Thường vụ Quốc hội không tán thành mở rộng khung giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ

20/09/2019 09:36
Đỗ Thơm
(GDVN) - Ngày 20/9, tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Theo báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa (Điều 107) vẫn còn ý kiến khác nhau.

Tổng Thu ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn
Tổng Thu ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Trước đó, tại kỳ họp thứ 7, Chính phủ đã trình Quốc hội mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm (tăng 100 giờ so với quy định hiện hành), quá trình thảo luận, lấy ý kiến có hai loại ý kiến khác nhau về vấn đề này:

Loại ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ đồng ý mở rộng thêm khung thời gian làm thêm giờ vì xuất phát từ thực tiễn của doanh nghiệp, đồng thời cũng là nguyện vọng của người lao động (chủ yếu ở nhóm lao động phổ thông trong một số lĩnh vực: da giày, thủy sản, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử…) để tăng thu nhập do tiền lương thực tế chưa đủ sống; nhưng đề nghị phải có sự thỏa thuận thực sự giữa người sử dụng lao động và người lao động, tiền lương làm thêm giờ phải được tính lũy tiến, khống chế giờ làm thêm tối đa trong tháng để tạo điều kiện tháo gỡ cho nhóm doanh nghiệp, ngành nghề có nhu cầu làm thêm giờ.

Loại ý kiến không đồng ý mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa vì cho rằng, mục tiêu phải hướng đến là tăng năng suất lao động, cải tiến công nghệ, quản trị doanh nghiệp, bảo đảm sức khỏe cho người lao động về lâu dài, phù hợp với xu hướng tiến bộ của thế giới, phù hợp với mục tiêu của phong trào công nhân, công đoàn thế giới, quan hệ lao động trong thời kỳ mới.

Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 36 không tán thành với đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa. Dù vậy, theo phản ánh của Cơ quan soạn thảo , Chính phủ vẫn mong muốn phương án của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (theo Tờ trình Chính phủ số 208/TTr-CP ngày 17/5/2019) tiếp tục được trình Quốc hội thảo luận, quyết định.

Do đó, Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội xin báo cáo đề xuất hai phương án báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Phương án 1, giữ như quy định của Bộ luật hiện hành, có bổ sung nâng quy định khống chế thời gian làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ.

Phương án 2, quy định như dự thảo Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, tức là nâng số giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ theo quy định hiện hành lên 400 giờ trong một năm.

Theo phương án này, Chính phủ phải tiếp tục nghiên cứu các kiến nghị của đại biểu Quốc hội, chuẩn bị danh mục cụ thể các ngành, nghề được mở rộng khung làm thêm từ trên 300 giờ đến 400 giờ và trình Quốc hội dự thảo Nghị định chi tiết.

Ủy ban về các vấn đề Xã hội thấy rằng, giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề người lao động ngày càng nâng cao, giá trị sản phẩm tăng lên, thời giờ làm việc phải giảm xuống để bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người lao động.

Việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế sẽ có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm, khai thác sức lao động, dẫn đến hậu quả người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động.

Quá trình thẩm tra sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động trước đây, đa số ý kiến thành viên Ủy ban luôn nhất quán quan điểm không tán thành tăng thời giờ làm thêm dù thực tế người sử dụng lao động và người lao động có nhu cầu.

Tại phiên họp thứ 37, đa số ý kiến Ủy viên Thường vụ Quốc hội không tán thành việc mở rộng khung giờ làm thêm tối đa 400 giờ/làm.

Không người lao động bình thường nào đồng ý tăng tuổi hưu
Không người lao động bình thường nào đồng ý tăng tuổi hưu

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu ý kiến nêu, liên quan đến năng suất lao động, nó không chỉ dựa vào sức người mà dựa vào đổi mới công nghệ.

Vì vậy, nếu Quốc hội không cho phép tăng giờ làm thêm thì doanh nghiệp sẽ phải đổi mới công nghệ, đưa công nghệ hiện đại vào còn nếu không họ sẽ dùng đến sức người.

“Rất khổ cho người lao động trong khối này, nhất là phụ nữ. Nên quan điểm của chúng tôi là không nên tăng, nếu chúng ta không giảm giờ làm thì giữ nguyên như hiện hành.

Phải tạo điều kiện cho người lao động tái sản xuất sức lao động và quan tâm đến các vấn đề xã hội. Vì thế, tôi đồng tình với phương án 1, giữ nguyên khung giờ làm thêm tối đa 300 giờ/năm”, đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Đồng tình với ý kiến Đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc, Đại biểu Nguyễn Thanh Hải – Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội nhấn mạnh, người lao động có đời sống tốt thì mới có sản phẩm tốt.

"Vì vậy tôi không đồng tình với việc tăng giờ làm thêm mà chúng ta nên suy nghĩ tiếp đến việc giảm giờ làm", bà Hải nói.

Đỗ Thơm