Tin thế giới đọc nhanh sáng 25/10/2011

25/10/2011 07:37
M.Phương (Tổng hợp)
(GDVN) -Mỹ-Triều đối thoại trực tiếp; WikiLeaks ngừng tiết lộ tài liệu mật do "hết tiền"; LHQ bầu 5 thành viên không thường trực mới; Mỹ dừng máy bay F-22...
1. Chính quyền của Thủ tướng Anh David Cameron giành thế áp đảo trong cuộc bỏ phiếu phản đối trưng cầu dân ý về việc rút khỏi Liên minh châu Âu (EU). Theo kết quả bỏ phiếu, 483 nghị sỹ phản đối trưng cầu, trong khi 111 nghị sỹ ủng hộ. Như vậy, chính phủ Anh thoát nguy cơ đối mặt với một cuộc trưng cầu dân ý về việc duy trì hay rút khỏi EU. (Xinhua)
2. Điều phối viên Mỹ về chính sách đối với Myanmar, ông Derek Mitchell đã đến Myanmar trong chuyến thăm 2 ngày. Đây là lần thứ hai ông Mitchell thăm Myanmar trong 2 tháng qua. Theo người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Myanmar, ông Mitchell dự định thăm Myanmar thường xuyên để thúc đẩy sự can dự trên nguyên tắc với quốc gia Đông Nam Á này. (AFP)
3. Mỹ và Triều Tiên đã bắt đầu cuộc đối thoại trực tiếp tại Geneva, Thụy Sĩ nhằm bàn biện pháp nối lại các vòng đàm phán sáu bên (gồm Nga, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên) về giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, vốn đang bị ngưng trệ. Đây là cuộc đối thoại trực tiếp lần thứ hai giữa Mỹ và Triều Tiên kể từ khi vòng đàm phán sáu bên bị đổ vỡ cách đây hơn hai năm. (Reuters)
4. LHQ đã tiếp tục bầu Azerbaijan nhiệm kỳ thứ hai vào Hội đồng Bảo an LHQ, cùng với nó là bốn thành viên không thường trực mới bao gồm Pakistan, Moricco, Guatemala và Togo, Chủ tịch LHQ Nassir Abdulaziz Al-Nasser công bố. Các thành viên mới sẽ phục vụ từ ngày 1/1/2012 đến 21/12/2013 thay thế cho các thành viên sẽ hết nhiệm kỳ là Bosnia, Herzegovina, Brazil, Gabon, Lebanon và Nigeria vào 31/12/2011. (Xinhua)
5. Chính phủ mới của Jordan đã chính thức tuyên thệ nhậm chức trước Quốc vương Abdullah II. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều sức ép yêu cầu cải cách và đẩy mạnh tiến trình tự do hóa chính trị ở Jordan. Trong thành phần chính phủ của ông Khasawneh có 25 gương mặt mới gồm các nhà kỹ trị, các nhân vật trung dung và các chính trị gia, tuy nhiên không bao gồm phong trào đối lập Hồi giáo nước này. (AFP)
6. Mỹ đã rút đại sứ tại Syria Robert Ford về nước, do những lo ngại cho sự an toàn của ông, giới chức  nước này cho hay. Ông Ford đã làm giới chức Syria giận dữ, khi thể hiện sự ủng hộ đối với các nhà hoạt động liên quan đến cuộc biểu tình chống lại sự nắm quyền của Tổng thống  Bashar al-Assad. Các cuộc biểu tình chống Tổng thống Assad bắt đầu vào tháng 3 ở miền nam và dần dần lan rộng cả nước. (BBC)
7. Mỹ và Iraq đang hướng tới thiết lập một mối quan hệ quân sự bình thường sau khi Mỹ rút quân vào cuối năm nay, Lầu Năm Góc cho biết. Tổng thống Barrack Obama tuyên bố sau khi quân đội Mỹ ra khỏi Iraq, mối quan hệ giữa hai nước sẽ là giữa các quốc gia có chủ quyền bình thường. Trong khi đó, vai trò của quân đội Mỹ ở Iraq chủ yếu là để đào tạo và tư vấn thêm cho Iraq. (Xinhua)
8. Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Trung Quốc (SPP) đã tuyên phạt hơn 6 năm tù mỗi người đối với hai quan chức bị buộc tội làm lộ thông tin bí mật về kinh tế. Các dữ liệu bị rò rỉ gồm các thông tin nhạy cảm về thị trường và các số liệu kinh tế nội bộ. Trong một thông cáo, SPP nhấn mạnh, việc xử phạt nghiêm khắc là cần thiết để bảo vệ uy tín của chính phủ. (AP)
9. Trang mạng WikiLeaks vừa tuyên bố sẽ ngừng tiết lộ các tài liệu mật do các khó khăn về tài chính, người sáng lập WikiLeaks Julian Assange cho hay. WikiLeaks cho biết thay vào đó trang này sẽ tập trung vào việc gây quỹ nhằm duy trì sự tồn tại trong tương lai. Tuyên bố trên diễn ra sau lệnh phong toả tài khoản của các công ty tài chính lớn của Mỹ. (BBC)
10. Các sĩ quan cho biết lần thứ hai trong năm nay Không quân Mỹ đã phải cấm bay đối với hàng chục máy bay chiến đấu F-22 đắt tiền và tân tiến nhất thế giới như một biện pháp phòng ngừa để đảm bảo an toàn. Quyết định được đưa ra sau một vụ việc hồi tuần trước trong đó một phi công thuộc Căn cứ hỗn hợp Langley-Eustis ở Virginia xuất hiện vấn đề thiếu ôxy. (Reuters)
M.Phương (Tổng hợp)