THX: Philippines đang thúc đẩy đối đầu quân sự với TQ ở Biển Đông?!

14/08/2013 08:03
Hồng Thủy
(GDVN) - Thực tế không có quốc gia nào bỏ thời gian, tiền của, sức lực đi làm cái việc vô nghĩa là chống lại Trung Quốc, có chăng chỉ là nâng cao năng lực phòng thủ và chống sự bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc trực tiếp đe dọa đến toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia của họ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (trái) và đồng nhiệm Philippines Raul Hernandez.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (trái) và đồng nhiệm Philippines Raul Hernandez.
Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã hôm qua 13/8 có bài xã luận cho rằng, việc hôm nay 14/8 Philippines và Mỹ bắt đầu thảo luận về việc tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ lớn hơn trong khu vực Biển Đông "sẽ không giúp giải quyết tranh chấp mà càng làm cho căng thẳng leo thang"?!
Trong khi Bắc Kinh vẫn tiếp tục khăng khăng đòi đàm phán tay đôi, Tân Hoa Xã nói Philippines "đã đóng tất cả các cửa đàm phán và đang có một loạt các hành động đơn phương". Tuy nhiên không dưới 1 lần Bộ Ngoại giao Philippines đã khẳng định họ "kiệt sức" trong những nỗ lực đàm phán, giải quyết bất đồng, tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông vì phía Bắc Kinh luôn đưa ra cái gọi là điều kiện tiên quyết hết sức phi lý và trịch thượng, không thể chấp nhận được: Phải thừa nhận "chủ quyền" hầu như toàn bộ Biển Đông thuộc về Trung Quốc, sau đó đàm phán gì thì đàm phán. Chính vì vậy đầu năm nay Philippines đã đưa "tranh chấp hàng hải" ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển, Tân Hoa Xã lại một lần nữa đánh tráo khái niệm khi đề cập tới việc Philippines kiện Trung Quốc áp dụng và giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 trong yêu sách của họ ở Biển Đông và yêu cầu Tòa án Quốc tế về Luật Biển hủy bỏ yêu sách vô lý đường lưỡi bò của Trung Quốc.
Ngoại trưởng (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cùng thúc đẩy việc tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng leo thang gây căng thẳng.
Ngoại trưởng (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cùng thúc đẩy việc tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng leo thang gây căng thẳng.
Với lối quy kết, chụp mũ, Tân Hoa Xã cho rằng Philippines "đang thúc đẩy một cuộc đối đầu quân sự bằng các nâng cấp lực lượng hải quân của minh và cố gắng tìm kiếm các nguồn lực nước ngoài cho quân đội để chống lại Trung Quốc?!" Thực tế không có quốc gia nào bỏ thời gian, tiền của, sức lực đi làm cái việc vô nghĩa là chống lại Trung Quốc, có chăng chỉ là nâng cao năng lực phòng thủ và chống sự bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc trực tiếp đe dọa đến toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia của họ. Và cũng chính các học giả, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng quân đội Philippines là "yếu nhất khu vực", đương đầu với Trung Quốc như trứng chọi đá, vậy việc Philippines nâng cao năng lực phòng thủ của họ là chuyện đương nhiên, không phải như Tân Hoa Xã quy chụp là Philippines đang "đối đầu quân sự, chống lại Trung Quốc". Lo ngại sự can thiệp của các nước lớn có lợi ích tự do hàng hải ở Biển Đông như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ sẽ không còn để cho Bắc Kinh muốn làm gì thì làm như trước, Tân Hoa Xã ngụy biện rằng "động thái đơn phương và sự can thiệp từ bên ngoài là phản tác dụng để giải quyết xung đột quốc tế và sẽ không giúp giảm bớt căng thẳng." Tân Hoa Xã nhắc lại lời ông Tập Cận Bình hôm 30/7: Trung Quốc sẽ sử dụng biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán, nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông hòng "chiêu dụ" Philippines "đàm phán tay đôi" với Trung Quốc, nhưng lại lờ đi cái gọi là phương châm giải quyết tranh chấp lãnh hải mà ông Bình đã nhắc rất rõ: "Chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp cùng khai thác."
* Đề nghị không sao chép lại dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của báo GDVN. Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Mọi ý kiến nhận xét, đóng góp về bài viết xin quý độc giả vui lòng gửi về địa chỉ quocte@giaoduc.net.vn, trân trọng cảm ơn!
Hồng Thủy