Thời báo Hoàn Cầu ra sức chê bai hạm đội tàu ngầm của Ấn Độ

26/08/2013 08:24
Việt Dũng
(GDVN) - Báo Trung Quốc chê lực lượng tàu ngầm của đối thủ Ấn Độ, trong khi ca ngợi lực lượng tàu ngầm của "bạn" Pakistan.
Tàu ngầm thông thường lớp Kilo của Hải quân Ấn Độ, do Nga chế tạo
Tàu ngầm thông thường lớp Kilo của Hải quân Ấn Độ, do Nga chế tạo

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc vừa có bài viết cho rằng, sự cố nổ tàu ngầm INS Sindhurakshak của Hải quân Ấn Độ đã khiến cho 18 thủy thủ thiệt mạng và gây hoài nghi về năng lực tác chiến và tình hình tàu ngầm của Hải quân Ấn Độ.

Theo bài báo, trang mạng tin tức "Oneindia" Ấn Độ ngày 20 tháng 8 dẫn "The Times of India" cho biết, sau khi tàu ngầm INS Sindhurakshak nổ, hiện nay Hải quân Ấn Độ chỉ còn 7-8 chiếc tàu ngầm thông thường có thể sử dụng.

Điều khó khăn hơn là, Hải quân Ấn Độ còn có 13 tàu ngầm động cơ diesel đã đến tuổi nghỉ hưu, trong đó có 11 chiếc đã hoạt động trên 20 năm. Hơn nữa, toàn bộ những tàu ngầm này đều đang ở trong giai đoạn sửa chữa để có thể kéo dài thời hạn hoạt động.

Bài báo cho rằng, hiện nay, tàu ngầm hạt nhân Chakra-2 là tàu ngầm duy nhất có thể đem lại thể diện cho Hải quân Ấn Độ, nhưng đây lại là tàu ngầm thuê của Nga (trong 10 năm).

Ngoài ra, mặc dù có 6 tàu ngầm lớp Scorpene đang được nhà máy đóng tàu Mazgaon, Mumbai phụ trách sản xuất, nhưng chiếc tàu ngầm đầu tiên dự kiến cũng phải đến sau năm 2016-2017 mới có thể bàn giao sử dụng.

Tàu ngầm hạt nhân Chakra-2 của Hải quân Ấn Độ, thuê của Nga
Tàu ngầm hạt nhân Chakra-2 của Hải quân Ấn Độ, thuê của Nga

Theo bài báo, so với hiện trạng của Hải quân Ấn Độ, đối thủ Pakistan sở hữu nhiều tàu ngầm tiên tiến hơn. Hiện nay, Pakistan có 5 tàu ngầm thông thường mới, đồng thời cũng đang cân nhắc mua sắm 6 tàu ngầm mới từ đối tác thân cận Trung Quốc. Trong khi đó, Hải quân Trung Quốc đã trang bị 47 tàu ngầm động cơ diesel và 8 tàu ngầm hạt nhân.

Bài báo cho rằng, lực lượng tàu ngầm của Hải quân Pakistan là lực lượng đầu tiên sử dụng hệ thống đẩy không lệ thuộc vào không khí (AIP) ở khu vực Ấn Độ Dương. Tàu ngầm thông thường cách vài ngày là phải nổi lên mặt nước để lấy ô xi nạp điện, nhưng tàu ngầm AIP có thể lặn lâu hơn, điều này đã nâng cao rất lớn năng lực tác chiến tàng hình cho Pakistan. Lực lượng tàu ngầm của Ấn Độ đã bị Pakistan đẩy về phía sau.

Tàu ngầm Agosta 90B của Hải quân Pakistan trang bị động cơ AIP
Tàu ngầm Agosta 90B của Hải quân Pakistan trang bị động cơ AIP
Tàu ngầm thông thường thế hệ thứ ba lớp Nguyên của Hải quân Trung Quốc
Tàu ngầm thông thường thế hệ thứ ba lớp Nguyên của Hải quân Trung Quốc
Việt Dũng