Tin thế giới đọc nhanh cuối ngày 16/9/2011

16/09/2011 17:50
M.Phương (Tổng hợp)
(GDVN) - Nhật viện trợ khẩn cho Libya; nổ nhà máy hóa chất ở Australia; Campuchia hy vọng Trung Quốc đầu tư viện trợ…là những tin nổi bật chiều nay.
1. Thủ tướng Malaysia Najib Razak tuyên bố sẽ bãi bỏ Đạo luật an ninh nội địa (ISA), và nới lỏng quy định về truyền thông trước thềm cuộc bầu cử năm tới. ISA ra đời năm 1960 khi Malaysia liên tiếp xảy ra các cuộc bạo loạn vũ trang. Đạo luật này cho phép cảnh sát Malaysia bắt giữ nghi can vô thời hạn mà không cần lệnh. Tuyên bố trên của Thủ tướng Najib được đưa ra hai tháng sau cuộc biểu tình đường phố khiến hơn 1.600 người bị bắt giữ, và làm giảm tỷ lệ ủng hộ nội các của ông. (Bloomberg)
2. Nhật Bản quyết định viện trợ khẩn cấp thêm 2 triệu USD cho người dân Libya, song chưa giải ngân khối tài sản 4,4 tỷ USD phong tỏa của chính quyền Gaddafi. Quan chức Văn phòng Thủ tướng Nhật cho biết, Chính phủ Nhật Bản đang xem xét khả năng giải ngân cho Libya, quyết định cuối cùng phải dựa vào phiên thảo luận sắp tới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và nhu cầu của Hội đồng quốc gia lâm thời Libya. (Nasdaq)
3. Một vụ nổ lớn đã xảy ra tại một nhà máy hóa chất Energy Services International ở khu vực Mitchell, thủ đô Canberra, Australia, và nguy cơ gây rò rỉ chất độc hại. Hiện tại chưa có báo cáo về thương vong thiệt hại, song một khu vực phong tỏa 300m đã được lập ra ngay sau vụ nổ. Một số trường học cách nhà máy trong bán kính khoảng 10km cũng được yêu cầu đóng cửa trong ngày hôm nay. (Xinhua)
4. Nguồn tin ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) cho biết khối này hy vọng giới lãnh đạo Palestine sẽ từ bỏ kế hoạch tìm kiếm tư cách thành viên đầy đủ tại Khóa họp thường niên lần thứ 66 Đại hội đồng Liên hợp quốc vào ngày 21/9 tới, để đổi lấy việc nâng cấp quy chế quan sát viên của nước này. Được biết, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Catherine Ashton vừa có chuyến đi Trung Đông trong vai trò trung gian nhằm khôi phục cuộc đàm phán hòa bình Palestine-Israel. (AFP)
5. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasuo Ichikawa và người đồng cấp Mỹ Leon Panetta đã nhất trí nỗ lực thực hiện thỏa thuận giữa hai nước về việc di chuyển căn cứ Futenma của quân đội Mỹ từ Ginowan tới Ginowan, hai thành phố đều nằm trong phạm vi tỉnh Okinawa của Nhật Bản. Kể từ khi đạt được thỏa thuận này vào tháng 5/2010, đến nay vấn đề này vẫn bế tắc do sự phản đối của người dân tỉnh Okinawa, nơi có nhiều căn cứ quân sự của Mỹ. (AFP)
6. Thủ tướng Ai Cập Essam Sharaf tuyên bố hiệp ước hòa bình ký năm 1979 giữa nước này và Israel không phải là "bất khả xâm phạm" và có thể thay đổi nếu điều đó mang lại hòa bình hoặc lợi ích cho khu vực. Các nhà phân tích chính trị đánh giá tuyên bố trên của Thủ tướng Ai Cập nhằm cho phép Cairo tăng cường an ninh tại khu vực biên giới với Israel vốn bị giới hạn về quy mô lực lượng an ninh được triển khai theo hiệp ước hòa bình năm 1979. (Reuters)
7. Tổng thống Philippines Benigno Aquino III sẽ chính thức tới thăm và làm việc tại Nhật Bản từ ngày 25-28/9 tới. Ông Aquino sẽ tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda để thảo luận về sự tiến bộ của quan hệ song phương và trao đổi các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm. (Xinhua)
8. Một quan chức cấp cao của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, quan hệ giữa Trung Quốc và Campuchia ngày càng trở nên chặt chẽ và thân thiện hơn trong những năm gần đây khi Bắc Kinh đã đầu tư hàng tỷ đô la để giúp quốc gia Đông Nam Á thúc đẩy nền kinh tế của mình. Mặc dù đã cải thiện nhanh chóng nhưng nền kinh tế Campuchia vẫn còn yếu hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực. Do vậy, Đại sứ Campuchia ở Trung Quốc, Khek Caimealy Sysoda hy vọng Trung Quốc sẽ đầu tư nhiều hơn nữa vào đất nước mình. (Xinhua)
9. Hai nước Mỹ và Australia cùng kêu gọi đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông, và đề nghị Trung Quốc cũng như các nước khác bình tĩnh trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền. Trong cuộc hội đàm ở San Francisco, các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao Mỹ và Australia nhắc lại quan điểm không đứng về bên nào trong tranh chấp, đồng thời kêu gọi các nước tuân thủ luật pháp quốc tế. (AFP)
10. Theo kết quả cuộc thăm dò dân ý, chỉ số tín nhiệm của Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi đã giảm xuống còn 24%, mức thấp nhất trong thời kỳ đương chức của ông. Trong khi đó, số những người “có ít” hoặc “không có” niềm tin vào Thủ tướng Berlusconi tăng từ 60% lên đến 64%. Trong thời gian gần đây, vị Thủ tướng trường kỳ nhất nước Ý liên tục rơi vào vòng xoáy kiện tụng. Ông bị cáo buộc mua dâm gái gọi tuổi teen, tham nhũng và lạm dùng chức quyền. (Asiaone)

M.Phương (Tổng hợp)