực hiện mục tiêu này.
Giữa tháng 9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Sri Lanka và Maldives với chủ đề chính là hỗ trợ 2 nước phát triển kinh tế, mang lại các cơ hội kinh tế cho Trung Quốc. Quan trọng hơn, 2 quốc gia này sẽ trở thành mắt xích trong "con đường Tơ lụa" do Tập Cận Bình khởi xướng. Sáng kiến này sẽ giúp Trung Quốc trở nên gần gũi hơn với Trung Đông, cuộc tập trận chung với Iran vừa qua là một phần của chiến lược ấy.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey thăm cảng Đà Nẵng. Bắc Kinh theo dõi chặt chẽ mọi động thái hợp tác quân sự quốc phòng Việt - Mỹ. |
Bắc Kinh "chọc" vào lợi ích chiến lược của Mỹ ở Vùng Vịnh làm đối trọng với chính sách của Washington ở Biển Đông
Trung Quốc rõ ràng muốn cân bằng với chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương mà Washington theo đuổi. Bắc Kinh đã trải qua (gây ra) rất nhiều căng thẳng với các nước láng giềng ở Biển Đông với những xung đột tiềm năng trên các đảo và tranh chấp hàng hải với láng giềng. Hoa Kỳ đang khai thác những căng thẳng này cũng như mối lo ngại trong các nước láng giềng của Trung Quốc.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey có chuyến công du lần đầu tiên tới Việt Nam trong tháng 8, chỉ chưa đầy 1 tháng sau khủng hoảng Việt - Trung trên Biển Đông vì Bắc Kinh đơn phương hạ đặt (bất hợp pháp) giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Trong chuyến thăm, Dempsey đã nói đến khả năng tháo dỡ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Ông cũng đề cập đến lợi ích an ninh chung hàng hải giữa Mỹ và Việt Nam trên Biển Đông, một cách đề cập đến đối thủ chung - Trung Quốc.
Với cuộc tập trận chung với Iran vừa qua, Trung Quốc đã đặt mục tiêu thoát khỏi việc ngăn chặn của Mỹ ở Biển Đông và tăng cường liên minh và vị thế của Bắc Kinh ở Trung Đông. Có lẽ Bắc Kinh cũng có kế hoạch cho một sự hiện diện thường xuyên hơn ở Vùng Vịnh trong tương lai, như những gì Hoa Kỳ đã làm ở Biển Đông.
Tuy nhiên Trung Quốc và Iran không thể cạnh tranh sức mạnh với hải quân Hoa Kỳ, nhưng tham vọng của Trung Nam Hải không hề thiển cận. Rõ ràng Bắc Kinh đang có kế hoạch để đảm bảo tốt hơn các tuyến đường hàng hải của mình giữa Đông Nam Á và Trung Đông.