Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải đã trả lời chất vấn thế nào?

03/10/2012 06:32
Hồng Chính Quang
(GDVN) - "Đó là các câu chuyện về việc trả lời chất vấn trước Quốc hội của hai vị Thủ tướng gây ấn tượng mạnh trong tôi. Tôi thấy đó thực sự là những bài học về ứng xử có văn hoá trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở Quốc hội...", ông Vũ Mão nói.
Sự nhận lỗi chân thành của Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Trong tiết trời giữa thu, chúng tôi tìm đến thăm ông. Trở về sau chuyến đi vào miền Nam khá bận rộn nhưng ông vẫn niềm nở tiếp chúng tôi trong căn phòng làm việc với những giá sách cao đến nóc cùng những bức ảnh kỷ niệm ngày ông còn làm việc. Dù đã nghỉ hưu nhưng trong ông, những phiên họp Quốc hội cùng những phiên chất vấn vẫn còn nguyên. Ông là Vũ Mão – Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – Trưởng đoàn thư ký kỳ họp Quốc hội.

Ông Vũ Mão - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Ông Vũ Mão - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Sau khi biết ý định của chúng tôi, ông Mão cười nói: “Hiện nay, các phiên chất vấn tại Quốc hội đã được đề cao và chú ý một cách đặc biệt. Điều này khác hẳn với trước đây, khi chúng ta chỉ coi việc chất vấn các thành viên Chính phủ là một việc mang tính thủ tục, làm cho có”.

Ông Vũ Mão kể: “Trước tiên tôi xin kể hai câu chuyện về đồng chí Võ Văn Kiệt khi đó còn là Ủy viên Bộ Chính trị. Cả hai câu chuyện đều thể hiện sự tiếp thu ý kiến chất vấn của các Đại biểu Quốc hội một cách rất đáng khen ngợi. Lần đầu tiên đó là ở một kỳ họp của Quốc hội khóa VIII vào một buổi tối, khi anh Sáu Dân (cách gọi thân mật ông Võ Văn Kiệt) đang là Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng trả lời chất vấn với cách thức tổng kết lại những ý kiến mà các Bộ trưởng đã trả lời chất vấn trước đó vào ban ngày.

Khi đó, trong lời nói của ông có những ngôn từ thể hiện tinh thần nói cho các đại biểu Quốc hội hiểu rõ, như một sự thuyết phục và có ý nhắc nhở các đại biểu Quốc hội... Dù không nặng nề nhưng sau khi đồng chí Võ Văn Kiệt nói xong thì một số vị đại biểu Quốc hội đã có ý kiến rằng cần phải làm rõ cương vị của đồng chí Võ Văn Kiệt lúc này là người thay mặt Chính phủ để trả lời chất vấn hay là người thay mặt Bộ Chính trị nói chuyện với đại biểu Quốc hội để chấn chỉnh đại biểu Quốc hội.

Sau một vài ý kiến như vậy, đồng chí Võ Văn Kiệt đã nhận ra rằng mình làm như vậy là không đúng và phát biểu: “Tôi thấy các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội như vậy là chân thành và sâu sắc. Bản thân tôi cũng nhận thức lại vấn đề này”. Sau đó đồng chí đã trình bày lại các vấn đề với tinh thần như đã tiếp thu từ các đại biểu Quốc hội.

Lần thứ hai là Chính phủ trình Quốc hội về việc xây dựng đường dây 500KV. Trong khi Quốc hội đang thảo luận để ra Nghị quyết có nhiều ý kiến đồng tình và cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Đang lúc thảo luận như vậy, vào một ngày Chủ nhật, Quốc hội nghỉ họp thì đồng chí Võ Văn Kiệt đã tổ chức lễ khởi công xây dựng đường dây 500KV tại tỉnh Hòa Bình.

Ngay sau ngày hôm ấy, tại phiên họp toàn thể, cả hội trường nóng lên bởi việc làm đã rồi của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhiều đại biểu nhận xét Thủ tướng coi thường Quốc hội. Lại một lần nữa, đồng chí Võ Văn Kiệt đã có lời giãi bày và nhận lỗi trước Quốc hội.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong ngày hoàn thành đường dây tải điện 500KV Bắc - Nam năm 1994 (Ảnh: Nguyễn Công Thành)
Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong ngày hoàn thành đường dây tải điện 500KV Bắc - Nam năm 1994 (Ảnh: Nguyễn Công Thành)

Các đại biểu Quốc hội cảm thấy hài lòng bởi sự chân thành và tâm huyết của anh Sáu Dân và hiểu rất sâu sắc rằng, miền Nam đang rất cần điện để phát triển sản xuất. Cuối cùng, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về xây dựng đường dây 500KV. Điều đó cho thấy, với tất cả tinh thần xây dựng và nhiệt huyết, việc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội cũng như trả lời chất vấn của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã thực sự được lòng dân".
Thủ tướng Phan Văn Khải trước vấn đề “hóc búa”

Ông Vũ Mão kể thêm: “Sau khi đồng chí Võ Văn Kiệt về hưu, đồng chí Phan Văn Khải lên làm Thủ tướng. Khi anh Khải lên làm Thủ tướng thì cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào năm 1997 xảy ra nghiêm trọng. Nền kinh tế Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Rất mừng là nước ta đã vượt qua được cuộc khủng khoảng, trong đó có công đóng góp không nhỏ của anh Phan Văn Khải. 

Tôi muốn đề cập ở đây một vấn đề rất quan trọng và thú vị là việc giải quyết tiền đóng góp của nhân dân đầu tư mạng lưới điện nông thôn trong những năm qua".

Ông Vũ Mão tiếp tục: "Trong nhiều năm trước, chúng ta có chủ trương đưa điện về nông thôn. Tuy nhiên vì ngân sách Nhà nước có hạn nên chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu điện ở các thành phố, còn ở nông thôn thì không.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã kêu gọi nhân dân ở vùng nông thôn cùng tham gia bằng cách góp tiền xây dựng các đường dây đưa điện về làng xóm. Sau đó, việc nhân dân ở vùng nông thôn phải bỏ tiền ra để xây dựng hệ thống dây dẫn điện về làng cùng với việc phải trả tiền điện cao hơn ở các thành phố nên đã gây ra bức xúc trong nhân dân. Từ đó xuất hiện yêu cầu phải trả lại số tiền nhân dân ở vùng nông thôn đã đóng góp để cho công bằng với thành phố. Việc này đã được đưa vào nghị trường.

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Đặng Vũ Chư khi đó đã phải trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội liên tiếp trong 4 kỳ họp nhưng vẫn không làm thỏa mãn được các vị đại biểu Quốc hội. Lúc này không khí rất căng thẳng, nhưng Bộ trưởng Đặng Vũ Chư vẫn rất lúng túng, chỉ biết nói rằng: “Rất hoan nghênh nhân dân đã chung tay góp sức với Chính phủ trong lúc khó khăn. Và chúng tôi sẽ trình Chính phủ xem xét vấn đề này”.

Vấn đề chính ở đây là trả tiền cho dân thì Bộ trưởng Đặng Vũ Chư lại không thể nói ra vì việc này ngoài tầm của Bộ Công nghiệp, mà ở tầm của Chính phủ.

Lúc đó tôi đã gặp anh Phan Văn Khải để nói rõ suy nghĩ của tôi về vấn đề này. Anh Khải và tôi vốn là chỗ thân thiết, cùng là Uỷ viên Trung ương Đảng từ khoá V, năm 1982. Tôi kính trọng anh Khải như người anh, cả về tuổi tác và cương vị. Tôi nói:

“Vấn đề mấu chốt ở đây là hoàn lại tiền cho nhân dân trong việc xây dựng mạng lưới điện nông thôn. Thủ tướng trả lời với các đại biểu Quốc hội về vấn đề này là tốt nhất. Anh thấy đấy, anh Đặng Vũ Chư đã rất cố gắng nhưng làm sao có quyền nói sẽ trả tiền cho dân hay không? Tôi tha thiết đề nghị với anh là nên có một cuộc họp bàn ở Chính phủ và có chủ trương rõ ràng. Sau đó đưa ra trước Quốc hội để bố trí một khoản ngân sách giải quyết việc đó. Tôi cho rằng có như vậy thì vấn đề này mới có thể yên lòng dân được”. 

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải (Ảnh: Việt Dũng/TTO)
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải (Ảnh: Việt Dũng/TTO)

Nghe tôi nói xong, anh Khải cười vui hài lòng. Sau đó anh Khải đã họp bàn ở  Chính phủ và đưa vấn đề ra trước Quốc hội. Lần này trả lời chất vấn trước Quốc hội anh Khải đã nói: “Tổng số tiền mà nhân dân đã đóng góp để xây dựng mạng lưới điện nông thôn lên tới hơn 870 tỷ đồng (một số tiền rất lớn ngày đó, so với bây giờ, tương đương khoảng 10.000 tỷ đồng).

Chính phủ hoan nghênh và đánh giá cao tinh thần tự lực tự cường trong phong trào nhân dân xây dựng mạng lưới điện nông thôn. Chính phủ đề nghị với Quốc hội cho hoàn trả số tiền trên. Tuy nhiên, thay vì việc trả cho từng người dân số tiền đó thì thay bằng chuyển về cho từng xã để làm quỹ xây dựng hạ tầng, trước hết là nâng cấp hệ thống điện, giảm thiểu điện thế rơi, bớt đi giá tiền điện mà mỗi hộ dân phải trả".

Ý kiến này của Thủ tướng được Quốc hội nhất trí và rất hoan nghênh, ủng hộ cao. Ngay sau đó, trong buổi họp báo, với sự phấn khích trước việc giải quyết 1 vấn đề nan giải trong thời gian dài, tôi đã nói: “Đó là lần phát biểu hay nhất trong 20 năm qua của Thủ tướng Phan Văn Khải”.

Đó là một câu chuyện nữa về việc trả lời chất vấn trước Quốc hội của hai vị Thủ tướng gây ấn tượng mạnh trong tôi. Tôi thấy đó thực sự là những bài học về ứng xử có văn hoá trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở Quốc hội..."

(còn nữa)


* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!

Hồng Chính Quang