Tin thế giới đọc nhanh sáng 27/9/2011

27/09/2011 08:12
M.Phương (Tổng hợp)
(GDVN) - Bộ trưởng Tài chính Nga từ chức; Thổ Nhĩ Kỳ thăm dò dầu khí tại Địa Trung Hải; Ấn Độ tăng cường quốc phòng... là những tin nóng nhất trong ngày.
1. Thủ tướng Lebanon Najib Mikati đã thông báo rằng Lebanon cam kết thực hiện các nghĩa vụ quốc tế của mình và thực hiện các nghị quyết quốc tế, Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton phát biểu trước các phóng viên sau cuộc họp với Thủ tướng Mikati tại văn phòng của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ở New York. Bà Clinton cũng cam kết rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các lực lượng vũ trang Lebanon. Ông Mikati cho biết Lebanon không được lựa chọn trong việc thực hiện các nghị quyết quốc tế và yêu cầu Mỹ tiếp tục trợ giúp các lực lượng vũ trang Lebanon để có thể thực hiện nhiệm vụ này. (Xinhua)
2. Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin đã từ chức vì bất đồng với Tổng thống Medvedev về chính sách kinh tế, đặc biệt là quyết định chi tiêu cho quốc phòng. Ông Kudrin từ chối phục vụ trong chính quyền mới dự kiến do ông Medvedev đảm nhiệm vị trí Thủ tướng vào năm 2012. Đáp lại, ông Medvedev yêu cầu ông Kudrin từ chức. Giữ chức Bộ trưởng Tài chính từ năm 2000, ông Kudrin đã có đóng góp lớn cho sự phát triển của nền kinh tế Nga: thanh toán các khoản nợ nước ngoài, tạo ra các quỹ đầu tư dầu để hạn chế ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. (RIA)
3. Một con tàu của Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu thăm dò dầu khí tại Địa Trung Hải, Hãng thông tấn Anatolia của Thổ Nhĩ Kỳ thông báo. Con tàu Piri Reis, bắt đầu nghiên cứu địa chấn ở phía đông Địa Trung Hải, Giám đốc Viện Khoa học và Công nghệ Hải quân của Đại học Dokuz Eylul, Huseyin Avni Benli cho biết. Ông Benli nói thêm rằng các máy bay và tàu chiến đấu đã được huy động để hộ tống Piri Reis. Con tàu Piri Reis, được thiết kế ở xưởng đóng tàu Đức, Diedrich Julius vào năm 1978, có thể thực hiện các cuộc khảo sát địa chấn hai chiều trong vòng 20 ngày. (Xinhua)
4. Giới chức Hàn Quốc thông báo vừa xử phạt một người nước này do tìm cách đào tẩu sang CHDCND Triều Tiên. Theo hồ sơ tòa án cho hay hồi tháng 10.2010, ông Oh, 50 tuổi, đến Lãnh sự quán CHDCND Triều Tiên tại thành phố Thẩm Dương của Trung Quốc để xin tị nạn và nói rằng muốn vận động để thống nhất bán đảo Triều Tiên. Sau khi bị từ chối, ông Oh đến khu vực biên giới Trung Quốc - Triều Tiên để tìm cách sang Bình Nhưỡng nhưng không được. Đây được coi là một vụ việc rất hiếm hoi vì lâu nay chỉ có đa số trường hợp người CHDCND Triều Tiên chạy xuống miền Nam. (AFP)
5. Giới chức an ninh Ai Cập phủ nhận thông tin cho rằng 8 thành viên gia đình ông Muammar Gaddafi chạy sang nước này tị nạn. Thông tin trên được đưa ra sau khi báo chí Algeria sáng ngày 26/9 khẳng định 8 thành viên gia đình ông Gaddafi đã đến Cairo sau một thời gian tị nạn ở Algeria. Giới chức an ninh Ai Cập cũng cho hay, các hãng hàng không của họ đều phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt, buộc các công dân Libya khi vào Ai Cập phải có hộ chiếu, và được các đại sứ quán Ai Cập chấp nhận. (Ahram News)
6. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì đã gặp gỡ với Tổng thư ký Liên đoàn Ảrập (AL) Nabil al-Arabi và Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Trong cuộc họp với al-Arabi, ông Dương Khiết Trì cho biết rằng, các mối quan hệ giữa Trung Quốc và AL đã bước vào một giai đoạn mới, Trung Quốc hy vọng sẽ tăng cường hơn nữa hợp tác chiến lược song phương với tổ chức để thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển châu Á và Bắc Phi. Khi gặp Ngoại trưởng Đức Westerwelle, ông Dương cho biết trong tình hình quốc tế hiện nay, mối quan hệ thân thiết giữa Trung Quốc và Đức có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ song phương và tăng cường phối hợp trong các vấn đề khu vực và quốc tế. (Xinhua)
7. Ấn Độ đang ra sức tăng cường sức mạnh quốc phòng, nhất là hải quân, do những lo ngại về an ninh trên biển lẫn trên đất liền. Các chương trình tăng cường sức mạnh hải quân từ tàu chiến đến tên lửa từ nay đến năm 2018 của Ấn Độ có tổng giá trị lên đến 60 tỉ USD nhằm bảo vệ lợi ích và những dự án hợp tác trên biển của nước này. Vấn đề này được đưa ra một ngày trước khi Tổng thống Philippines Benigno Aquino III hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda và dự kiến hai bên sẽ bàn về vấn đề biển Đông. (India Times)
8. Việc điều tra vụ sát hại Abdel Fattah Younes, cựu lãnh đạo quân đội Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia Libya (NTC) vẫn được tiến hành, một quan chức tư pháp của cơ quan cầm quyền Libya cho biết. Jamal Al Noor, người phụ trách các vấn đề tư pháp của NTC ở thành phố Benghazi phát biểu tại một cuộc họp báo rằng các nhà chức trách đang thực hiện một số phương pháp về trường hợp của ông Younes, người bị bắn chết bởi những kẻ tấn công tại Benghazi vào ngày 28/7 trước. Theo ông Noor, các nhà chức trách đã ra lệnh bắt giữ một số nghi phạm liên quan đến vụ việc này tuy nhiên một số người trong số này vẫn chưa bị bắt giữ. (Xinhua)
9. Khoảng 100 lính đánh thuê cho chính quyền bị lật đổ của ông Muammar Gaddafi đã bị bắt tại Kaduna ở biên giới Niger-Nigeria. Những tay súng này bị bắt bởi nhân viên an ninh Cơ quan quản lý nhập cư Nigeria sau khi đến bang Kaduna trên hai ô tô hạng sang. Những người này đã ẩn náu ở sa mạc Libya khoảng 3 tuần trước khi chạy sang Nigeria. Hiện nhóm người trên vẫn bị bắt giữ chờ phán quyết từ chính phủ Nigeria. (Mirror)
10. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton xem xét lại thương vụ nâng cấp máy bay F-16 cho Đài Loan khi hai người gặp gỡ bên lề phiên họp thường niên của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York. Ông Dương cho hay Trung Quốc nhiều lần đưa ra cảnh báo về hiểm họa tiềm tàng đối với quan hệ quân sự Mỹ - Trung nếu hợp đồng nâng cấp máy bay F-16 có trị giá 5,85 tỷ USD không được hủy bỏ. Tuy nhiên, không có biểu hiện nào của bà Clinton cho thấy Mỹ sẽ làm theo yêu cầu của Trung Quốc. (AFP)
M.Phương (Tổng hợp)