Thời báo Hoàn Cầu bình luận Việt Nam mời tàu Trung Quốc vào Cam Ranh

07/06/2016 11:10
Hồng Thủy
(GDVN) - Việt Nam quyết định thả viên minh châu Cam Ranh xuống biển lửa Biển Đông là một hành động có tầm nhìn, trí tuệ.

Thời báo Hoàn Cầu ngày 7/6 đăng bài bình luận của Giáo sư Hoàng Hưng Cầu, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam thuộc Đại học Công nghệ Chiết Giang về việc Việt Nam mời tàu Trung Quốc thăm cảng Cam Ranh.

Thời báo Hoàn Cầu đặt tít bài viết: "Sau Nhật, Nga, Pháp và Ấn Độ, chiến hạm Trung Quốc nhận được lời mời của Việt Nam thăm cảng Cam Ranh, một con bài vạn năng của ngoại giao Việt Nam".

Học giả Hoàng Hưng Cầu nhận định:

"Là một cảng nước sâu có thể neo đậu hàng không mẫu hạm, Cam Ranh có thể xem như một viên minh châu, một con át chủ bài của Việt Nam. Cảng Cam Ranh một mặt nằm đúng yết hầu trọng yếu trên Biển Đông, một mặt án ngữ ngay tuyến hàng hải huyết mạch nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, là một cảng quốc tế nổi tiếng.

Ngày 3/6 bên lề Đối thoại Shangri-la tại Singapore, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng "nắm ngoại giao quốc phòng và tình báo quân sự" đã đưa ra lời mời tàu Trung Quốc thăm cảng Cam Ranh.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và tướng Tôn Kiến Quốc, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương Trung Quốc bên lề Đối thoại Shangri-la. Ảnh: SCMP.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và tướng Tôn Kiến Quốc, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương Trung Quốc bên lề Đối thoại Shangri-la. Ảnh: SCMP.

Động thái này khiến dư luận ít nhiều cảm thấy ngạc nhiên, phải chăng Việt Nam đã thực sự tận dụng tối đa Cam Ranh trên cả lĩnh vực quân sự, ngoại giao và kinh tế?

Phải chăng Cam Ranh có thể đóng vai trò 'kết nghĩa anh em'? Sau khi nhận được lời mời, liệu tàu chiến Trung Quốc có sớm ghé thăm cảng Cam Ranh hay không? Những câu hỏi này đủ để khiến cho Cam Ranh tiếp tục là một đề tài nóng thu hút sự chú ý."

Việt Nam mời tàu Trung Quốc thăm Cảng Quốc tế Cam Ranh mới xây dựng, không mời thăm Cảng Quân sự ở Cam Ranh

Giáo sư Cầu viết: "Đây là lần thứ hai Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đưa ra lời mời tàu Trung Quốc thăm cảng Cam Ranh. Ông là một trong 5 Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay.

Ngày 29/3, tướng Nguyễn Chí Vịnh đã trả lời báo chí nhân dịp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn thăm chính thức Việt Nam rằng, trong hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước, Việt Nam đã chủ động mời tàu chiến Trung Quốc thăm các cảng của mình, bao gồm Cam Ranh, giống như tàu chiến của các quốc gia khác.

Ngày 8/3 năm nay, Cảng Quốc tế Cam Ranh vừa hoàn thành giai đoạn một, ngày 16/3 đã lần lượt đón tàu khu trục của Singapore, các tàu chiến Nhật Bản, Nga, Pháp, Ấn Độ lần lượt ghé thăm. Đặc biệt là trong tháng 4 và tháng 5, tàu hộ vệ, tàu quét ngư lôi Nhật Bản đã 2 lần cập Cảng Quốc tế Cam Ranh."

Giáo sư Cầu nhắc lại lịch sử hơn 100 năm qua, Cam Ranh đã trở thành điểm đến của chiến hạm nhiều cường quốc trên thé giới, như Nga thời Sa Hoàng, Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ II, sau đó là Pháp, Mỹ, Liên Xô và Nga.

Năm 2002, Nga chính thức rút khỏi căn cứ Cam Ranh, từ đó về sau Việt Nam chủ trương không cho bất kỳ quốc gia nào đóng quân, đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình, bao gồm Cam Ranh.

Giáo sư Cầu lưu ý: "Cảng Cam Ranh được chia làm 3 khu vực gồm Cảng Dân dụng Ba Ngòi, Cảng Quân sự Cam Ranh chỉ dành cho Quân đội Nhân dân Việt Nam sử dụng và cảng quốc tế mở cửa cho tàu các nước vào neo đậu và sử dụng dịch vụ hậu cần, kỹ thuật.

Tại khu vực Cảng Quốc tế, tàu thương mại hay chiến hạm nước ngoài có thể sử dụng dịch vụ duy tu bảo dưỡng, sửa chữa, chăm sóc y tế, hoạt động thể thao.... Mặc dù đều nằm ở Cam Ranh, nhưng 3 cảng này có vị trí khác nhau, địa vị khác nhau và không nên nhầm lẫn", học giả này nhấn mạnh.

Việt Nam mời tàu Trung Quốc vào Cảng Quốc tế Cam Ranh là "ngoài dự kiến, nhưng hợp lý"

Giáo sư Hoàn Cầu bình luận: "Quan chức cấp cao Quân đội Việt Nam một lần nữa mời tàu Trung Quốc thăm Cảng Quốc tế Cam Ranh chắc chắn sẽ khiến một số người Việt Nam cảm thấy bất ngờ, bởi dù sao nhiều người Việt Nam tin rằng Cam Ranh chính là con át chủ bài trong việc đối phó với Trung Quốc.

Tháng 5 năm nay khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm chính thức Việt Nam, có một số tờ báo đã liên tưởng đến chuyến thăm Cam Ranh năm 1966 của Tổng thống Johnson.

Giáo sư Hoàng Hưng Cầu, ảnh: The Paper.
Giáo sư Hoàng Hưng Cầu, ảnh: The Paper.

Điều này dường như mang theo một thông điệp: Chúng tôi có cảng nước sâu tốt nhất thế giới, giờ lại có Mỹ chống lưng, Trung Quốc hãy cẩn thận đấy!" Giáo sư Cầu suy diễn.

"Trước và sau Đại hội 12 Đảng Cộng sản Việt Nam, các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam nhiều lần nhấn mạnh, Quân đội phải nâng cao cảnh giác, đề phòng bất trắc. Các nhà lãnh đạo quân sự chủ yếu của Việt Nam hiện nay trong Đại hội 12 cũng đã nhấn mạnh điều này.

Cứ theo dư luận và cách nói của Việt nam thì "đề phòng bất trắc" ở đây chính là khả năng Việt Nam có thể bị Trung Quốc tấn công bất ngờ. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Sơn thuộc Ủy ban An ninh - Quốc phòng hôm 10/3 nói với báo Đất Việt:

"Nó khẳng định Việt Nam sử dụng vùng biển của mình vì lợi ích chung của nhiều quốc gia trên thế giới, không giống như "người bạn lớn" đang có những hành vi ngăn cản, làm khó, nói một đằng làm một nẻo, bị thế giới lên án bởi việc làm cải tạo đảo, xây căn cứ quân sự ở Trường Sa với cái cớ là để có sự thông thương.

Do đó, về mặt quân sự, ở khía cạnh nào đó, theo tôi, việc mở Cảng Quốc tế Cam Ranh có ý nghĩa răn đe Trung Quốc rằng Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng sự hỗ trợ, giúp đỡ của các lực lượng khác, quốc gia khác trên thế giới để cảnh báo những tham vọng, ý đồ của quốc gia này ở Biển Đông".

Vì đặc biệt coi trọng vai trò của cảng Cam Ranh nên dư luận Việt Nam nói chung có tâm lý đề phòng Trung Quốc một cách rõ rệt, khác thường.

Tờ Người Lao Động đưa tin, tháng 6/2012 đã có 7 thương nhân Trung Quốc thuê bè nuôi cá lồng ngoài cửa vịnh Cam Ranh và hầu hết để xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. 

Tuy nhiên khu vực mặt nước mà các doanh nhân Trung Quốc thuê quá gần Cảng Quân sự Cam Ranh, nên dư luận Việt Nam hoài nghi những người thuê mặt nước nuôi cá là để do thám. Việt Nam đã trục xuất những người này và cấm tái nhập cảnh trong vòng 5 năm.

Việc Việt Nam hai lần mời tàu Trung Quốc thăm Cam Ranh là cơ hội hiếm có. Điều khiến dư luận ngạc nhiên là ở chỗ, Việt Nam vốn rất cảnh giác và đề phòng với Trung Quốc, nay lại bỗng dưng mời tàu chiến Trung Quốc thăm Cảng Quốc tế Cam Ranh.

Thời báo Hoàn Cầu bình luận Việt Nam mời tàu Trung Quốc vào Cam Ranh ảnh 3

Đối thoại Shangri-la và những cơ hội bị bỏ lỡ

(GDVN) - Những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế mà Trung Quốc gây ra trên Biển Đông cần phải lên án và chống lại, điều đó không có nghĩa là "chống Trung Quốc".

Đối với Việt Nam mà nói, động thái này có thể xem như tâm lý đề phòng đã trở thành tâm lý dịch vụ, hành vi quốc phòng trở thành hoạt động kinh doanh, rất đáng chú ý.

Mời tàu Trung Quốc thăm Cảng Quốc tế Cam Ranh cũng là việc bình thường và hợp lý khi Việt nam định vị rõ Cảng Quốc tế ở Cam Ranh khác với Cảng Quân sự.

Trên phương diện kinh tế và lợi ích thương mại, bất luận tàu bè của quốc gia nào cập cảng và sử dụng dịch vụ tại Cảng Quốc tế Cam Ranh cũng mang lại lợi ích cho Việt Nam, tàu Trung Quốc có vào đây cũng là việc bình thường."

Giáo sư Cầu khuyến cáo Trung Quốc sớm cho tàu thăm Cam Ranh

"Năm 2012 khi Cảng Quốc tế Cam Ranh còn chưa hoàn thành, Việt Nam đã cho thế giới biết rằng cảng này sẽ được mở rộng chào đón tàu chiến, tàu thương mại tất cả các nước.

Vietnamnet đưa tin, ngày 3/6/2012 khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Cam Ranh, phía Việt Nam đã cho biết, bất kỳ quốc gia nào cũng được phép truy cập và sử dụng dịch vụ tại cảng quốc tế Cam Ranh, chỉ cần ký hiệp định hợp tác là được.

Tờ Viettimes ngày 17/5 vừa qua dẫn lời Đại sứ Việt Nam tại Nga nói với báo giới, Việt Nam không phản đối Nga quay trở lại căn cứ quân sự Cam Ranh".

Tuy nhiên, Giáo sư Cầu không hiểu do vô tình hay cố ý, đã thêm chữ "quân sự" vào cụm từ "căn cứ Cam Ranh".

Bởi lẽ Đại sứ Việt Nam tại Nga Nguyễn Thanh Sơn nói Việt Nam không phản đối Nga quay lại Cam Ranh để sử dụng các dịch vụ vận tải biển, sửa chữa tàu thuyền, phát triển kỹ thuật / công nghệ quân sự. Ông Sơn không nói "Việt Nam không phản đối Nga quay trở lại căn cứ quân sự Cam Ranh".

Giáo sư Cầu bình luận: "Việc các quan chức cấp cao Việt Nam mời tàu chiến Trung Quốc vào Cảng Quốc tế Cam Ranh là một quyết sách có được không dễ. Trong cục diện tranh chấp Biển Đông, Cam Ranh được người Việt Nam xem như át chủ bài. 

Việt Nam mời tàu Trung Quốc thăm Cảng Quốc tế Cam Ranh cho thấy, ít nhất Việt Nam mong muốn giải quyết trnah chấp bằng các biện pháp hòa bình. Là nơi có một cảng quân sự trọng yếu nằm trên địa bàn xung yếu ở Biển Đông nên mặc nhiên Cam Ranh trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.

Do đó nếu tàu chiến Trung Quốc nhanh chóng thăm Cảng Quốc tế Cam Ranh theo lời mời và được phía Việt Nam tiếp đón nhiệt tình, cung cấp các dịch vụ chất lượng thì có thể góp phần củng cố thêm lòng tin, giảm căng thẳng ở Biển Đông.

Việt Nam quyết định thả viên minh châu Cam Ranh xuống biển lửa Biển Đông là một hành động có tầm nhìn, trí tuệ. Lời mời của Việt Nam ở góc độ nhất định cho thấy lòng tin giữa hai bên được tăng cường, là biểu hiện của thiện chí".

Vài lời nhận xét

Giáo sư Hoàng Hưng Cầu đã góp phần nói rõ trước dư luận 2 nội dung đáng chú ý: Một là Cam Ranh là một quần thể cảng gồm 3 khu vực, Cảng Quân sự chỉ dành riêng cho Quân đội Nhân dân Việt Nam và không có tàu thuyền nước nào được vào khu vực này; Cảng Dân dụng Ba Ngòi và Cảng Quốc tế Cam Ranh vừa xây dựng.

Thời báo Hoàn Cầu bình luận Việt Nam mời tàu Trung Quốc vào Cam Ranh ảnh 4

"Trung Quốc đã thay đổi hiện trạng mà chẳng ai làm gì được"

(GDVN) - Họ đã thay đổi thực trạng ở Biển Đông mà không có gì, chẳng có ai làm gì được họ bây giờ.

Tàu nước ngoài bao gồm Trung Quốc chỉ được mời truy cập và sử dụng dịch vụ tại cảng quốc tế mới thành lập.

Thứ hai, ông Cầu cũng thấy rõ người Việt Nam đặc biệt quan tâm, coi trọng vai trò vị trí của Cam Ranh nên có nhiều tâm lý lo ngại và đề phòng nếu tàu chiến Trung Quốc được mời thăm và sử dụng dịch vụ tại cảng quốc tế Cam Ranh.

Đây là một quyết định đột phá của Việt Nam với mong muốn tạo dựng lòng tin, thể hiện thiện chí hợp tác, đồng thời phát triển cảng quốc tế Cam Ranh thành trung tâm hàng hải, kinh tế thương mại trọng điểm của đất nước.

Theo cá nhân người viết, điều này còn thể hiện sự tự tin của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong việc đảm bảo bảo mật tại cảng quân sự Cam Ranh trước tàu thuyền nước ngoài, nhất là tàu chiến Trung Quốc.

Đồng thời nó cũng thể hiện rõ tư duy và chiến lược cởi mở của Việt Nam trong khai thác tối đa vị thế, lợi ích của Cam Ranh trong phát triển đất nước, bên cạnh nhiệm vụ phòng thủ.

Tuy nhiên người viết thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần làm tốt hơn nữa công tác quản lý Cam Ranh và tuyên truyền sâu rộng cho các tầng lớp nhân dân hiểu rõ chủ trương, kế hoạch phát triển Cam Ranh, đặc biệt là các yếu tố liên quan đến tàu chiến Trung Quốc.

Bởi nói gì thì nói, đến giờ này một phần lãnh thổ máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc ở Hoàng Sa, Trường Sa vẫn bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp, trong khi họ đang có những hành động phiêu lưu quân sự hóa Biển Đông khiến cả khu vực và thế giới lo ngại.

Do đó có những lo lắng, nghi ngại từ dư luận cũng là việc bình thường. Người dân cần được cung cấp thông tin nhiều hơn, công khai, minh bạch, hệ thống và dễ hiểu hơn.

Đồng thời với việc mở rộng hợp tác, củng cố lòng tin trong quan hệ Việt - Trung để giữ vững hòa bình, ổn định trong khu vực và trên Biển Đông, cá nhân người viết cho rằng mặt đấu tranh với Trung Quốc chống lại các hành vi sai trái, vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông cũng cần được tăng cường, nhất là về hiệu quả.

Bởi vậy quan điểm vừa hợp tác, vừa đấu tranh với Trung Quốc cần được thể hiện rõ bằng những hành động thiện chí, khách quan, cầu thị theo đúng các quy định của luật pháp quốc tế một cách công khai, minh bạch như việc chủ động mời tàu Trung Quốc thăm Cảng Quốc tế Cam Ranh cần được tuyên truyền rộng rãi.

Cái gì đúng ta ủng hộ, cái gì sai ta kiên quyết phản đối. Có như vậy hợp tác mới không làm triệt tiêu đấu tranh gây bất lợi cho ta, và ngược lại đấu tranh không thành rào cản của hợp tác trong các lĩnh vực khác.

Quan trọng hơn nữa là lòng dân. Chỉ khi nào người dân nắm rõ thông tin, hiểu rõ cục diện và lập trường quan điểm của ta cũng như các bên trong vấn đề Biển Đông, khi đó mới tạo được sự đồng thuận.

Lòng dân có yên, công tác đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích hợp pháp của Việt Nam cũng như luật pháp và trật tự quốc tế, bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông mới hiệu quả. Bởi suy cho cùng, đối ngoại cho tốt cũng để phục vụ đối nội, cho đất nước hòa bình và phát triển cường thịnh.

Hồng Thủy