Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Sức khỏe là vốn quý nhất của con người”

01/07/2017 06:09
Diệu Linh
(GDVN) - Thủ tướng Chính phủ đề ra 5 giải pháp phát triển Bảo hiểm y tế nhằm chăm sóc tốt hơn nữa sức khỏe của nhân dân.

Nhân kỷ niệm Ngày Bảo hiểm y tế (BHYT) Việt Nam 1/7/2017, tối ngày 30/6/2017, tại Hà Nội,  Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức Chương trình “Bảo hiểm y tế toàn dân - Chung tay vì sức khỏe cộng đồng".

Tham dự chương trình có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng- Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam – bà Nguyễn Thị Minh cùng đại diện các Ban, Bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể ở Trung ương và địa phương.

Đây là một sự kiện truyền thông có ý nghĩa quan trọng để tuyên truyền sâu, rộng nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò trụ cột của chính sách Bảo hiểm y tế trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia; khẳng định sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, hướng tới mục tiêu đến năm 2020 có trên 90% người dân tham gia Bảo hiểm y tế.

Phát biểu tại chương trình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sức khỏe là vốn quý nhất của con người. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tới công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân và đã ban hành, chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, trong đó đặc biệt chú trọng Bảo hiểm y tế nhằm giúp người dân khắc phục những rủi ro bệnh tật, và giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh.

Chủ trương phát huy vai trò của Bảo hiểm y tế và tiến tới Bảo hiểm y tế toàn dân được thể hiện nhất quán trong Nghị quyết của Đảng và từng bước được thể chế hóa và tập trung thực hiện.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Sức khỏe là vốn quý nhất của con người”. ảnh: vgp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Sức khỏe là vốn quý nhất của con người”. ảnh: vgp.

Thủ tướng cho biết, chủ trương phát huy vai trò của Bảo hiểm y tế và tiến tới Bảo hiểm y tế toàn dân được thể hiện nhất quán trong các nghị quyết của Đảng và từng bước được thể chế hóa tập trung chỉ đạo thực hiện.

Năm 2008, lần đầu tiên Luật Bảo hiểm Y tế được ban hành, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho triển khai thực hiện tiến tới Bảo hiểm y tế toàn dân.

Nhờ sự nỗ lực phấn đấu của các ngành, các cấp, đặc biệt là ngành y tế, ngành Bảo hiểm xã hội và sự đồng tình hưởng ứng, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, việc thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế đã đạt được những kết quả quan trọng.

Tỷ lệ người tham gia Bảo hiểm y tế tăng nhanh, từ 5,6% dân số năm 1993 lên 63,7% năm 2011 và đến nay là trên 82%. Phạm vi, quyền lợi Bảo hiểm y tế ngày càng mở rộng, gắn với nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Hệ thống thông tin giám định đã liên thông trên 12.000 cơ sở khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế trong toàn quốc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những nỗ lực và kết quả đạt được trong việc thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế của các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành y tế, ngành Bảo hiểm xã hội, đã góp phần quan trọng cho mục tiêu xây dựng ngành y tế công bằng, hiệu quả.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ bên cạnh những kết quả đạt được, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, chính sách Bảo hiểm y tế vẫn còn những tồn tại.

Cụ thể, nhận thức về vai trò của Bảo hiểm y tế nhiều nơi còn chưa đầy đủ, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều cấp ủy, chính quyền còn chưa quyết liệt; công tác tuyên truyền chưa thực sự sâu rộng, hiệu quả; việc chấp hành chính sách, pháp luật về Bảo hiểm y tế của một số doanh nghiệp chưa nghiêm, dẫn đến tình trạng việc trốn đóng, nợ đóng Bảo hiểm y tế còn xảy ra nhiều; tình trạng trục lợi Bảo hiểm y tế chưa được khắc phục kịp thời và xử lý nghiêm.

Để phát triển chính sách Bảo hiểm y tế bền vững, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và xã hội, Thủ tướng đề nghị các cấp ủy Đảng, Bộ, Ngành, chính quyền địa phương quán triệt sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của Bảo hiểm y tế, coi đó là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, đảm bảo công bằng xã hội. Thủ tướng đề nghị tập trung thực hiện 5 giải pháp:

Một là, tiếp tục hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách về Bảo hiểm y tế, đặc biệt là chính sách hỗ trợ tham gia Bảo hiểm y tế cho người lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư , diêm nghiệp tham gia Bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm trong tham gia Bảo hiểm y tế; cơ chế quản lý quỹ Bảo hiểm y tế hiệu quả, phòng chống lạm dụng, trục lợi, tạo bình đẳng việc khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế giữa bệnh viện công và bệnh viện tư nhân.

Hai là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với Bảo hiểm y tế và dịch vụ khám chữa bệnh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức quản lý và tổ chức thực hiện; chia sẻ và quản lý thông tin hiệu quả giữa cơ sở y tế và Bảo hiểm xã hội.

Ba là, xây dựng chế tài chặt chẽ để yêu cầu các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia Bảo hiểm y tế theo Luật Bảo hiểm y tế. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm doanh nghiệp, đơn vị trốn đóng, nợ đóng Bảo hiểm y tế, các tập thể, cá nhân lạm dụng, trục lợi quỹ Bảo hiểm y tế.

Bốn là, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đặc biệt là tại các tuyến y tế cơ sở; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho các bệnh viện tư nhân tham gia chăm sóc, khám chữa bệnh bằng Bảo hiểm y tế, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên và giảm tình trạng lãng phí.

Đồng thời , khẩn trương hoàn thiện cơ chế mua sắm thuốc, vật tư y tế theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Năm là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách pháp luật Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội, để người dân, doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan, đơn vị hiểu rõ trách nhiệm, quyền lợi, chủ động, tích cực tham gia Bảo hiểm y tế.

Với tinh thần tương thân, tương ái, chung tay vì sức khỏe cộng đồng, Thủ tướng kêu gọi các nhà hảo tâm, các doạnh nghiệp, các tổ chức xã hội, nhiệt tình, thiết thực tham gia hỗ trợ mua và tặng thẻ Bảo hiểm y tế cho nững người còn khó khăn, giúp họ có được chỗ dựa khi ốm đau, bệnh tật, giúp người dân tham gia Bảo hiểm y tế là giải pháp quan trọng góp phần xây dựng xã hội công bằng, phồn vinh, hạnh phúc.

Nâng cao được chất lượng khám chữa bệnh, người dân sẽ tham gia Bảo hiểm y tế nhiều hơn

Phát biểu tại chương trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao.

Các đề án giảm tải bệnh viện, đề án bệnh viện vệ tinh, đề án y tế cơ sở, các quy định về cải các thủ tục hành chính, cải tiến quy trình khám chữa bệnh, đổi mới thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế hướng đến sự hài lòng của người bệnh, đảm bảo môi trường y tế xanh - sạch - đẹp đã và đang phát huy hiệu quả.

Bước đầu giải quyết tình trạng quá tải, chất lượng khám chữa bệnh cải thiện rõ rệt, quyền lợi của người tham gia Bảo hiểm y tế được bảo đảm theo quy định.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao. ảnh: vgp.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao. ảnh: vgp.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ trên cơ sở định hướng tài chính y tế chuyển dần từ cơ chế cấp ngân sách cho cơ sở khám chữa bệnh sang việc hỗ trợ người dân tham gia Bảo hiểm y tế đã góp phần đảm bảo quyền lợi của người tham gia Bảo hiểm y tế.

Bộ trưởng nêu rõ: “Quỹ Bảo hiểm y tế là nguồn tài chính cơ bản cho hoạt động khám chữa bệnh, đóng góp vào việc cải thiện chất lượng dịch vụ y tế, làm tăng tính chủ động, tích cực, tinh thần thái độ phục vụ và đổi mới phương pháp quản lý, đồng thời đã tạo điều kiện để phát triển chuyên môn kỹ thuật.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh, giám định và thanh toán chi phí được triển khai mạnh mẽ tại tất cả các cơ sở y tế thuộc các tuyến là một bước tiến quan trọng trọng việc quản lý cung ứng dịch vụ, nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, đảm bảo công khai, minh bạch, góp phần quản lý, sử dụng quỹ Bảo hiểm y tế hiệu quả”.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam – bà Nguyễn Thị Minh cho biết, sau 8 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Đó là nhận thức của các tầng lớp nhân dân và trách nhiệm của các cấp, các ngành về Bảo hiểm y tế ngày càng được nâng cao;

Công tác tổ chức thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế đã có những chuyển biến rõ nét; việc mở rộng các nhóm đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế đã được thực hiện theo đúng lộ trình của luật.

Chất lượng khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế và sự hài lòng của người dân có thẻ Bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh từng bước được nâng cao.

Người dân được tiếp cận và chăm sóc sức khỏe từ nguồn quỹ Bảo hiểm y tế ngay tại cộng đồng dân cư; nhiều dịch vụ kỹ thuật cao với chi phí lớn đã được quỹ Bảo hiểm y tế chi trả.

Tính đến nay, cả nước đã có gần 76,4 triệu người tham gia Bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 82,1% dân số.

Theo lộ trình đến năm 2020 sẽ đạt trên 90% dân số. Trong 06 tháng đầu năm 2017, ước cả nước có gần 75,6 triệu lượt người khám chữa bệnh được quỹ Bảo hiểm y tế chi trả.

Bà Nguyễn Thị Minh - Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Minh - Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Theo bà Minh, nhờ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan chức năng đã tích cực hoàn thiện cơ chế, chính sách; nâng cao năng lực quản lý điều hành để thực hiện lộ trình Bảo hiểm y tế toàn dân; cải cách hành chính theo hướng coi người bệnh là trung tâm, đã được ngành Y tế và ngành Bảo hiểm xã hội phối hợp triển khai.

Đặc biệt là Hệ thống thông tin giám định Bảo hiểm y tế để kết nối, liên thông giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội và các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý quỹ Bảo hiểm y tế, tạo thuận lợi cho cơ sở y tế và người có thẻ đến khám chữa bệnh được phục vụ kịp thời, góp phần phần phòng ngừa các biểu hiện lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế.

Đồng thời, việc xây dựng thành công dữ liệu hộ gia đình với đầy đủ thông tin của 24 triệu hộ, với trên 91 triệu người, là nền tảng hình thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế...

Diệu Linh